Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế biến rong biển Porphyra và Monostroma thành các sản phẩm có giá trị gia tăng” do kỹ sư Lê Bền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trí Tín (TP. Nha Trang) làm chủ nhiệm cùng các cộng sự của đơn vị khác. Các sản phẩm rong biển chế biến theo công nghệ mới, dưới dạng tấm hay snack sẽ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo kỹ sư Lê Bền, những năm gần đây, trên địa bàn cả nước có một số nghiên cứu chế biến rong biển để làm thực phẩm, dược phẩm hay phân bón nhưng vẫn còn nhỏ lẻ. Đặc biệt, 2 dòng sản phẩm là rong biển dạng tấm (nori) và rong biển dạng tẩm sấy ăn ngay (snack) đang có mặt trên thị trường Việt Nam đa số nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và đây là 2 dòng sản phẩm được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ưa thích.
Thực tế cho thấy, Việt Nam có nhiều loại rong quý, trong đó 2 loài Porphyra và Monostroma có giá trị dinh dưỡng cao, có một số đặc tính tương đồng có thể chế biến và sản xuất ra các dòng sản phẩm rong biển dạng tấm hay dạng sấy như sản phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn khai thác tự nhiên và tiêu dùng ở dạng thô, gây ra sự lãng phí và hiệu quả không cao. Gần đây, Công ty TNHH Trí Tín đã kết nối với một số nhà khoa học có kinh nghiệm về nuôi trồng và chế biến rong biển của Trường Đai học Nha Trang, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang thực hiện nghiên cứu khoa học, nhằm góp phần phát triển ngành nuôi trồng và chế biến rong biển ở Việt Nam. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty đã nỗ lực học hỏi, làm thử và bước đầu cho kết quả khả quan về sản phẩm nori, snack từ rong Porphyra và Monostroma. Đề tài thực hiện thành công không chỉ làm gia tăng giá trị kinh tế, mà qua đó còn thúc đẩy người dân chuyển dần từ khai thác tự nhiên và sử dụng không hiệu quả sang nuôi trồng, khai thác và chế biến tạo sản phẩm giá trị gia tăng cho 2 loài rong nói trên.
Đề tài thực hiện từ tháng 11-2019 đến tháng 11-2022; kinh phí từ ngân sách 30%, đối ứng của công ty 70%. Nhóm nghiên cứu đã điều tra, thống kê nguồn lợi, khả năng khai thác tự nhiên các loài rong vùng biển Khánh Hòa theo mùa vụ dựa trên các kết quả tài liệu sẵn có; đồng thời ứng dụng các phương pháp vật lý, hóa học để đo độ dai, hàm lượng nước, sự thay đổi màu sắc của sản phẩm… Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 4 quy trình công nghệ với đầy đủ các thông số và thiết bị để sản xuất 2 sản phẩm dạng tấm và tẩm sấy từ rong Porphyra; 2 sản phẩm dạng tấm và tẩm sấy từ rong Monostroma, cùng với 6,8kg sản phẩm các loại, vượt 1,8kg so với yêu cầu của đề tài. Đồng thời, xây dựng 4 bộ tiêu chuẩn cơ sở cho 4 sản phẩm từ rong Porphyra và Monostroma. Công ty đã thiết kế và lắp đặt chạy thử thành công thiết bị sấy, ép kết hợp gia nhiệt để chế biến các sản phẩm, nâng giá trị gia tăng. 4 loại sản phẩm này đã được trưng bày giới thiệu tại sự kiện TechFest - 2022 khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức tại Khánh Hòa, được khách hàng dùng và đánh giá cao về chất lượng. Hiện nay, đơn vị đang chờ UBND tỉnh ban hành quyết định cho phép doanh nghiệp đăng ký bản quyền để đưa ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Vỵ - Trưởng phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học Nha Trang, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: Đây là hướng nghiên cứu mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Từ kết quả đó cho thấy nguồn rong Porphyra và Monostroma phát triển tự nhiên tại vùng biển Khánh Hòa hoàn toàn phù hợp để chế biến các sản phẩm thực phẩm có giá trị cao nhưng cần có chiến lược đầu tư nghiên cứu phát triển nuôi công nghiệp 2 loại rong này. Đề nghị cơ quan chức năng giao quyền sử dụng, sở hữu kết quả đề tài cho đơn vị quản lý đề tài làm cơ sở để doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nghiên cứu triển khai thương mại hóa. |
V.L