Đi làm thêm vừa giúp sinh viên (SV) có thêm thu nhập trang trải cuộc sống vừa tích lũy kinh nghiệm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Thêm nguồn thu nhập
Ngoài giờ học, Dương Phan Quỳnh Như (SV Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nha Trang) còn là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng thời trang nam. Thời gian làm việc là 5 giờ mỗi ngày. Như cho biết lý do đi làm thêm từ khá sớm vì muốn kiếm tiền học ngoại ngữ. Làm việc tại một cửa hàng nhỏ nên Như xoay quanh hầu hết các vị trí từ tư vấn bán hàng, thu ngân đến nhập kho, kiểm tra hàng hóa… “Việc làm thêm giúp em áp dụng những kiến thức được học trong chuyên ngành Marketing vào thực tế. Ngoài ra, em còn có cơ hội giao tiếp với khách nước ngoài để rèn thêm khả năng nói tiếng Anh” - Như chia sẻ.
Sở hữu ngoại hình ưa nhìn, Lê Nguyễn Thanh Tâm (SV Trường Đại học Khánh Hòa) đang làm tiếp thị sản phẩm tại Siêu thị GO! Nha Trang với mức lương 25.000 đồng/giờ. Từ một người khá nhút nhát, qua làm việc, Tâm đã trở nên tự tin hơn và cải thiện được kỹ năng giao tiếp. Tuy có thêm thu nhập nhưng công việc cũng ảnh hưởng đến việc học. “Một ca làm việc thường kéo dài 7 giờ, nhưng vì thiếu người nên có những ngày phải làm tăng cường đến 14 giờ. Em xác định học tập ưu tiên hàng đầu nên chỉ nhận tăng ca vào những ngày không phải đi học”, Tâm chia sẻ.
Nếu như trước đây, SV chủ yếu làm phục vụ nhà hàng, giữ xe quán cà phê, gia sư, bán hàng… thì nay nhiều SV đã chọn làm thêm trực tuyến. Chỉ cần một chiếc máy tính, điện thoại có kết nối Internet đã có thể ngồi ở nhà hay phòng trọ để kiếm tiền. SV Lê Thị Bích Việt (ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Khánh Hòa) đang làm sale cho một công ty du lịch. Công việc chính của Việt là tìm kiếm khách hàng cho các tour du lịch, resort, đặt vé máy bay… Nhờ chủ động thời gian khi làm việc online và học đi đôi với hành, nhiều năm liền Bích Việt đạt danh hiệu SV giỏi, SV 5 tốt cấp trường, cấp tỉnh. “Bên cạnh mang lại thu nhập, công việc giúp em vận dụng những kiến thức thầy, cô giảng dạy vào thực tế và học hỏi được nhiều kỹ năng” - Bích Việt chia sẻ.
Ngoài ra, làm xe ôm công nghệ, giao hàng là công việc làm thêm phù hợp với nhiều SV. SV Nguyễn Văn Thành An, shipper của ứng dụng Now Delivery cho biết, mỗi ngày An thường làm khoảng 4 - 5 giờ bán thời gian. Vì tính chất công việc tiếp xúc với nhiều người giúp An tích lũy nhiều kinh nghiệm sống và kỷ niệm với nghề. “Có hôm đi giao hàng tranh thủ ngồi ăn ổ bánh mì mua từ trưa thì được cô chủ quán trà sữa thấy thương tặng cho một ly trà sữa, còn động viên mình” - Thành An hào hứng kể. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khi chọn việc làm thêm. Dịch Covid-19 đã khiến SV tìm việc làm thêm khó khăn hơn. Đơn cử như Xuân Hoàng (SV Trường Đại học Nha Trang) từng làm phục vụ quán ăn nhưng quán thua lỗ đóng cửa khiến Hoàng bị mất việc. Hoàng bộc bạch: “Nhu cầu tuyển dụng của các quán hiện nay rất ít. Họ thường ưu tiên những người làm toàn thời gian để không phải thuê nhiều nhân viên. Cả tháng nay chưa tìm được công việc mới nên em phải xin tiền ba mẹ đóng nhà trọ, chi tiêu cũng dè sẻn”.
Cần sự định hướng, hỗ trợ của nhà trường
Thực tế, nhiều trường hợp SV quá sa đà vào làm thêm kiếm tiền mà sao nhãng việc học dẫn đến nợ môn, rớt môn thậm chí bỏ học. Bên cạnh đó, có những SV mới “chân ướt chân ráo” đi làm bị dụ dỗ làm việc cho các công ty lừa đảo, đa cấp dẫn đến “tiền mất tật mang”, bị quỵt tiền lương làm thêm. Đơn cử, Hoàng Dung (sinh năm 2002, sống tại Diên Khánh) từng bị quỵt số tiền lên đến 8 triệu đồng. Lần đó, Dung cộng tác viết bài cho một công ty truyền thông. Theo thỏa thuận mức lương mỗi tháng là 2 triệu đồng, nhưng suốt 4 tháng làm việc cật lực, Dung không nhận được đồng lương hay hỗ trợ nào với lí do khách hàng chưa thanh toán tiền.
Theo tìm hiểu của người viết, có nhiều mánh khóe lợi dụng, lừa đảo SV núp bóng công việc qua mạng. Điển hình là các thông tin tuyển dụng với nội dung “việc nhẹ lương cao, không cọc - không vốn” nhưng thực chất chỉ là chiêu trò dụ mở tài khoản ngân hàng hay bắt đóng phí đào tạo để được làm việc. Chính vì vậy, SV cần lựa chọn công việc, thời gian làm thêm phù hợp. Đồng thời, các trường đại học, cao đẳng cũng cần có sự tuyên truyền, định hướng để SV vừa có thể làm thêm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng học tập.
Đơn cử Trường Đại học Nha Trang là một trong những trường thực hiện tốt việc hỗ trợ SV làm thêm. Nhà trường đã kết nối, hỗ trợ SV tìm kiếm việc làm thêm một cách bài bản trên cơ sở mở rộng mối quan hệ với các đối tác mới và đi sâu triển khai các hợp tác đã kí. Bên cạnh đó, trường còn thường xuyên tổ chức các hội thảo, ngày hội tuyển dụng, việc làm. Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trường Đại học Nha Trang đã thiết lập “Không gian doanh nghiệp điện tử”. Qua đó, SV có thể tiếp nhận thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp có hợp tác với nhà trường thông qua ứng dụng, cũng như trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp trên diễn đàn này. “Khi SV tìm việc làm thêm thông qua trung tâm sẽ được đảm bảo kiểm tra pháp nhân của doanh nghiệp trước khi thông báo tuyển dụng để tránh các hoạt động nhạy cảm, không được pháp luật cho phép; doanh nghiệp cam kết về tính chất và thù lao cho SV đúng và đủ”, Thạc sĩ Đỗ Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ SV Trường Đại học Nha Trang chia sẻ.
KHÁNH NGUYÊN