Thời gian qua, tuy phần mềm Chat GPT chưa được cung cấp chính thức ở Việt Nam nhưng nhiều người dùng vẫn có cách thức khác nhau để sử dụng. Dù việc dùng Chat GPT chủ yếu để thỏa tính tò mò, giải trí là chính, song các chuyên gia và cơ quan chức năng cho rằng, người dùng cần thận trọng khi sử dụng, cung cấp thông tin trên Chat GPT.
Lan rộng bởi tính hiếu kỳ
Trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người đã chia sẻ những trải nghiệm thú vị của mình khi sử dụng Chat GPT. Đó có thể là một bài thơ, một đoạn hội thoại, một đoạn code phần mềm, thậm chí là một bài luận… Nhiều học sinh, sinh viên cũng đưa câu chuyện nhờ Chat GPT giải các bài tập và được giáo viên chấm điểm cao. Tất cả những điều này càng kích thích, gây nên tính tò mò cho nhiều người, cũng như góp phần lan tỏa phần mềm này trong cộng đồng với tốc độ chóng mặt. Chat GPT là công cụ để trò chuyện giữa người và máy theo thuật toán GPT. Nhưng thuật toán này không phải là độc quyền của OpenAI (công ty phát triển phần mềm Chat GPT), nên có rất nhiều công ty công nghệ thông tin (CNTT) cũng đang làm, từ những “ông lớn” như Facebook, Google, Microsoft… đến các công ty khởi nghiệp cũng đang đầu tư vào những mô hình tương tự.
Theo ông Nguyễn Tri Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tin học tỉnh, đối với dân CNTT, Chat GPT không phải là điều gì mới. Đây là công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên đã xuất hiện ở rất nhiều luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ tin học tại Việt Nam. Nhưng điều làm cho Chat GPT trở thành trào lưu như hiện tại đó là sự hiếu kỳ của người sử dụng. Bởi lâu nay, người sử dụng vẫn được trải nghiệm những ứng dụng tương tự như Chat GPT, nhưng lại được đóng khung trong một nguồn dữ liệu có phạm vi hẹp hơn mà trí tuệ nhân tạo (AI) được cung cấp. Còn Chat GPT lại xử lý AI theo ngôn ngữ tự nhiên, được kết nối qua tính logic của các vấn đề với một nguồn thông tin mở. Nên khi người dùng tương tác với Chat GPT thì nhận được những câu trả lời thú vị, gây ngạc nhiên. Và cứ thế, người dùng chia sẻ, tạo nên trào lưu như hiện tại.
Tiềm ẩn những rủi ro
Một trong những rủi ro của các phần mềm, ứng dụng sử dụng AI theo dạng Chat GPT chính là nguồn dữ liệu mà các AI học được. Hiểu đơn giản, mỗi người dùng Chat GPT cũng đồng thời là người thầy dạy, cung cấp thông tin cho AI. Nếu thầy dạy sai, cung cấp nguồn dữ liệu đầu vào sai hoặc cũ thì các AI sẽ cho những câu trả lời sai hoặc không đúng về thời điểm. Điều này dễ dẫn tới việc các AI bị lạm dụng khi người dùng cố tình cung cấp những thông tin sai, hay thông tin xấu, độc. Tất nhiên các AI có cơ chế đối chiếu thông tin để tìm ra câu trả lời chính xác nhất, nhưng điều này cũng không đảm bảo được tính tuyệt đối, bởi AI dạng Chatbot (chương trình kết hợp với AI để tương tác với con người) chưa có tính phản biện.
Một hệ lụy khác mà người dùng ít kiểm chứng được, đó là việc OpenAI đang triển khai Chat GPT dưới 2 hai hình thức: Người dùng đăng nhập vào giao diện chạy thử; cung cấp dưới dạng API (giao diện nhị phân ứng dụng). Các công ty công nghệ dùng thuật toán của Chat GPT có thể thay đổi dữ liệu trước khi cung cấp cho người dùng. Điều đó tiếp tục đưa tới những rủi ro cho người dùng nếu gặp trường hợp các công ty trung gian không có sự chuẩn hóa dữ liệu mà cố tình làm sai lệch thông tin dữ liệu.
Hiện nay, xuất hiện rất nhiều ứng dụng nhái Chat GPT trên ứng dụng App Store hay Play Store. Bởi đến thời điểm này, OpenAI vẫn chưa ra ứng dụng Chat GPT để sử dụng trên điện thoại thông minh, mà chỉ mới cung cấp qua trình duyệt web chat.openai.com. Ở Việt Nam, OpenAI chưa cấp quyền sử dụng chính thức cho người dùng. Có nhiều hệ thống giả tạo đang thu tiền của người dùng để cài đặt, dù người dùng vẫn chưa được trải nghiệm thử ứng dụng. Nếu người dùng sử dụng cho vui, mang tính giải trí thì có thể sẽ vô hại, nhưng khi sử dụng với mục đích nghiêm túc trong công việc, học tập lại rất dễ gặp những rủi ro; hoặc đơn giản là thông tin cá nhân của người dùng sẽ được lấy để phục vụ cho những mục đích riêng.
Vì vậy, người sử dụng Chat GPT hiện tại và sau này đều phải tự trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết để có thể sàng lọc được những thông tin chưa chính xác. Đặc biệt, trong bối cảnh Chat GPT chưa được chính thức cung cấp tại Việt Nam thì người sử dụng càng phải nâng cao khả năng kiểm chứng của cá nhân, nhất là khi muốn sử dụng những thông tin được Chat GPT cung cấp vào công việc, học tập, cuộc sống.
Ông PHẠM DUY LỘC - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: Hiện nay, phần mềm Chat GPT chưa được sử dụng chính thức ở Việt Nam nên Bộ Thông tin và Truyền thông chưa đưa ra những khuyến nghị gì đối với người dùng. Về cơ bản, đây vẫn còn là phần mềm thử nghiệm, các thông tin đưa ra cũng chưa đáng tin cậy tuyệt đối nên người dùng cần có đủ kiến thức để nhận biết được tính đúng - sai của thông tin được Chat GPT cung cấp. Hiện nay, mọi người vẫn đang dùng Chat GPT như một hình thức trải nghiệm do hiếu kỳ, những hệ quả xấu chưa xảy ra vì ai cũng biết đây đang là hệ thống thử nghiệm. Tuy nhiên, người dùng cũng cần lưu ý khi cung cấp các thông tin cho Chat GPT cần chính xác, lành mạnh, tích cực. Còn với các hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc vi phạm các quy định của pháp luật sẽ bị xử lý theo đúng quy định. |
GIANG ĐÌNH