Trong muôn vàn thú vui ở thời đại công nghệ số, những con tem bé nhỏ vẫn có sức hấp dẫn với nhiều người. Bằng chứng là hàng triệu người trên toàn thế giới sưu tầm tem. Thực ra, chỉ cần yêu tem thôi cũng có bao lý do để người ta tìm ngắm chúng.
Mỗi người mỗi ý niệm
Tại Triển lãm tem bưu chính khu vực Nam Trung bộ 2020, một nhân viên bưu điện chia sẻ, cả đời gắn bó với ngành nhưng bà chưa từng giữ một con tem. Lúc về hưu, bà mới bồi hồi nhớ nghề khi cầm một con tem. Có người từ nhỏ sống cạnh một nhà sưu tầm tem, cảm nhận đam mê, hàng năm đều dành thời gian tới triển lãm tem chỉ để mua một phong bì tem ngày phát hành đầu tiên làm kỷ niệm. Một người khác lại tìm kiếm những chiếc tem in hình chim, đơn giản bởi nó làm nhớ lại niềm tin hồi nhỏ về cánh chim đưa thư giúp thư đến tay người nhận nhanh hơn. Một người sưu tầm tem kể về phong trào thi đua học giỏi để được thầy tặng tem cách đây mấy chục năm. Học sinh hồi đó còn lên bưu điện đứng chờ người ta nhận thư xong để xin con tem…
Có người nói, chơi tem để nâng cao học vấn. Có người trầm tư, chơi tem để luyện 4 chữ: Chí - Tri - Mỹ - Nhẫn. Cũng có người thản nhiên: Sưu tầm tem để kinh doanh! Nhưng dù thế nào, muốn sở hữu nhiều con tem không thể không tìm hiểu về chúng. Và chỉ cần vậy, con tem cũng đã giúp tích lũy kiến thức.
“Đọc” cả thế giới qua những con tem
Người yêu tem Việt Nam hẳn từng ao ước sở hữu bộ tem cổ vô giá thời vua Bảo Đại hay bộ tem danh nhân Mạc Thị Bưởi, Binh sĩ lá mạ, tem Liên khu V... Nhưng ngay với những con tem ít quý hiếm cũng đòi hỏi kiến thức nhất định nếu không muốn mua hàng giả. Ví như con tem phát hành năm 1946, in trên giấy thủ công, tạo răng tem bằng máy khâu; hay tem dị bản, thiếu chữ, thiếu màu, đục răng sai… Ở Mỹ, năm 1847, vì thiếu loại tem 5 xu, người ta từng cắt đôi loại tem 10 xu để sử dụng. Năm 1918, lần đầu Mỹ phát hành loại tem thư máy bay, trong đó, loại tem 24 xu vô tình in ngược hình máy bay. Ở Việt Nam, có lúc, giá in trên con tem không phải bằng tiền mà bằng thóc, như tem chân dung Bác Hồ phát hành năm 1954 in giá 0,100kg thóc. Năm 2020, bộ tem Chung tay phòng, chống dịch Covid-19 được phát hành tại Việt Nam và lưu hành tại 192 quốc gia, vùng lãnh thổ, là một trong những bộ tem đầu tiên trên thế giới về dịch Covid-19. Năm 2021, bộ tem Chung sống an toàn với đại dịch Covid-19 tiếp tục được phát hành, in giá phụ thu 2.000 đồng, như một cách ủng hộ Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ. Lại nhớ, ngày 2-9-1946, bộ tem in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có 2 tem phụ thu cứu quốc để ủng hộ Quỹ cứu quốc hồi đó...
Một nhà sưu tầm bảo, không giống như chơi xe biết xe, chơi tranh biết tranh, chơi tem có thể biết từ văn hóa, xã hội, lịch sử đất nước, bảo vật quốc gia, môi trường, thiên nhiên… Không đơn thuần tìm kiếm, làm tăng số mẫu, số bộ tem, người chơi còn phải định hướng đề tài; sắp xếp những con tem rời rạc thành từng câu chuyện; bố cục, trình bày; chú giải, thuyết minh... Chỉ với đề tài hoa hồng, có người sắp xếp được chuỗi thông tin khổng lồ từ lịch sử tiến hóa; cấu tạo, trồng trọt; giá trị đời sống; giá trị tinh thần… của hoa hồng. Vượt qua giới hạn của các mép răng tem, mỗi con tem như một tác phẩm hội họa thu nhỏ, gói ghém từ những công trình kiến trúc đồ sộ, đến những con côn trùng nhỏ bé, câu chuyện về môi trường, lịch sử, cuộc sống tự nhiên và con người… để trò chuyện, gửi tới thế hệ sau nhiều thông điệp cuộc sống. Chơi tem cũng là một cách trau dồi kiến thức cá nhân để “đọc” quá khứ cả thế giới.
NGUYỄN BÌNH