2 năm qua, tuy phải đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng từ Trung ương đến các địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa vẫn nỗ lực triển khai nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Hình thái lây nhiễm thay đổi
Mới đây, tại lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, tích lũy từ năm 1990 đến nay đã có 112.368 người tử vong do AIDS. Nhờ những nỗ lực trong công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2001 đến nay, thông qua việc triển khai các giải pháp can thiệp, Việt Nam đã cứu được hơn 960.000 người không để bị nhiễm HIV.
Tuy nhiên hiện nay, xu hướng dịch HIV đang thay đổi hình thái lây nhiễm từ đường máu sang đường tình dục; nhóm trẻ tuổi nhiễm HIV tăng nhanh. Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trong 10 tháng, cả nước phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, 1.378 bệnh nhân tử vong do AIDS. Đáng lưu ý, số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (chiếm 48,6%) và 30 - 39 (chiếm 28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%); tỷ lệ người nhiễm HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm 84 - 86%). Một số địa phương, có 60 - 80% người nhiễm HIV được phát hiện thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề nghị các cấp, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đầu tư, phân bổ ngân sách bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống nhiễm HIV/AIDS. Ngành Y tế tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV. Đoàn Thanh niên các cấp cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch AIDS, trong đó chú ý nhóm thanh niên trẻ tuổi trong khu vực trường học, khu công nghiệp. Các tổ chức cộng đồng cần tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn trong góp ý xây dựng chính sách; triển khai, theo dõi, đánh giá việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đích…
Triển khai nhiều giải pháp
Tại tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống và được quản lý hơn 1.450 người. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, điểm nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là ngành Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thành công nhiều mô hình can thiệp giảm tác hại dựa vào cộng đồng. Qua đó, đã duy trì và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên tiếp cận cộng đồng triển khai công tác tư vấn, thử phản ứng nhanh HIV cho những đối tượng có hành vi nguy cơ cao (mại dâm, nghiện chích ma túy, đồng tính nam có quan hệ tình dục...); phát bao cao su, kim tiêm sạch. Hàng năm, toàn tỉnh có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch, 1.300 lượt phụ nữ bán dâm và 1.000 lượt MSM được nhận bao cao su sạch. Đồng thời, thông qua sự hỗ trợ của các cấp, ngành, dự án trong và ngoài nước, đến nay có khoảng 93% bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có thẻ bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, công tác tư vấn, xét nghiệm HIV được triển khai hầu hết ở các cơ sở y tế công lập và y tế tư nhân. Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho những người nhiễm HIV và người có nguy cơ cao dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh có gần 30.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Riêng 9 tháng năm 2022, có hơn 27.460 lượt người, qua đó phát hiện 108 người dương tính với HIV. Đến nay, 100% trạm y tế triển khai cấp thuốc ARV cho các bệnh nhân nhiễm HIV. Toàn tỉnh có gần 1.200 bệnh nhân đang được điều trị ARV. Bên cạnh đó, ngành Y tế đã triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại 3 cơ sở, 2 điểm cấp phát thuốc cho gần 400 bệnh nhân. Ngành còn triển khai thành công mô hình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con với hơn 11.000 lượt phụ nữ mang thai trên địa bàn tỉnh được tư vấn, xét nghiệm HIV/năm. Thông qua mô hình này, 9 tháng năm 2022, có 7 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã được điều trị thuốc ARV kịp thời, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh và đa dạng về nội dung, trong đó mô hình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, sở, ban, ngành được triển khai và đạt hiệu quả cao. Thông qua hình thức truyền thông trực tiếp, đã có hàng ngàn cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hiểu rõ, hiểu đúng về HIV/AIDS và cách phòng, chống... Năm 2023, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đã triển khai. Đồng thời, tập trung điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho đối tượng MSM.
“Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (từ ngày 10-11 đến 10-12). Bộ Y tế kêu gọi, việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu huy động được thanh niên chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. |
C.Đan