Hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tiếp cận khoa học kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… là những hoạt động nổi bật của Hội Nông dân (HND) các cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong quá trình đồng hành với hội viên, nông dân 5 năm qua.
Chăm lo sản xuất
Ông Lê Duy Vũ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, HND tỉnh cho biết, 5 năm qua, có gần 2.500 hộ nông dân được đào tạo nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng về thú y, trồng cây ăn quả, cây lương thực - thực phẩm, trồng và chăm sóc hoa - cây cảnh… Sau học nghề, nông dân có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt hơn 90%. Ngoài ra, các cấp hội đã phối hợp mở 313 lớp nghề phi nông nghiệp cho 11.230 học viên, giúp giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn.
Các hoạt động hỗ trợ nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ cũng đạt được nhiều kết quả tốt. 5 năm qua, hơn 4.000 hội viên, nông dân đã được hỗ trợ tiếp cận các đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh như: Kỹ thuật ủ chua thức ăn thô xanh; ủ rơm bằng urê và vỗ béo bò thịt; chế biến phụ phẩm cây mía làm thức ăn cho gia súc; quy trình thâm canh và hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây cà phê; nuôi heo trên đệm lót sinh học; phục tráng và nhân giống mía tím Khánh Sơn… Các cấp hội cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ nông dân sản xuất và kinh doanh nông sản theo chuỗi giá trị, nuôi thủy sản bằng công nghệ lồng Na Uy, sử dụng phân bón sinh học nhằm cải tạo đất, độ PH cho cây sầu riềng, xoài Úc, bưởi da xanh, dừa xiêm; xây dựng mô hình sử dụng chế phẩm RODA xử lý chất thải hữu cơ, phân chuồng làm phân bón cho cây trồng tại Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh; mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên diện tích 9,2ha bưởi da xanh tại xã Diên Xuân (Diên Khánh)…
Cùng với việc trợ giúp nông dân làm chủ kiến thức, kỹ thuật sản xuất, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với gần 80 tỷ đồng đã hỗ trợ cho hơn 10.000 lượt hộ vay xây dựng mô hình kinh tế; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay trên 1.666 tỷ tỷ đồng để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Hội còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, định hướng cho hội viên nông dân tham gia và thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có 460 tổ hội nghề nghiệp với hơn 4.000 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề. Hội cũng đã hướng dẫn thành lập 363 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất kinh doanh với hơn 3.600 thành viên. Các mô hình này đã liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kiến thức, vật tư đầu vào, thị trường đầu ra, mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận và phát triển bền vững. 5 năm qua, hội đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho hơn 200 tổ hợp tác, hợp tác xã.
Hỗ trợ đầu ra nông sản
Trong các hoạt động chăm lo đầu ra nông sản cho hội viên, nông dân, các phiên chợ nông sản tỉnh được tổ chức từ năm 2017 đến nay là hoạt động nổi bật nhất. Mỗi phiên chợ không chỉ khắc họa bức tranh nông nghiệp Khánh Hòa thông qua hàng trăm gian hàng, doanh thu 6-7 tỷ đồng/phiên, mà còn là dịp để nông sản chất lượng cao của nông dân đến được với người tiêu dùng, nhiều mối liên kết, hợp tác tiêu thụ được thiết lập sau phiên chợ. Các HND huyện cũng đã tổ chức những phiên chợ của địa phương mình, như: Phiên chợ nông sản Ninh Hòa (năm 2018 và 2019); Hội chợ hàng nông sản Cam Lâm (2019); lễ hội trái cây Khánh Sơn (2019 và 2022)…
Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản của nông dân. HND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp như: Tổ chức các điểm bán hàng trên toàn tỉnh, kết nối với các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa tổ chức các đợt cao điểm tiêu thụ nông sản… Qua đó, đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ hơn 40 tấn bưởi da xanh, hơn 15 tấn xoài Úc, 20 tấn hành tỏi, hàng chục tấn thủy sản. Hội cũng đã phối hợp với Viettel Post Khánh Hòa đưa nông sản Khánh Hòa lên sàn giao dịch điện tử voso.vn; phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Đã có 23 lớp kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử được tổ chức cho 1.610 hội viên nông dân và triển khai đăng ký hơn 350 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân… với hơn 110 sản phẩm nông, thủy sản, nông sản chế biến lên sàn thương mại điện tử postmart.vn. Một số sản phẩm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử này như: Sầu riêng Khánh Sơn, dừa sim Ninh Đa, chả cá Vạn Giã, xoài Úc Cam Lâm, các loại thủy hải sản tươi sống và chế biến, các loại nông sản chế biến…
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch HND tỉnh, trong giai đoạn tới, các cấp HND tiếp tục đồng hành, hỗ trợ hội viên, nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung trợ giúp nông dân tiếp cận mạnh mẽ với những tiến bộ khoa học công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống nhằm đạt năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao; giúp nông dân biết áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ nhằm thúc đẩy nông dân sản xuất theo hợp đồng, theo chuỗi giá trị, xây dựng và bảo vệ thương hiệu... cũng là những nội dung trọng tâm trong giai đoạn tới.
5 năm qua, hội đã tham gia 2 gian hàng tại Hội chợ nông sản sạch ở Lâm Đồng trong khuôn khổ “Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia”; 6 gian hàng tại Festival “Sản phẩm vật tư nông nghiệp và thương mại toàn quốc năm 2020 được tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk”; 2 gian hàng nông sản công nghệ cao trưng bày, triển lãm tại chương trình TechFest vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2022 diễn ra tại Nha Trang do UBND tỉnh tổ chức… |
Hồng Đăng