Dấu ấn bứt phá

Thứ sáu - 30/12/2022 12:43
Bước ra khỏi đại dịch Covid-19, lĩnh vực kinh tế vốn thiên về dịch vụ, du lịch của Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề. Song với nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, cùng với bệ phóng cực đại từ các nghị quyết của Trung ương đã tạo nên sự bứt phá ngoạn mục cho sự tăng trưởng năm 2022. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Dấu ấn bứt phá

Bước ra khỏi đại dịch Covid-19, lĩnh vực kinh tế vốn thiên về dịch vụ, du lịch của Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng nề. Song với nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, cùng với bệ phóng cực đại từ các nghị quyết của Trung ương đã tạo nên sự bứt phá ngoạn mục cho sự tăng trưởng năm 2022.


Tăng trưởng đứng đầu cả nước


Phố biển Nha Trang chuẩn bị đón năm mới 2023 bằng tiết trời se lạnh của mùa xuân. Trong thời khắc giao mùa, những tín hiệu vui từ sự tăng trưởng của tỉnh khiến những ngày cuối năm càng trở nên ý nghĩa. Kinh tế của tỉnh đã phục hồi mạnh mẽ; tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 20,7% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng cao nhất cả nước và cũng lâu lắm rồi Khánh Hòa mới đạt đến mức tăng trưởng như thế. Khi nhắc đến kết quả này, ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Năm 2022 mở đầu với tin vui, ngày 28-1, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sự khởi đầu đó tiếp thêm niềm tin, sự phấn khởi để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nỗ lực xây dựng phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp”.

Thành phố Nha Trang. (Ảnh: Vương Mạnh Cường)
Thành phố Nha Trang. (Ảnh: Vương Mạnh Cường)

Chắc hẳn khi nói đến tốc độ tăng trưởng ấn tượng này, sẽ có người cho rằng, do 2 năm qua bị ảnh hưởng dịch bệnh nên tốc độ tăng trưởng năm nay so sánh với năm trước đương nhiên sẽ tăng cao. Nhưng điều này là chưa chính xác. Còn nhớ trong cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Nếu chúng ta lấy mốc năm 2019, năm mà Khánh Hòa đang có mức tăng trưởng ổn định với GRDP khoảng 52.900 tỷ đồng thì năm 2022, GRDP của tỉnh đã đạt khoảng 54.800 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ chúng ta đã quay trở lại quỹ đạo phát triển và vượt so với trước đây. Theo dự tính năm 2022, chúng ta chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%, nhưng cuối cùng tăng trưởng tới 20,7%. Đây chính là sự nỗ lực rất lớn của toàn thể Đảng bộ, nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh”.

 

Không chỉ phục hồi kinh tế, trong năm 2022, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, lao động và việc làm theo đúng quy định. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 được thực hiện kịp thời.

 

1

Sơ chế yến sào tại Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa.

 

Tiếp tục đà bứt phá


Năm 2023 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025. UBND tỉnh xác định, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện đang có khó khăn và thuận lợi đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, để Khánh Hòa có những bước phát triển mạnh hơn nữa, tỉnh xác định phải đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, làm cơ sở để thu hút quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; tích cực mời gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khánh Hòa nhằm tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 55 của Quốc hội. Cùng với đó, tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai đồng bộ các dự án đường bộ cao tốc trên địa bàn tỉnh. Đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển vượt bậc của tỉnh trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh sẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chịu đựng của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Ngoài ra, vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh cũng được quan tâm đúng mức. Cùng với đó là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm.

 

Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong.
Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong.


Khi nói về triển vọng trong năm mới, ông Nguyễn Hải Ninh chia sẻ: “Chiến lược có hay đến mấy, chính sách có tốt đến mấy mà không biến thành những dự án, của cải vật chất, làm cho doanh nghiệp tốt hơn, làm cho đời sống nhân dân tốt hơn và làm cho tỉnh giàu có hơn thì cơ chế chính sách đó vẫn chưa đi vào cuộc sống. Chúng tôi cố gắng nửa đầu năm 2023 sẽ hoàn thành các quy hoạch. Song song với triển khai quy hoạch tỉnh sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hơn”. Được biết, hiện nay, đã có rất nhiều doanh nghiệp “xếp hàng” xin được đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong. Trong quý I/2023, khu vực này được dự báo sẽ nhận một lượng lớn vốn ngoài ngân sách đầu tư. Đây chính là động lực, tạo nên hệ sinh thái để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo ra các giá trị mới.


Ông Nguyễn Tấn Tuân khẳng định: “Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên, trong năm 2023, kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ phục hồi mạnh mẽ, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII cũng như các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa mà trọng tâm là đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030”.


ĐÌNH LÂM


 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp