Cải tiến máy cưa bào liên hợp

Thứ năm - 07/04/2022 14:00
Là người có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất đồ gỗ dân dụng, ông Nguyễn Cảnh Lai, Hội Nông dân phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh đã nghiên cứu, cải tiến máy cưa bào liên hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất và đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ IX 2020-2021. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Cải tiến máy cưa bào liên hợp

Là người có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất đồ gỗ dân dụng, ông Nguyễn Cảnh Lai, Hội Nông dân phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh đã nghiên cứu, cải tiến máy cưa bào liên hợp, nâng cao hiệu quả sản xuất và đạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ IX 2020-2021.


Theo ông Lai, máy cưa bào liên hợp là một trong những thiết bị quan trọng, phổ biến trong nghề mộc gia dụng. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại máy cưa bào liên hợp có giá dao động từ 10 - 15 triệu đồng/máy, tùy công suất máy. Đa số các loại máy này đều có 4 chức năng cơ bản hỗ trợ sản xuất đồ gỗ gồm: Cưa, bào, ép và khoan đục lỗ theo ý muốn. Tuy nhiên, ông Lai đã cải tiến thêm một số chi tiết, thay thế phụ kiện có sẵn của máy nhằm tăng hiệu quả, chức năng hoạt động của máy một cách tiện lợi, mà vẫn không làm thay đổi kết cấu, chức năng cơ bản của máy. Trong quá trình hoạt động, một số công đoạn phụ trợ cần cải tiến như đo cắt lại chính xác kích thước từng miếng, thanh gỗ trước khi gắn kết hoàn thiện sản phẩm, giúp việc thao tác nhanh, tiện lợi.

 

Cải tiến máy cưa bào tại xưởng mộc ông Nguyễn Cảnh Lai.

Cải tiến máy cưa bào tại xưởng mộc ông Nguyễn Cảnh Lai.


Với cách này, ông thực hiện thay thế bàn cưa bằng sắt của máy bằng bàn cưa gỗ và lắp ráp thêm bàn trượt gỗ trên bàn cưa để tận dụng tối đa công năng của lưỡi cưa của máy. Bàn trượt có thể di chuyển tới lui, có gắn thêm thước đo kích thước trong phạm vi phù hợp để tăng hiệu quả trong quá trình sản xuất. Đây là những cải tiến quan trọng nhằm tăng hiệu quả sản xuất của máy cưa bào liên hợp và là sáng kiến có ý nghĩa cho những người thợ hoạt động trong các xưởng mộc gia đình.


Theo ông Lai, việc cải tiến này rất dễ làm, vật liệu dễ tìm, đơn giản, rẻ tiền, không can thiệp, không làm thay đổi cấu trúc, vận hành của máy nên không ngại các rủi ro về trục trặc khi vận hành; có thể tận dụng các tấm gỗ cũ trong xưởng để làm; không cần tốn nhiều sức lực để bê đỡ, giữ và đẩy các tấm gỗ lớn khi cưa, chỉ cần một người thực hiện; sản phẩm cho ra có độ chính xác cao, không cần chỉnh lại qua máy cưa nhỏ khác. Cùng một lần cắt có thể cưa, cắt được nhiều sản phẩm đúng cùng một kích thước. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp này rất dễ dàng vì đa số những xưởng gỗ nhỏ đều đã đầu tư sẵn các máy cưa bào liên hợp loại này, tùy thuộc vào từng loại máy và nhu cầu của từng xưởng gỗ có thể tinh chỉnh lại về kích thước bàn trượt gỗ là có thể áp dụng được ngay; kỹ thuật làm bàn trượt gỗ rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian, dễ làm nên 100% người thợ mộc đều có thể làm được. Ngoài ra, còn tiết kiệm được chi phí vì không phải tốn kém thêm chi phí mua máy cưa nhỏ để sử dụng riêng (trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/máy cưa). Chi phí làm bàn trượt gỗ chưa tới 200 ngàn đồng, nếu đặt vật tư được bán trên thị trường thường có giá thành cao hơn khoảng từ 1,5 - 2 triệu đồng.


Q.VIÊN

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp