Ban Quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa đang chuẩn bị trồng rừng phòng hộ dọc theo tuyến đường đèo Khánh Sơn (trên tuyến Tỉnh lộ 9) để giúp bảo vệ đường đèo khỏi nguy cơ sạt lở mùa mưa. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là BQL lại lựa chọn cây keo để trồng.
Nỗi lo mỗi mùa mưa
Những năm qua, cứ vào mùa mưa bão, người dân huyện Khánh Sơn lại thường trực với nỗi lo tuyến đường đèo Khánh Sơn bị sạt lở, gây chia cắt giao thông bởi đây là con đường huyết mạch, độc đạo nối Khánh Sơn với các địa phương khác trong tỉnh. Còn nhớ, cơn bão số 12 năm 2017 đã khiến hàng chục héc-ta rừng trồng phòng hộ đèo Khánh Sơn bị thiệt hại nặng. Năm 2018, UBND tỉnh đã cho phép đơn vị chủ rừng là BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa thanh lý diện tích rừng trồng bị thiệt hại theo hình thức khai thác tận dụng lâm sản và trồng lại rừng trên toàn bộ diện tích.
Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, đường đèo Khánh Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, lũ quét trong thời gian qua một phần do việc khai thác trắng rừng phòng hộ dọc theo tuyến đường này. Diện tích đất rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn thuộc địa phận huyện Cam Lâm nhưng lại có tác động trực tiếp đến giao thông, đi lại của người dân Khánh Sơn; địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh chỉ đạo việc bảo vệ diện tích rừng trồng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn. Đối với việc trồng rừng phòng hộ dọc tuyến đường đèo này, đơn vị chủ rừng cần nghiên cứu trồng loại cây phù hợp, không khai thác để đảm bảo tính phòng hộ cho tuyến đường đèo.
Trồng lại rừng phòng hộ
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho biết: “Rừng phòng hộ phía đông đèo Khánh Sơn không chỉ có chức năng phòng hộ cho tuyến đường đèo mà còn phòng hộ cho hồ chứa nước Tà Rục. Vì vậy, khi trồng rừng phòng hộ tại khu vực này, đơn vị chủ rừng không đặt mục tiêu khai thác. Việc khai thác tận thu lâm sản tại đây chỉ do các nguyên nhân bất khả kháng như hạn hán, bão lụt gây thiệt hại nghiêm trọng, không còn đủ tiêu chí phòng hộ”.
Để trồng lại rừng dọc theo tuyến đường đèo Khánh Sơn, UBND tỉnh đã có quyết định giao nhiệm vụ và phân bổ nhu cầu sử dụng vốn trồng rừng thay thế năm 2022 cho BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa. Theo đó, đơn vị chủ rừng đã tiến hành thiết kế trồng rừng phía đông đèo Khánh Sơn tại các khoảnh 3, 6 tiểu khu 313 và các khoảnh 2, 6 tiểu khu 314 (địa giới hành chính xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) với tổng diện tích gần 69ha. Trong đó, trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng phòng hộ 67ha; xây dựng đường ranh cản lửa gần 2ha. Việc xử lý hiện trường trồng rừng, thiết kế trồng rừng phòng hộ tại khu vực này được đơn vị chủ rừng tuân thủ chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, tránh gây xói lở, rửa trôi đất… Trong tháng 9 và tháng 10-2022, khi thời tiết phù hợp, BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa sẽ tiến hành trồng mới rừng phòng hộ tại đây.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người lo lắng là BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa lựa chọn cây keo để trồng rừng phòng hộ thay vì lựa chọn các loại cây lâu năm như: Dầu, sao, hương… Theo lý giải của lãnh đạo huyện Khánh Sơn, keo có chu kỳ khai thác nhanh, không hiệu quả trong việc trồng rừng phòng hộ, khi khai thác ồ ạt rừng sẽ thành đồi trọc, vì vậy cần tính toán chọn loại cây phù hợp để trồng rừng phòng hộ tại đây. Trong khi đó, lãnh đạo BQL Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa cho rằng, cây keo cũng là cây thuộc bộ cây giống trồng rừng phòng hộ theo quy định; trong khi đất rừng dọc theo tuyến đường đèo Khánh Sơn nghèo chất dinh dưỡng, khí hậu khô nóng, nguồn nước thiếu, do vậy việc lựa chọn cây keo là phù hợp. Hơn nữa, nếu không vì các nguyên nhân rừng trồng phòng hộ bị thiệt hại do thiên tai buộc phải thanh lý, trồng mới thì chức năng phòng hộ của các cánh rừng keo dọc theo tuyến đường đèo vẫn đảm bảo.
HẢI LĂNG