Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa luôn nỗ lực triển khai thực hiện cải cách hành chính (CCHC); chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thời gian qua, Cục Thuế tỉnh thường xuyên rà soát các thủ tục, quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc triển khai đúng, giảm thiểu các phiền hà, ách tắc trong quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; kịp thời đối thoại với người nộp thuế (NNT) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho NNT, Cục Thuế đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, ưu tiên việc thực hiện giao dịch điện tử giữa NNT với cơ quan thuế… Trong đó, cục áp dụng có hiệu quả các ứng dụng quản lý NNT, quản lý nội bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động như: Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS); quản lý trước bạ - nhà đất; hệ thống hỗ trợ thanh tra kiểm tra; quản lý ấn chỉ; hệ thống thuế điện tử (eTax)… Cơ quan thuế đã triển khai cho phép thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất của hộ gia đình, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, giúp NNT thuận tiện trong việc kê khai, nộp thuế. Từ tháng 6 đến ngày 31-12-2021, có gần 3.000 hồ sơ được ghi nhận thanh toán thành công tại Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua các ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ví Momo, VNPT Pay...
Ngoài ra, ngành tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hoàn thuế điện tử; hóa đơn điện tử. Ngành Thuế cũng đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong năm, tỷ lệ TTHC trực tuyến mức độ 3, 4 có hồ sơ trực tuyến đạt 96,47%, có 96,26% được tiếp nhận và giải quyết thành công.
Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Mới đây, Cục Thuế tỉnh đã ban hành Chương trình CCHC giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính Cục Thuế dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính phục vụ nhân dân. Theo đó, việc CCHC sẽ tập trung vào 6 nội dung, gồm: Cải cách thể chế; TTHC; tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; chế độ công vụ; tài chính công và xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số.
Cụ thể, ngành phấn đấu đến năm 2025 đạt tối thiểu 90% NNT, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan thuế; 80% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các đơn vị có thẩm quyền giải quyết hoặc các đơn vị có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử theo lộ trình của UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; 100% TTHC của ngành Thuế có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo lộ trình của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; 100% TTHC nội bộ giữa cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời theo lộ trình của UBND tỉnh. Cùng với đó, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 90% hồ sơ công việc tại cơ quan thuế được xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Theo báo cáo, năm 2021, hệ thống khai thuế và nộp thuế điện tử đã được triển khai đến 100% DN do Cục Thuế và các chi cục thuế quản lý. Có 10.424 DN thực hiện, đạt 99,59% tổng số DN đang hoạt động; có 227 hồ sơ được hoàn thuế điện tử với số tiền hơn 808,5 tỷ đồng, tỷ lệ hồ sơ thuộc diện hoàn thuế điện tử đạt 100% trên tổng số hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng; có 6.434 NNT sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 65,3%… |
Theo ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT, Cục Thuế tỉnh, để đạt được các mục tiêu trên, Cục Thuế đã đề ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ, trong đó tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo công tác CCHC gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Cục Thuế xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, do đó sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể trong từng thời gian, lĩnh vực; kiện toàn bộ phận tham mưu, giúp việc về CCHC của đơn vị; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho công chức làm công tác CCHC; lấy kết quả CCHC, giải quyết TTHC làm tiêu chí quan trọng để đánh giá về trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các đơn vị và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.
Đặc biệt, ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, giảm thiểu chi phí cho NNT thông qua việc duy trì hoạt động ổn định các ứng dụng quản lý thuế hiện tại, tạo thuận lợi nhất cho NNT thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. Đồng thời, cục đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai áp dụng nhân rộng các sáng kiến, mô hình, giải pháp thiết thực, hiệu quả để thực hiện CCHC tại đơn vị; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về CCHC để người dân, tổ chức, DN nâng cao nhận thức và tham gia giám sát việc thực hiện của cơ quan thuế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức triển khai các nhiệm vụ CCHC; xây dựng cơ chế phù hợp để tiếp nhận, xử lý nhanh các vướng mắc, phản ánh, kiến nghị về hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong CCHC, thực thi công vụ theo hướng tăng tính chủ động và trách nhiệm của cơ sở, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.
KHÁNH HÀ