Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Chuyển biến mới từ sản phẩm OCOP

Thứ năm - 29/12/2022 13:42
Với 80 sản phẩm đăng ký tham gia, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 không chỉ tăng về số lượng mà những sản phẩm kinh tế này được nhà sản xuất đầu tư kỹ càng hơn, hàm lượng chế biến sâu hơn để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Chuyển biến mới từ sản phẩm OCOP

Với 80 sản phẩm đăng ký tham gia, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 không chỉ tăng về số lượng mà những sản phẩm kinh tế này được nhà sản xuất đầu tư kỹ càng hơn, hàm lượng chế biến sâu hơn để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường.


Đa dạng sản phẩm


Năm 2022, các địa phương trên toàn tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ 80 sản phẩm của 51 chủ thể đăng ký tham gia. Đây là con số rất đáng khích lệ. Qua rà soát và chấm điểm, các địa phương đã đề nghị Hội đồng OCOP tỉnh chấm điểm, xếp hạng, tham mưu UBND tỉnh công nhận đối với 61 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các sản phẩm rất đa dạng, phong phú ở nhiều lĩnh vực, từ trầm hương, xáo tam phân, yến sào, rong nho, rong biển, hàu sữa cho đến các sản phẩm mang nét ẩm thực đặc trưng như: nem chua, chả lụa, gà bản địa, bồ câu, thịt dê… Các sản phẩm đã “quen mặt” với chương trình như: sầu riêng, bưởi, xoài, chuối, táo, măng, tỏi… được nhiều chủ thể lựa chọn để nâng cấp, hoàn thiện đáp ứng các đòi hỏi của một sản phẩm OCOP.

 

Hội đồng OCOP tỉnh đánh giá và xếp hạng các sản phẩm năm 2022.

Hội đồng OCOP tỉnh đánh giá và xếp hạng các sản phẩm năm 2022.


Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Chương trình OCOP đòi hỏi các chủ thể minh chứng sản phẩm của mình với các nội dung như: quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, xuất xứ nguyên liệu, bao bì mẫu mã, tính đặc trưng vùng miền… Đây cũng chính là yêu cầu, đòi hỏi của thị trường khi các sản phẩm làm ra bắt buộc phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, chỉ tiêu chất lượng. Gắn vào đó là những câu chuyện sản phẩm như một thông điệp người làm ra sản phẩm muốn gửi gắm đến người tiêu dùng.


Hàm lượng chế biến tăng


Hội đồng đánh giá và xếp hạng OCOP tỉnh đã tổ chức họp đánh giá, phân hạng 61 sản phẩm nêu trên. Đáng chú ý, sản phẩm đã qua chế biến chiếm đa số. Chẳng hạn trong số 10 sản phẩm của huyện Vạn Ninh, chỉ có tỏi sẻ Vạn Hưng và dừa xiêm Xuân Sơn là nông sản tươi, 8 sản phẩm còn lại như: trầm hương, yến sào, hàu sữa, nước uống đóng chai, chả cá… đều được chế biến, phần lớn được làm ra trên dây chuyền công nghệ hiện đại, có sự tham gia của doanh nghiệp. Hoặc toàn bộ 14 sản phẩm của các chủ thể ở thị xã Ninh Hòa, 9 sản phẩm của các chủ thể ở Nha Trang tham gia Chương trình OCOP năm 2022 đều là những sản phẩm chế biến, được đóng trong bao bì hiện đại, đẹp mắt và đầy đủ thông tin cần thiết, rõ ràng tới người tiêu dùng. Ngay cả sản phẩm thường được dùng tươi như xoài Cam Lâm năm nay cũng mang đến chương trình những sản phẩm xoài sấy dẻo thơm ngon; hoặc như sầu riêng sấy khô Phương Đài ở Khánh Sơn với mục tiêu mang đến loại sản phẩm đặc trưng này cho người tiêu dùng quanh năm thay vì chỉ có vào mùa thu hoạch như thường lệ.

 

Đóng gói sản phẩm rong nho của Công ty TNHH Trí Tín (phường Ninh Hải, Ninh Hòa) - sản phẩm đầu tiên của tỉnh được Hội đồng đánh giá và xếp hạng OCOP tỉnh đề nghị UBND tỉnh xếp hạng 5 sao

Đóng gói sản phẩm rong nho của Công ty TNHH Trí Tín (phường Ninh Hải, Ninh Hòa) - sản phẩm đầu tiên của tỉnh được Hội đồng đánh giá và xếp hạng OCOP tỉnh đề nghị UBND tỉnh xếp hạng 5 sao


Theo ông Lê Bá Ninh, năm nay, sự đa dạng về chủng loại, lớn mạnh về số lượng sản phẩm tham gia đã chứng tỏ Chương trình OCOP đang phát triển đúng hướng. Bên cạnh các sản phẩm tươi, rất nhiều sản phẩm mang trong mình hàm lượng chế biến sâu, được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Cùng với sự thay đổi về nhận thức của các chủ thể, năm nay cũng là năm đầu tiên triển khai chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, trong đó Nhà nước hỗ trợ các chủ thể trong việc hoàn thiện sản phẩm và giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP nên đã tạo khí thế mới trong việc khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, phát huy nội lực và gia tăng giá trị cho các sản phẩm được làm từ khu vực nông thôn. Trong thời gian tới, chương trình đặt mục tiêu đa dạng hơn nữa các sản phẩm tham gia. Trong đó, tập trung vào những sản phẩm có mức độ chế biến cao, bảo vệ môi trường, sản phẩm OCOP du lịch, văn hóa… đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường trong và ngoài nước.

 

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2018. Giai đoạn 2018-2021, chương trình vừa thực hiện vừa hoàn thiện, đồng thời do tình hình dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến việc triển khai. Trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao.


Hồng Đăng



 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp