Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 18/2021 quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai. Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ cho biết:
- Quyết định 18 được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ được giao tại khoản 5 Điều 24 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 về việc ban hành quy chế dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai, bảo đảm phù hợp với Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp với thực tế.
- Xin ông cho biết, những điểm mới của Quyết định 18?
- Trên cơ sở kế thừa Quyết định 03 (ngày 13-1-2020) về dự báo, cảnh báo, báo tin về thiên tai; Quyết định 44 (ngày 15-8-2014) về cấp độ rủi ro thiên tai, Quyết định 18 có một số điểm mới so với các quyết định hiện hành. Về dự báo, cảnh báo thiên tai: Bổ sung quy định chi tiết về điều kiện ban hành nội dung, tần suất bản tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển; sóng lớn, sương mù, lốc, sét, mưa đá, sương muối, cháy rừng do tự nhiên; bổ sung loại tin nhanh về áp thấp nhiệt đới, bão; cập nhật vị trí, cường độ của áp thấp nhiệt đới, bão thời điểm hiện tại, cập nhật hàng giờ; điều chỉnh thời gian ban hành một số bản tin áp thấp nhiệt đới, bão; dự báo, cảnh báo mưa lớn, nắng nóng; tần suất ban hành bản tin cảnh báo, dự báo lũ...
Về cấp độ rủi ro thiên tai: Điều chỉnh chi tiết cường độ thiên tai cho các khu vực; khả năng gây thiệt hại của các loại hình thiên tai lồng ghép chi tiết vào vùng ảnh hưởng của thiên tai; một số loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hay dòng chảy có cùng nguyên nhân kích hoạt giống nhau do mưa lớn, phạm vi khu vực xảy ra tương đồng được ghép lại để xây dựng cấp độ rủi ro thiên tai; bổ sung cấp độ rủi ro do cháy rừng tự nhiên…
- Việc triển khai Quyết định 18 như thế nào để công tác phòng, chống thiên tai đạt hiệu quả, thưa ông?
- Để việc triển khai Quyết định 18 có hiệu quả cần sự chung tay của các cấp, ngành, đặc biệt là đơn vị làm công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn. Cụ thể: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quyết định bằng các hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; nghiên cứu, ứng dụng các phương thức truyền tin phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng khu vực, nhất là đồng bào ở miền núi, ngư dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bảo đảm thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến với cộng đồng được thuận lợi, kịp thời. Đồng thời, tổ chức quán triệt các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai cần sử dụng bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn mới nhất do các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành bản tin theo quy định.
- Xin cảm ơn ông!
V.L (Thực hiện)