Hàng nghìn tấn nông sản, thủy sản không cần phải vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ một khi khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa nhiều. Cái thì ăn tại chỗ, cái mua về nước làm quà, từ những sản phẩm bình dân đến cao cấp, chất lượng tốt, giá cả linh hoạt, tạo sức hấp dẫn cho du khách.
Theo chân các đoàn khách…
Chiếc xe lớn chở đoàn khách Hàn Quốc đến chợ Đầm (TP. Nha Trang) tham quan và mua sắm. Ngay ở khu bán hàng thủy sản, nông sản khô, xôn xao cảnh chào mời bằng tiếng Hàn, xen lẫn tiếng nói của đoàn khách du lịch Hàn Quốc khoảng 40 người. Mẹ con chị Hiền, ở phía đầu lối vào nhiệt tình mời khách ăn thử đĩa mít, hạt điều, mực xé nhỏ... Người lắc đầu để lách đi qua vào phía trong chợ, người ăn thử, rồi đi; có cặp vợ chồng trung niên gật đầu, ra hiệu hỏi giá bán xoài khô. Chị Hiền đưa số tiền trên máy tính cho khách xem, họ trả giá ngay lập tức, và khách đồng ý mua 3 gói xoài khô và 4 gói hạt điều. “Bán 1kg mít sấy chỉ lãi được 5.000 đồng. Thà lãi chút đỉnh để bán nhanh, nếu không họ đi ào vào phía trong khu bán đồ lưu niệm là không bán được gì. Mua bán ở đây nhanh như gió, ai cũng mời chào nhiệt tình. Khách Hàn Quốc thường chỉ đi chơi, mua chút đồ khô ăn tại chỗ hoặc đưa về khách sạn” - chị Hiền chia sẻ.
Đi vào khu bán đồ lưu niệm, tôi gặp đoàn khách Kazakhstan đang lựa chọn mua hàng. Chủ cửa hàng lớn tuổi vừa nói tiếng Việt, vừa minh họa thêm bằng ngôn ngữ cơ thể, đưa số tiền lên máy tính cho khách biết giá. Còn cô con gái nói tiếng Anh được một lúc thấy khách vẫn lắc đầu, xua tay liền hiểu ý, đoàn khách này không biết nói tiếng Anh. Cô lập tức dùng điện thoại bấm rất nhanh nhờ Google dịch ra tiếng Nga đưa cho khách xem. Họ hiểu liền đưa tay ra hiệu trả giá thấp xuống. Mẹ con chủ cửa hàng vẫn cố kì kèo một lúc rồi đồng ý bán được gần 10 món hàng. Gói xong hàng hóa cho khách, chị Nguyễn Thị Bình tâm sự: “Khách ở các nước thuộc Liên Xô cũ, dân buôn bán ở chợ gọi chung là dòng khách Nga (vì họ nói tiếng Nga). Khách thường lưu trú ở Nha Trang lâu nên họ mua nhiều loại hàng hóa. Dùng hết hàng, họ lại quay ra chợ mua tiếp. Ngày về nước, ai cũng mua nhiều hàng hóa, đóng từng thùng hàng lớn”.
Tôi tiếp tục theo đoàn khách Hàn Quốc đến Siêu thị Lotte Mart Nha Trang xem họ mua hàng như thế nào. Tại đây, họ mua hàng khác hẳn ở chợ Đầm. Người nào cũng đẩy xe đi chọn mua hàng. Tại khu vực bán trái cây tươi, họ tập trung mua mít, xoài, măng cụt… để mang về khách sạn ăn ngay. Lên tầng hai ở khu bán nông sản khô, có rất đông khách du lịch Hàn Quốc đã đến trước, được các nhân viên giới thiệu sản phẩm bằng tiếng Hàn, mời khách uống thử cà phê, ăn hạt điều, mít khô… Sau một lúc ồn ào, nhiều người tỏa đi mua hàng. Chỉ thời gian ngắn, họ đã chất đầy xe hàng hóa tiến đến cửa tính tiền.
Quan sát tại đây, tôi thấy người lớn tuổi thường kèm theo hình ảnh hoặc cuốn sổ ghi chép sẵn, đến kệ nhặt đủ loại hàng họ đã nhắm trước, mua với số lượng nhiều; còn lớp trẻ lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay để tra cứu xuất xứ sản phẩm qua mã vạch, QR, trước khi quyết định mua hàng. Bạn Thu Dung, nhân viên tiếp thị Siêu thị Lotte Mart Nha Trang cho biết: “Riêng khu vực bán đồ nông sản khô, sức mua của người Hàn Quốc cũng ngang với khách du lịch Trung Quốc. Khách Hàn Quốc cẩn thận hơn, khi mua sản phẩm gì họ thường đánh dấu vào sổ tay hoặc trong điện thoại. Dù bản tính tiết kiệm cỡ nào đi nữa, họ luôn bị cảm xúc từ sản phẩm Việt Nam dẫn lối nên mua nhiều hàng, vì nhờ hàng hóa có chất lượng tốt, giá rẻ hơn nhiều so với bên nước của họ”.
Muốn giữ khách phải bằng chữ tâm
Khách du lịch quốc tế tấp nập vào chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng ven đường… mua hàng hóa góp phần tiêu thụ lượng lớn sản phẩm của địa phương làm ra. Tôi quan sát tại cửa hàng trái cây số 83 Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang), khách du lịch nước ngoài đến mua hàng liên tục. Các nông sản: Xoài, mít, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… đều là món khoái khẩu của khách nói tiếng Nga, tiếng Hàn.
Mỗi khi thấy khách đi qua có ý muốn mua hàng, người bán lấy trái xoài cắt lát mỏng mời khách ăn thử. “Mỗi dòng khách đều có đặc tính riêng, như khách Trung Quốc thường đi theo đoàn đông người, chỉ một người ăn thử thấy ngon, lập tức gọi cả đoàn đến mua, mỗi người một túi. Khách Hàn Quốc có chút thận trọng hơn, luôn “nhòm trước ngó sau” về chất lượng sản phẩm, giá bán rẻ, mới quyết định mua. Còn khách nói tiếng Nga hay đi hỏi giá trước ở một số nơi, rồi quay lại mua hàng, khi thấy ngon thì ngày nào họ cũng đến mua về ăn tại khách sạn, khi về nước lại mua từng thùng trái cây”, bà Nguyễn Phương Uyên - chủ cửa hàng thông tin.
Bà Uyên đã mở cửa hàng trái cây được 10 năm, mỗi ngày bán ra hàng tạ trái cây, đủ để hiểu tâm lý khách hàng ngoại quốc. Bà Uyên chia sẻ: “Nhiều người mới mở cửa hàng ra buôn bán với khách du lịch nước ngoài, tưởng dễ “chặt chém” với giá trên trời, cân thiếu. Làm ăn kiểu đó chỉ tồn tại được thời gian ngắn là đóng cửa dẹp tiệm luôn. Thời buổi công nghệ số, trên tay ai cũng có điện thoại vào mạng kiểm tra thông tin giá cả ngay lập tức. Có một lần, khách Nga mua xoài của tôi ăn ngày hôm trước, hôm sau, họ qua chợ mua 2 trái xoài giá rẻ hơn, vợ chồng họ quay lại cửa hàng tôi “méc vốn” bán đắt. Tôi chỉ cho họ nguyên nhân mua xoài ở chợ rẻ hơn xoài ở cửa hàng tôi, vì trên 2 trái xoài đã có những vết đen do để lâu ngày nên sẽ thối hết. Hai vị khách đó liền hiểu, năm sau, họ quay lại Nha Trang tìm đến cửa hàng tôi mua, giới thiệu thêm bạn bè đi cùng”.
Hải sản tươi sống, giá rẻ là món khoái khẩu của du khách quốc tế khi đến Khánh Hòa. Rất dễ nhìn thấy, từ các cửa hàng, nhà hàng dọc đường phố đến khách sạn 5 sao, hải sản luôn chiếm số lượng lớn trong các món ăn. Dọc theo đường Trần Phú, bờ kè sông Cái…, các nhà hàng đều có những bể cá, tôm, ốc sống để phục vụ du khách. Hiện nay, khách Hàn Quốc đến Khánh Hòa đứng đầu bảng trong dòng khách quốc tế, đa số lưu trú khách sạn từ 3 sao trở lên. Anh Phạm Trường Tây, quản lý ẩm thực Khách sạn Sheraton Nha Trang cho biết: “Khách Hàn Quốc luôn chiếm khoảng 50% công suất phòng của khách sạn, số còn lại chia đều cho khách nói tiếng Nga, châu Âu, Mỹ, Úc, Việt Nam… Khách Hàn Quốc sử dụng nhiều hải sản, nông sản. Họ có những nhóm cộng đồng trên mạng xã hội rất lớn, ăn món gì ngon, họ chụp ảnh đưa lên mạng xã hội, kèm theo những dòng bình luận tích cực. Chính khách du lịch Hàn Quốc đã giúp quảng bá hình ảnh du lịch của Khánh Hòa với người dân Hàn Quốc và cộng đồng thế giới. Ngược lại, nếu có điều gì đó xảy ra chưa tốt, không hài lòng, họ cũng chia sẻ trên mạng xã hội ngay lập tức”.
HẢI LUẬN