“Nếu quay lại thời điểm chọn trường đại học, tôi vẫn chọn ngành sư phạm, bởi đã trót yêu nghề giáo. Tình yêu đó ngày càng nhiều thêm trong những năm tháng tôi gắn bó với học trò” - lời tâm sự của cô Trần Thị Ngân (giáo viên bộ môn Sinh học, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang) cũng là trải lòng của cô Nguyễn Thị Thanh Trúc (giáo viên Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa) và cô Trần Thị Minh Hiên (giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) - những cô giáo thế hệ 9x. Bằng nhiệt tình của tuổi trẻ và sự tận tâm, yêu nghề, mến trẻ, các cô cùng 57 thầy, cô tiêu biểu khác trong cả nước đã vinh dự được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2024”, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, vào tối 15-11.
Thêm yêu nghề giáo
Đến lớp học của cô Ngân, chúng tôi được hòa vào không khí sôi nổi với cô và trò. Bài học về vi rút tưởng chừng khô khan, khó hiểu lại vô cùng cuốn hút khi được cô Ngân mở đầu bằng câu hỏi dễ ẹc: Bệnh Covid-19 do đâu gây ra? Làm sao quên nổi dịch bệnh từng ảnh hưởng tới từng nhà, từng người, làm đảo lộn mọi thói quen, nếp sinh hoạt! Lập tức, hàng loạt cánh tay giơ lên, các em tranh nhau nói: Vi rút Corona! Hình ảnh 3D được cô Ngân trình chiếu khiến giờ học càng thêm sinh động. Từ con vi rút Corona nguy hiểm, cô Ngân dẫn dắt các em tới nhiều loại vi rút khác; giới thiệu hình dạng, đặc điểm, cấu tạo của chúng… Tiết học kết thúc thì bài học cũng được các em tiếp nhận trọn vẹn.
Ngoài giờ dạy trên lớp, cô Ngân còn thường xuyên phụ đạo kiến thức cho học sinh. |
Cô Ngân sinh ra ở tỉnh Nghệ An, nơi có mùa nắng gắt như đổ lửa, mùa đông lạnh giá. Những ngày đầu đi học, chứng kiến một cô giáo dáng người nhỏ bé không quản mưa bão, đi bộ cả chục cây số, qua đường bùn sình đến ngang gối, tới trường từ sớm để chờ đón học sinh (HS), lo lắng hỏi thăm từng HS đã nhen lên ước mơ trở thành giáo viên của Ngân. Sau khi tốt nghiệp đại học, mang theo ước mơ dạy học vào phố biển Nha Trang, cô Ngân được nhận vào ngôi trường có 3 cấp học và nhiều em nhỏ có mảnh đời bất hạnh ở Làng Trẻ em SOS Nha Trang. Nhiều HS đã ra trường vẫn nhớ về cô Ngân tuy nghiêm khắc nhưng ân cần, quan tâm đến HS từng chút. Có em nhỏ sống cùng 4 chị em gái và mẹ ở thị xã Ninh Hòa, do chị bị bệnh nặng nên mẹ phải gửi em vào Làng Trẻ em SOS Nha Trang. Biết em dễ buồn vì chuyện nhà, nhưng ham đọc sách và kiên cường, cô Ngân thường xuyên qua phụ đạo thêm cho em. “Giờ đây, em HS ngày nào đã là sinh viên y dược. Mỗi lần về thăm trường, thăm làng, em đều tặng tôi bức hình chụp lúc đang học. Kết quả học tập của em chính là quả ngọt trong sự nghiệp dạy học của tôi”, cô Ngân nói.
Cô Ngân hướng dẫn các học sinh làm báo tường mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Nhưng nghề giáo với cô không chỉ là dạy học, mà còn là sự rung cảm với những hoàn cảnh khó khăn và muốn truyền cho các em động lực phấn đấu. Thấu cảm với hoàn cảnh của các em, cô càng quyết tâm giáo dục định hướng cho các em kiên cường hướng tới tương lai tốt đẹp. "Dù có lúc khó tiếp cận HS, nhưng tôi luôn nhắc mình phải là một nhà giáo mẫu mực, đừng bao giờ đánh mất ước mơ ban đầu”, cô Ngân nói. Liên tiếp 3 năm học (từ năm học 2020 - 2021), cô Ngân đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 2 năm liền đạt giải hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh và là giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2020 - 2021.
Đồng hành với trẻ khuyết tật
Giờ dạy can thiệp sớm của cô Nguyễn Thị Thanh Trúc và các đồng nghiệp tại Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa thực sự mướt mồ hôi dù chỉ có vài HS. Câu chuyện về mấy con vật được kể bằng tranh không biết bao lần, nhưng khi cô kể lại và đặt câu hỏi thì có bạn không nói, có bạn giành trả lời… sai, 2 - 3 bạn khác chỉ tìm cách nhìn phía sau bức tranh. Các cô phải ngồi cạnh, liên tục nhắc nhở. Trong “túi áo thần kỳ”, cô Trúc luôn có sẵn vài hột nút, bông hoa, sticker… để thu hút HS tập trung, hoặc thưởng ngay cho bạn trả lời đúng…
Cô Trúc chăm sóc, đồng hành với trẻ khuyết tật. |
“Ngày đầu đến trung tâm làm việc, tôi nghe thấy những tiếng cười hồn nhiên và những tiếng hét lớn, cả những âm thanh “nghe bằng mắt” qua đôi bàn tay các em khiếm thính; có bạn xuất hiện cơn động kinh trong giờ ra chơi… Dù đã xác định trước song tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng”, cô Trúc nhớ lại. Mỗi HS khuyết tật trí tuệ là một cá nhân khác biệt, “khó nhớ, mau quên”, có khi mất vài tháng mới giúp các em tiếp thu được một kiến thức nhỏ; có lúc lại xuất hiện hành vi gây hấn, xâm hại bản thân và người khác. 10 năm qua, cô đã trải qua nhiều cảm xúc: Vui, buồn, hạnh phúc, thậm chí bất lực vì chưa điều chỉnh được hành vi của trò, nhưng cô vẫn động viên mình tiếp tục nhẫn nại, bởi các em khuyết tật bất hạnh hơn rất nhiều bạn nhỏ. “Có một HS từng trải qua phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch, phẫu thuật trực tràng, hậu môn,... nhưng em rất ham học hỏi, thể hiện nghị lực phi thường. Em giúp tôi nhận ra mình còn quá may mắn và cần nỗ lực giúp các em nhiều hơn nữa. Đến nay, một số ít HS khuyết tật của tôi ra trường đã có thể làm công việc giữ xe, phục vụ, làm tóc, buôn bán... để tự lo cho cuộc sống của mình. Con đường gắn bó với nghề đầy thách thức, nhưng tôi luôn được sưởi ấm bằng tình yêu thương nên chỉ mong luôn giữ được “lửa nghề” để giúp các em hòa nhập xã hội tích cực hơn”, cô Trúc nói. Với những đóng góp của mình, cô Trúc đã được nhận bằng khen của Tỉnh đoàn cho nhà giáo trẻ tiêu biểu tại các đơn vị đặc thù - miền núi - hải đảo năm 2019 cùng nhiều hình thức khen thưởng của các cấp.
Chia sẻ tình yêu thương
“Thuở ấu thơ của tôi là những ngày tháng khó khăn, có khi đi học chỉ với bát cơm nguội, nhưng chúng tôi được lớn lên trong sự yêu thương của ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, được dạy về tình yêu đất nước, sự sẻ chia, lòng nhân ái, trung thực, sự tử tế… Tình yêu ấy lớn dần một cách tự nhiên và giờ chúng tôi muốn chia sẻ lại cho học trò của mình” - đó là tâm sự của cô Trần Thị Minh Hiên. Cô Hiên vẫn nhớ ngày đầu tiên đi học ở Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp, hiện là nơi cô làm việc với biết bao hân hoan, hào hứng. Ở đó, cô đã được các thầy cô yêu thương, tận tình dạy dỗ từng ngày. Vì vậy, 11 năm dạy học, cô cũng luôn cố gắng đáp đền bằng nỗ lực không ngừng. Biết HS miền núi còn nhiều khó khăn, các thầy cô thường xuyên kết nối với những nhóm thiện nguyện vận động quyên góp hỗ trợ các em; tổ chức giao lưu, chia sẻ khó khăn, khơi gợi ước mơ, rèn kỹ năng cho các em nhỏ thông qua các chương trình: Tiếp sức đến trường (ở thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Trung); Áo ấm cho em (xã Ba Cụm Bắc); Chợ Tết cho em (xã Thành Sơn); Chợ thu cho em (xã Sơn Hiệp)…
Cô Hiên hướng dẫn học sinh tập viết. |
Để nâng cao chất lượng mỗi bài dạy, cô Hiên luôn chú trọng học hỏi trau dồi chuyên môn; sáng tạo nhiều đồ dùng dạy học; khuyến khích các em tìm kiếm thông tin, tài liệu từ các công cụ có trong lớp. Đặc biệt, cô có nhiều sáng kiến được cấp huyện công nhận và được triển khai áp dụng tại một số trường học khác. Năm học 2023 - 2024, cô tiếp tục áp dụng hiệu quả sáng kiến Giáo dục tình yêu quê hương, đất nước thông qua hoạt động ngoại khóa cho HS lớp 5C, Trường Tiểu học thị trấn Tô Hạp. Nhiều năm liên tục, cô đạt giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường, cấp huyện, đặc biệt 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2016 được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Cô Hiên chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm “lớp học là nhà” nên mỗi ngày, chúng tôi đều cố gắng gieo cho các em những hạt mầm yêu thương và niềm tin để các em đến trường vui tươi hơn; mong sao các em cố gắng vượt qua khó khăn, chinh phục tri thức”.
TIỂU MAI - HOÀNG NGÂN