Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Du lịch Khánh Sơn: Còn nhiều việc phải làm

Thứ ba - 05/04/2022 18:32
Chương trình phát triển du lịch Khánh Sơn giai đoạn 2016 - 2020, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên để tạo được thương hiệu du lịch riêng cho mình, Khánh Sơn còn rất nhiều việc phải làm và cần được trợ lực nhiều hơn nữa... Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Du lịch Khánh Sơn: Còn nhiều việc phải làm

Chương trình phát triển du lịch Khánh Sơn giai đoạn 2016 - 2020, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên để tạo được thương hiệu du lịch riêng cho mình, Khánh Sơn còn rất nhiều việc phải làm và cần được trợ lực nhiều hơn nữa...

 
Những kết quả bước đầu


Từ năm 2016, huyện Khánh Sơn đã xây dựng, triển khai chương trình phát triển du lịch huyện Khánh Sơn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau hơn 5 năm triển khai, hình ảnh thiên nhiên, con người, các địa danh du lịch Khánh Sơn đã được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến. Nổi bật là Lễ hội Trái cây Khánh Sơn năm 2019, thu hút hơn 10.000 lượt khách tham dự và tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương.

 

Khánh Sơn sẽ khai thác các lễ hội truyền thống của người Raglai  nhằm phát triển du lịch. Ảnh: HẢI BÌNH

Khánh Sơn sẽ khai thác các lễ hội truyền thống của người Raglai nhằm phát triển du lịch. Ảnh: HẢI BÌNH


Với mức đầu tư hơn 28 tỷ đồng, huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm du lịch tại Hòn Dung (xã Sơn Hiệp), Thác Tà Gụ, Điểm dừng chân Đỉnh Đèo huyện Khánh Sơn, biểu tượng nông sản Khánh Sơn, thác nước cua Cây Da (xã Ba Cụm Bắc)… Các công trình đã đưa vào khai thác, góp phần tạo cảnh quan, thu hút được nhiều du khách. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống nhằm phục vụ tốt nhu cầu của du khách khi đến với địa phương…


Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, huyện đã chú trọng việc giới thiệu, quảng bá, khai thác các danh lam thắng cảnh trên địa bàn như: thác Tà Gụ (xã Sơn Hiệp), các điểm leo núi Trekking tại xã Thành Sơn, các vườn cây ăn trái trên địa bàn, nhà dài thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp)… Nhờ đó, các địa danh du lịch của huyện đã bắt đầu được du khách biết đến; bình quân hàng năm, các địa điểm này thu hút hơn 3.500 lượt du khách đến tham quan, vui chơi; ngoài du khách nội địa đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh, còn có du khách là người nước ngoài đi du lịch theo hình thức “ phượt” trên cung đường Lâm Đồng - Bắc Ái (Ninh Thuận) - Khánh Sơn đến tham quan. Ngoài ra, UBND huyện đã phối hợp với các sở, ngành trình UBND tỉnh 2 dự án để xúc tiến kêu gọi đầu tư gồm: Dự án Khu du lịch Đồi thông Sơn Bình - Sơn Hiệp và dự án Khu du lịch sinh thái Thác Tà Gụ; đã có một số nhà đầu tư đặt vấn đề đầu tư 2 dự án này.


Vẫn còn nhiều khó khăn


Bên cạnh một số kết quả tích cực, du lịch Khánh Sơn vẫn còn nhiều điều phải làm như: làm thế nào để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương nhất là văn hóa bản địa; xác định sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có của địa phương là gì?. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực, các điểm vui chơi, lưu trú phục vụ khách du lịch còn hạn chế; địa phương chưa có nhiều hoạt động du lịch nổi bật, chưa khai thác tốt các lễ hội truyền thống của người dân tộc Raglai như: lễ bỏ mã, lễ ăn mừng lúa mới, lễ tạ ơn…


UBND huyện xác định, để phát triển du lịch, huyện cần tập trung kêu gọi đầu tư và liên kết phát triển du lịch bền vững, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, từng bước hình thành và phát triển các loại hình về du lịch sinh thái núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với thưởng thức nông sản của địa phương; đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, kết nối tour tuyến du lịch, hình thành các tuyến du lịch liên vùng. Bên cạnh đó, thúc đẩy xúc tiến, quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Khánh Sơn; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để kêu gọi đầu tư, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch; triển khai công tác sưu tầm, khôi phục, bảo vệ và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống đưa vào phục vụ du lịch; từng bước phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển các dịch vụ phục vụ du lịch…


Ông Nguyễn Quốc Đông cho rằng, để phát triển du lịch, tỉnh có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn; ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng, triển khai dự án du lịch trên địa bàn; hỗ trợ kinh phí để đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển du lịch địa phương; Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ địa phương việc liên kết với các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá, hình thành các tour du lịch trên địa bàn huyện; hỗ trợ mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch; hỗ trợ đào tạo hướng dẫn viên, thuyết trình viên về các địa điểm tham quan…


HẢI LĂNG

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp