Chiều 21-4, bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống phát thanh, truyền thanh trong tỉnh tăng cường thông tin, truyền thông phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 tại địa phương.
Nội dung truyền thông tập trung tuyên truyền cho người dân biết về nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu nhận biết khi bị bệnh, mức độ lây lan và biến chứng nguy hiểm khi bị bệnh; phòng lây truyền cúm gia cầm từ động vật sang người, đặc biệt tại địa bàn có động vật, gia cầm ốm, chết và tại khu vực có nguy cơ cao; không ăn gia cầm, sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với gia cầm ốm, chết; dùng Chloramin B, các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm. Khi có biểu hiện cúm như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam, năm 2025, một số nước trên thế giới đã ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H5N1 ở người. Tại Campuchia, tính đến cuối tháng 3 ghi nhận 3 trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1 và cả 3 đã tử vong. Trong nước, theo báo cáo của Cục Thú y và Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh, gồm: Tuyên Quang, Nghệ An, Tiền Giang và Long An.
C.ĐAN