Ứng phó với mưa lớn kéo dài

Thứ năm - 27/10/2022 11:27
Để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài trong 4 ngày liên tiếp, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các phương án, công việc cụ thể với tinh thần quyết liệt, không chủ quan. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Ứng phó với mưa lớn kéo dài

Để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài trong 4 ngày liên tiếp, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai các phương án, công việc cụ thể với tinh thần quyết liệt, không chủ quan.

 

Cầu tràn Ko Róa (huyện Khánh Sơn) bị nước lũ tràn về gây chia cắt lưu thông vào sáng 27-10.

Cầu tràn Ko Róa (huyện Khánh Sơn) bị nước lũ tràn về gây chia cắt lưu thông vào sáng 27-10.


Phải đảm bảo an toàn cho người dân


Chiều 27-10, lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra tình hình ứng phó với mưa lũ tại thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang. Tại Ninh Hòa, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra thực tế tại xã Ninh Hưng. Tại đây, ông Lê Hữu Hoàng đã động viên và yêu cầu các lực lượng ứng trực tại cầu Dong chốt chặn nghiêm 2 đầu cầu, không để người dân lưu thông qua lại khu vực bị ngập sâu để đảm bảo an toàn. Ông cũng đến thăm hỏi, động viên một số gia đình bị ngập sâu ở thôn Phụng Cang. Ông yêu cầu UBND thị xã tiếp tục rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu trên địa bàn để chủ động phương án ứng phó; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập để đảm bảo an toàn, nhất là những khu vực giáp ranh các xã. Cùng với đó, bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng yếu để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu trợ khi có yêu cầu; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống nhằm đảm bảo cung cấp cho các khu vực bị ngập lụt, chia cắt; tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng tránh để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, lưu ý không vớt củi, đánh bắt cá khi lũ về…

Ông Lê Hữu Hoàng kiểm tra tình hình ngập lụt tại thôn Phụng Cang, xã Ninh Hưng.
Ông Lê Hữu Hoàng kiểm tra tình hình ngập lụt tại thôn Phụng Cang, xã Ninh Hưng.

Tại TP. Nha Trang, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến một số khu vực xung yếu dễ bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ. Tại khu vực đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua thôn Phước Hạ (xã Phước Đồng), nơi mỗi lần mưa lớn, nước trên núi đổ về chảy xiết qua đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại, địa phương đề nghị Sở Giao thông vận tải xem xét, tháo dỡ một số điểm của dải phân cách cứng trên đường để thoát nước nhanh hơn.
 

Tại thời điểm kiểm tra hồ Kênh Hạ (xã Phước Đồng), nước đang chảy qua tràn tự do, lưu lượng không đáng kể. Ông Nguyễn Anh Tuấn đề nghị đơn vị quản lý hồ chứa theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho vùng hạ du và thông báo đến đơn vị đang khai thác du lịch khu vực hồ triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho du khách.

Ông Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra tại hồ Kênh Hạ (TP. Nha Trang).

Ông Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra tại hồ Kênh Hạ (TP. Nha Trang).

 

Tại khu vực nguy cơ sạt lở ở thôn Thành Phát và Thành Đạt (xã Phước Đồng), những ngày qua, lực lượng của xã, thôn đều ngày đêm túc trực, theo dõi sát sao tình hình để kịp thời ứng phó khi phát hiện nguy cơ sạt lở, đồng thời thông báo đến toàn bộ hơn 700 hộ dân sẵn sàng di dời đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Anh Tuấn yêu cầu TP. Nha Trang đặc biệt lưu ý đến những khu vực ngầm, cầu tràn, khu vực xung yếu về sạt lở đất, lũ quét. Địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, ở những nơi ngập sâu, chảy xiết cần khóa đường kịp thời, nghiêm ngặt; chuẩn bị sẵn sàng các phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Chính quyền và người dân tuyệt đối không được chủ quan. Về lâu dài, UBND TP. Nha Trang tập trung đốc thúc, triển khai nhanh việc bố trí tái định cư cho người dân thôn Thành Phát, Thành Đạt nói riêng và những hộ dân đang sinh sống ở những khu vực xung yếu nói chung.


Chủ động các phương án ứng phó


Theo cơ quan chuyên môn, đợt mưa sẽ kéo dài từ ngày 26 đến 29-10. Đến ngày 27-10, mực nước mưa tại Nha Trang là 108mm, Ninh Hòa 94,6mm… Trong ngày 27-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã đề nghị các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai ngay các phương án chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của người dân, Nhà nước. Trong đó, các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân, công trình thủy lợi được ưu tiên hàng đầu.


Để đảm bảo an toàn cho người dân, lực lượng các địa phương đã tổ chức rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động sơ tán người khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết để bảo đảm an toàn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra mưa lũ, ngập lụt.


Với công trình thủy lợi, nguyên tắc chung vẫn là đảm bảo an toàn công trình nhưng tổ chức điều tiết, xả lũ hợp lý, hạn chế gây ngập lụt ở vùng hạ du. Qua ghi nhận trong ngày 27-10, có 14/19 hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh tiến hành xả điều tiết lũ. Thời điểm trưa 27-10, mức xả của các hồ đều không lớn, trong đó các hồ chứa lớn như: Hoa Sơn, Đá Bàn, Am Chúa, Suối Dầu, Cam Ranh, Suối Hành, Tà Rục… đều xả dưới mức 50m3/s. Nước trên sông Cái Nha Trang và sông Dinh Ninh Hòa thời điểm 13 giờ ngày 27-10 đều ở dưới mức báo động 1.

 

Chiều 27-10, Sở Giao thông vận tải có văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc ngành giao thông có phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ thường trực cùng nhân lực tại chỗ trực 24/24 giờ để đảm bảo giao thông, khắc phục kịp thời các hư hỏng công trình đường bộ và các vị trí xung yếu hay xảy ra sạt lở, ngập úng và ùn tắc giao thông. Các cầu cống phải khai thông thượng lưu, hạ lưu đảm bảo thoát nước tốt.

Đối với các nhà thầu thi công công trình phải đảm bảo an toàn cho người, công trình, máy móc thiết bị; tổ chức đảm bảo giao thông tại các công trình đang thi công…

 

____________________________________________________________

 

Mưa gây ngập một số khu vực:


. Tại Khánh Sơn, mưa lớn từ đêm 26 đến sáng 27-10 đã khiến cho mực nước tại các sông, suối trên địa bàn huyện dâng cao. Cầu tràn Ko Róa (Tỉnh lộ 9, xã Sơn Lâm), Tà Lương (thị trấn Tô Hạp); một số điểm cầu tràn trên tuyến đường Sơn Trung - Sơn Hiệp - Sơn Lâm bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ. Đến 13 giờ ngày 27-10, nước đã rút nên người dân có thể lưu thông trở lại qua các điểm cầu tràn này. Các địa phương trong huyện đang triển khai phương án ứng phó và tổ chức kiểm tra 27 vị trí xung yếu có khả năng xảy ra sạt lở đất đá để sẵn sàng bố trí lực lượng chốt chặn, phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn; tăng cường tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, không chủ quan đi qua sông, suối, đập tràn; không đi xem nước lũ, vớt củi, câu cá trên sông…


. Tại Khánh Vĩnh, mưa lớn trong 2 ngày qua khiến nước trên các con sông dâng cao, gây ngập một số cầu tràn từ 0,2 đến 1m, gồm: Cầu Thác Ngựa (xã Khánh Nam); 3 cầu Yang Bay 1, 2, 3 (xã Khánh Phú); cầu tràn ngầm 5, cầu Cà Giang (xã Khánh Thành); cầu tràn trên Tỉnh lộ 2 (xã Sông Cầu); cống tràn Khu tái định cư Bố Lang (xã Sơn Thái). Đến chiều 27-10, tình hình mưa giảm, nước tại các điểm ngập đang giảm dần.


. Tại Nha Trang, mưa lớn đã khiến nhiều khu vực đường giao thông bị ngập cục bộ, một số điểm tràn nước chảy xiết, ảnh hưởng đến giao thông, nhất là tại các xã: Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Thái, Vĩnh Ngọc.


. Tại Ninh Hòa, 2 ngày qua mưa to, lượng mưa đo được tại Ninh Lộc là 103,8mm, tại Ninh Sim 77,4mm, tại Ninh Tây 79,4mm; hồ Suối Trầu điều tiết nước qua tràn với lưu lượng 32,2m3/s, hồ Eakrongrou xả nước với lưu lượng 6,39m3/s. Sáng 27-10, đã xảy ra ngập sâu từ 0,7 đến 1m tại các thôn: Phụng Cang, Tân Hưng (xã Ninh Hưng), Mỹ Lợi (xã Ninh Lộc), Thuận Mỹ (xã Ninh Quang); nhiều nhà của các hộ dân bị nước tràn vào; khoảng 50ha lúa và hoa màu ở 3 xã này bị ngập. Địa phương bố trí lực lượng chốt chặn tại các khu vực ngập, nước chảy xiết không cho người dân qua lại, rà soát các khu vực ngập sâu để chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn; tuyên truyền vận động người dân không chủ quan để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.



Nhóm phóng viên




 

 

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp