Những căn nhà cấp 4 của Trại giam A2 (Bộ Công an) nằm nép mình dưới chân núi ở xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh. Ở đó, những nữ quản giáo được ví như “bông hồng thép” đang dành sự quan tâm chân thành giúp hàng trăm nữ phạm nhân yên tâm cải tạo để làm lại cuộc đời.
Chúng tôi có mặt tại xưởng giặt sấy, Phân trại 1, Trại giam A2 do Đại úy Phạm Thị Kim Thư phụ trách. Đó là căn nhà cấp 4 khá rộng, với đủ loại máy móc được dùng để giặt, sấy ga giường, quần áo. Tại đây, Đại úy Phạm Thị Kim Thư đang hướng dẫn các nữ phạm nhân những công việc tại xưởng. Đến nay, đã tròn 15 năm Đại úy Phạm Thị Kim Thư gắn bó với Trại giam A2. Mặc dù trải qua nhiều lĩnh vực công tác khác nhau trong trại giam, song chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, không quản ngại khó khăn trong việc cảm hóa, giáo dục các phạm nhân, giúp những con người một thời lầm lỗi có cơ hội sớm về với gia đình, cộng đồng.
Phạm nhân N.T.H (quê ở thị xã Ninh Hòa), đang thi hành án chung thân về các tội giết người và cướp tài sản kể, đã có những lúc H. muốn kết thúc cuộc sống vì những tội lỗi của bản thân gây ra. Nhưng sau khi được các cán bộ quản giáo, nhất là những lời động viên, an ủi và sự quan tâm chân thành của Đại úy Phạm Thị Kim Thư, H. đã rũ bỏ mặc cảm, dần hòa đồng và rất chăm chỉ lao động, cải tạo. “Đối với mỗi phạm nhân, việc kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, nhất là khi họ mới thi hành án để có sự quan tâm, chia sẻ thì việc giáo dục, cảm hóa mới đạt hiệu quả. Trách nhiệm của chúng tôi là động viên tinh thần phạm nhân, giúp họ lạc quan hơn và cố gắng cải tạo để sớm về với gia đình, người thân”, Đại úy Phạm Thị Kim Thư tâm sự.
Tại các phân trại của Trại giam A2, ngoài xưởng giặt sấy, còn có xưởng may, các khu vực để phạm nhân học nghề đan, làm mi mắt giả, bóc vỏ hạt điều... Cách không xa phân xưởng giặt sấy là xưởng may do Thượng úy Lê Thị Vân Anh phụ trách. Đến nay, chị đã có thâm niên công tác tại trại giam gần 10 năm. Cũng như các đồng nghiệp nữ khác, chị luôn có những phương pháp giáo dục, cảm hóa tạo được nhiều thiện cảm, sự tôn trọng của những phạm nhân đã và đang chấp hành án tại trại. “Mỗi khi chứng kiến một phạm nhân nào đó có sự tiến bộ, trong lòng tôi cảm thấy ấm áp, yên tâm hơn”, chị Vân Anh cho biết.
So với các đồng nghiệp nam, số nữ quản giáo tại Trại giam A2 chiếm quân số rất nhỏ, chỉ có 5 người. Tuy vậy, trong những năm qua, các nữ quản giáo của đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo Trung tá Nguyễn Thị Loan - Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại giam A2, bình quân, mỗi cán bộ quản giáo nữ chịu trách nhiệm quản lý, cải tạo khoảng 100 phạm nhân nữ. Vì thế, làm sao nắm bắt được tâm tư, tình cảm của mỗi phạm nhân để có giải pháp cảm hóa, giáo dục, cải tạo thích hợp là nhiệm vụ nặng nề. Chưa kể, các nữ quản giáo đều có con nhỏ, nên việc vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa phải lo cho gia đình là nỗ lực không nhỏ. Hàng ngày, các nữ quản giáo đều phải thức dậy từ 5 giờ, thậm chí sớm hơn để lo việc gia đình rồi mới tới đơn vị, đảm bảo luôn có mặt trước 7 giờ. “Đối với chúng tôi, nữ quản giáo cũng giống như công việc đặc thù trong môi trường đặc thù. Tuy khó khăn, vất vả nhưng mỗi người đều xác định rõ tư tưởng trước khi bước vào công việc nên luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”, Trung tá Nguyễn Thị Loan chia sẻ.
Thành Long