Xác định giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Thứ ba - 10/05/2022 04:11
Đề tài "Một số giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế, phù hợp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa" do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu. Đề tài đã xác định được một số giống cây trồng, vật nuôi làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Xác định giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả

Đề tài “Một số giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế, phù hợp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” do Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu. Đề tài đã xác định được một số giống cây trồng, vật nuôi làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.


Theo Tiến sĩ Phương, những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt và thường xuyên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu đề tài đặt ra là khảo nghiệm và đưa vào ứng dụng giống cây trồng và vật nuôi đạt năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế, phù hợp với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Giống lúa chất lượng cao năng suất đạt hơn 55 tạ/ha; giống lúa năng suất cao đạt hơn 60 tạ/ha; giống bắp lai lấy hạt năng suất đạt 55 - 60 tạ/ha; giống mì năng suất đạt 30 - 35 tấn/ha; giống đậu phộng năng suất đạt 25 - 30 tạ/ha; giống mè năng suất đạt 8-10 tạ/ha; giống bò thịt chất lượng cao, khối lượng trên 300kg. Tất cả yêu cầu đều vượt hơn giống đối chứng 10-15%.

 

Mô hình khảo nghiệm cây đậu phộng trên đất lúa.

Mô hình khảo nghiệm cây đậu phộng trên đất lúa.


Do quy mô đề tài bao quát, rộng lớn trên nhiều đối tượng và gặp khó khăn do dịch bệnh, thời tiết nên thời gian thực hiện được điều chỉnh thêm 24 tháng. Chủ nhiệm đề tài và các cộng sự đã khảo nghiệm 5 loại cây trồng (lúa, bắp, mì, đậu phộng, mè) và 1 vật nuôi là bò thịt tại 5 địa phương đại diện cho các tiểu vùng sinh thái của tỉnh là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và Khánh Vĩnh.


Bên cạnh đó, chủ nhiệm đề tài tổ chức 15 lớp tập huấn kỹ thuật, 3 lớp phối hợp, 16 hội nghị đầu bờ thu hút hơn 1.300 lượt nông dân tham dự; công bố 3 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và đào tạo 1 thạc sĩ. Trong số các giống được tuyển chọn, có 2 giống được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành giống gồm: Giống lúa BĐR27 và giống mì KM7. Có 2 giống được bảo hộ gồm: Giống lúa BĐR27 và giống đậu phộng LDH.09.


Theo ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: Do dịch Covid-19 kéo dài gây một số khó khăn liên quan đến đề tài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hạng mục thành phần. Tuy nhiên, đề tài vẫn đáp ứng các mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng vào chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trên cơ sở đề tài, sở sẽ tiếp tục chỉ đạo sản xuất phù hợp với kết quả báo cáo đề tài, góp phần quan trọng vào định hướng chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong tỉnh thời gian tới.

 

Đề tài đã tuyển chọn được giống cây trồng và vật nuôi cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất, chăn nuôi trong tỉnh. Cụ thể, về giống lúa chất lượng cao, đề tài chọn được 2 giống: RVT có  năng suất trung bình qua 2 vụ khảo nghiệm đạt 67,5 tạ/ha, tăng 11,8% so với đối chứng và VS1 có năng suất trung bình đạt 66,5 tạ/ha, tăng 10,2% so với đối chứng. Về giống lúa năng suất cao, đề tài đã chọn được 2 giống:  BĐR 27 (72,3 tạ/ha, tăng 11,4% so với đối chứng) và 3C (71,8  tạ/ha, tăng 10,7% so với đối chứng). Giống bắp lai lấy hạt đã chọn được 2 giống: LVN61 (60,8 tạ/ha, tăng 20,3% so với đối chứng) và CP333 (62,2 tạ/ha, tăng 23% so với đối chứng). 2 giống mì: SM937-26 (năng suất 43,5 tấn/ha, tăng 33,4% so với đối chứng) và KM 7 (40,2 tấn/ha, tăng 23,3% so với giống đối chứng); giống mè đen 2 vỏ Bình Thuận; 2 giống đậu phộng LDH.01 và LDH.09. Đối với bò thịt, đề tài đã xác định được cặp lai F1 Drought Master x bò cái nền địa phương Brahman vào cơ cấu giống bò thịt của tỉnh với nhiều ưu thế vượt trội.


V.L

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp