Nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm từ cầu gai

Thứ tư - 20/10/2021 23:21
Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa chiết xuất thành công hoạt chất quinonoid có nguồn gốc từ cầu gai để sản xuất mỹ phẩm.      Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm từ cầu gai
Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa chiết xuất thành công hoạt chất quinonoid có nguồn gốc từ cầu gai để sản xuất mỹ phẩm. 
 

Theo Tiến sĩ Võ Mai Như Hiếu (Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang), chủ trì đề tài “Nghiên cứu ứng dụng nhóm hoạt chất tự nhiên quinonoid từ vỏ cầu gai Khánh Hòa định hướng tạo chế phẩm mỹ phẩm”, cầu gai (còn gọi là nhum biển hay nhím biển) là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao, đem lại nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ít ai biết giá trị độc đáo về mỹ phẩm của nó, đặc biệt là hoạt chất quinonoid chiết tách từ cầu gai. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn nguyên liệu cầu gai chưa được nghiên cứu, khai thác có trọng tâm, trọng điểm. Vỏ và gai cầu gai chiếm 40 - 70% trọng lượng thường bị bỏ đi. Vì vậy, việc nghiên cứu tách chiết các hợp chất quinonoid có hoạt tính sinh học từ một số cầu gai sinh trưởng tại vùng biển Khánh Hòa là nhiệm vụ được đặt ra, nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm có giá trị cao trong lĩnh vực y dược. Đây cũng là cơ sở để định hướng khai thác, nuôi trồng và sử dụng nguồn lợi cầu gai biển hợp lý. Đề tài đặt ra mục tiêu xây dựng quy trình tách chiết quinonoid từ vỏ cầu gai Khánh Hòa; đồng thời đưa ra quy trình sản xuất mỹ phẩm chứa hoạt chất quinonoid có quy mô phòng thí nghiệm.

 
Tiến sĩ Võ Mai Như Hiếu với sản phẩm chiết xuất.
Tiến sĩ Võ Mai Như Hiếu với sản phẩm chiết xuất.
 
 
Sau 4 năm triển khai, tháng 9-2021, đề tài được nghiệm thu. Đề tài đã xây dựng được một quy trình chiết tách quinonoid từ loài cầu gai Diadema setosum với quy mô 1kg nguyên liệu/mẻ. Hàm lượng quinonoid từ 4 loài cầu gai Diadema savignyi, Diadema setosum, Stomopneustes variolaris và Tripneustes gratilla thu thập tại Khánh Hòa tương ứng thành phần như sau: Spinochrome E (14%, 6%, 26%, 72%), Echinochrome A (59%, 87%, 73%), Spinochrome D (8%) ở loài Diadema savignyi; Spinochrome A (26%) ở loài Tripneustes gratilla đều được sử dụng làm nguyên liệu chế tạo chế phẩm mỹ phẩm. Nhóm đã xây dựng được công thức kem mỹ phẩm và quy trình tạo nguyên liệu chế phẩm mỹ phẩm chứa hoạt chất quinonoid từ vỏ loài cầu gai Khánh Hòa quy mô phòng thí nghiệm (0,2kg/mẻ). Kết quả, quinonoid chiết xuất từ 4 loài cầu gai nói trên đều thể hiện hoạt tính chống oxy hóa và ức chế tyrosinae đáng kể. 
 
Theo Tiến sĩ Phạm Đức Thịnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học cơ sở, đề tài xếp loại xuất sắc cấp viện hàn lâm vì những cơ sở khoa học và độ công phu của nó. Mẫu kem chứa chất màu quinonoid thể hiện hoạt tính chống oxy hóa và không gây kích ứng da. Đề tài đã xây dựng tiêu chuẩn cơ sở để chế biến mỹ phẩm chứa quinonoid từ cầu gai. Đây là chế phẩm mới ứng dụng hoạt chất tự nhiên vào sản phẩm nên rất có tiềm năng, hứa hẹn phát triển ngành mỹ phẩm giá trị cao, mang thương hiệu Việt Nam.
 
V.L
 
 
 
 
 
 
 
Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp