Quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống sốt rét

Thứ năm - 21/11/2024 04:01
Ngày 18-11, tại TP. Nha Trang, diễn ra hội nghị kế hoạch hoạt động và ngân sách cho phòng, chống sốt rét tại Khánh Hòa. Bên cạnh việc tìm ra nguyên nhân số ca mắc sốt rét tăng cao tại Khánh Hòa, hội nghị còn đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm số ca mắc, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống sốt rét

Ngày 18-11, tại TP. Nha Trang, diễn ra hội nghị kế hoạch hoạt động và ngân sách cho phòng, chống sốt rét tại Khánh Hòa. Bên cạnh việc tìm ra nguyên nhân số ca mắc sốt rét tăng cao tại Khánh Hòa, hội nghị còn đề ra nhiều giải pháp nhằm giảm số ca mắc, tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 loại trừ sốt rét. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1920 (năm 2011) phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 08 phê duyệt lộ trình phòng, chống và loại trừ sốt rét đến năm 2030. Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó đã khẳng định Việt Nam sẽ loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2023, cả nước đã có 46/63 tỉnh, thành phố loại trừ sốt rét; còn lại 17 tỉnh chưa đạt tiêu chí loại trừ, trong đó có Khánh Hòa. Tại Khánh Hòa, số ca mắc sốt rét ghi nhận tăng đột biến vào năm 2023 với 209 ca, 11 tháng năm 2024 toàn tỉnh ghi nhận 194 ca. Trên địa bàn tỉnh có 6 huyện, thị xã, thành phố có ghi nhận số ca mắc sốt rét. Trong đó, có 14 xã có sốt rét lưu hành nặng; 8 xã, phường có số ca mắc sốt rét lưu hành ở mức vừa, 10 địa phương lưu hành nhẹ; 41 xã nguy cơ sốt rét quay lại; 66 xã, phường, thị trấn không có sốt rét lưu hành. Chiếm hơn 90% số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh tập trung tại huyện Khánh Vĩnh; trong đó gần 73% số ca mắc tập trung ở người đi rừng, ngủ rẫy. Trong số ca mắc, có đến 82% số ca phải điều trị nội trú. Điều đáng lo ngại, có 10% số ca mắc sốt rét ác tính.

Lấy mẫu máu xét nghiệm sốt rét cho người dân huyện Khánh Vĩnh
Lấy mẫu máu xét nghiệm sốt rét cho người dân huyện Khánh Vĩnh.

Phải triển khai quyết liệt nhiều giải pháp

Với diễn biến phức tạp của số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh, 2 năm qua, Khánh Hòa đã triển khai nhiều giải pháp để giảm số ca mắc. Riêng từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04, ngày 5-4-2024 về việc tăng cường phòng, chống sốt rét trên địa bàn tỉnh; UBND huyện Khánh Vĩnh ban hành Chỉ thị số 07, ngày 3-7-2024 về việc tăng cường phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện.

Song song với đó, UBND tỉnh triển khai nhiều cuộc họp về tình hình sốt rét và chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là huyện Khánh Vĩnh phải triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống sốt rét. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, 100% xã, thị trấn của huyện Khánh Vĩnh đã rà soát, cập nhật danh sách các đối tượng thường xuyên đi rừng, rẫy với hơn 1.380 người; thành lập các đội xung kích tại 14 xã, thị trấn. Riêng tại 3 xã có số ca mắc sốt rét cao là Khánh Thượng, Khánh Đông, Khánh Phú, địa phương đã lập 10 chốt ở cửa rừng để quản lý và tầm soát các đối tượng nguy cơ cao. Đồng thời, chủ động sàng lọc, lấy máu xét nghiệm để phát hiện ca bệnh và điều trị sớm; đã triển khai 2 đợt tẩm hóa chất cho hơn 8.590 chiếc màn của người dân; triển khai phun hóa chất tồn lưu 2 đợt cho hơn 1.160 hộ tại các thôn, xã có ổ bệnh nguy cơ cao; cấp 5.900 chiếc màn và 3.500 chiếc võng màn tồn lưu hóa chất; cấp 1.500 lọ kem xoa chống muỗi đốt cho đối tượng nguy cơ cao tại huyện Khánh Vĩnh.

Cùng với đó, tất cả các ca bệnh khi phát hiện đều được điều trị tại các cơ sở y tế, nếu có dấu hiệu chuyển nặng thì chuyển tuyến lên trung tâm y tế hoặc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh; đến nay không có ca tử vong do sốt rét. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng phối hợp với UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức nhiều lớp tập huấn về phòng, chống sốt rét cho các đối tượng khác nhau; tuyên truyền đa dạng nhiều kênh, nhiều hình thức… Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, từ tháng 2 đến tháng 7, số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh ghi nhận bình quân mỗi tháng hơn 20 ca; đến tháng 8 giảm xuống còn 6 ca; tháng 9 là 7 ca và tháng 10 là 4 ca.

Tại hội nghị, bác sĩ chuyên khoa II Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “Khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh là mầm bệnh đang tồn tại trong rừng; cuộc sống của người dân gắn liền với rừng nên khó trong việc cắt đứt nguồn lây truyền; người dân vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt, bẫy gà, bẫy chim, thú… ngủ lại trong rừng là nguyên nhân chính làm gia tăng bệnh sốt rét. Cùng với đó, ý thức phòng, chống sốt rét ở một số nhóm đối tượng trong cộng đồng còn thấp và có tư tưởng chủ quan”. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đình Thoan - Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ, để Khánh Hòa đạt tiêu chí xét công nhận loại trừ sốt rét vào năm 2030, nhiệm vụ đặt ra là đến năm 2027 không còn ca sốt rét tại địa phương. Vì thế, đòi hỏi sự nỗ lực hết sức của ngành Y tế nói riêng và sự chung tay của cả cộng đồng nói chung.

Tại hội nghị, Tiến sĩ HOÀNG ĐÌNH CẢNH - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa là rốn sốt rét của cả nước; mầm bệnh đang tiềm ẩn ở nhiều người dân huyện Khánh Vĩnh. Để tiến tới loại trừ sốt rét vào năm 2030, cùng với những giải pháp địa phương đã triển khai, tỉnh cần mở rộng xét nghiệm PCR cho tất cả các ca nghi ngờ; tổ chức điều trị mở rộng chủ động cho người dân ở khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo các xã, thị trấn của huyện Khánh Vĩnh phải có cam kết thực hiện loại trừ sốt rét với thời gian cụ thể… Có như thế, mới dập tắt được số ca mắc sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh.

C.ĐAN

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp