L.T.S: Nhân dịp xuân Quý Mão 2023, lãnh đạo một số doanh nghiệp chia sẻ những khát vọng, định hướng phát triển với mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Khánh Hòa ngày càng phát triển, các sản phẩm, thương hiệu của Khánh Hòa ngày càng vươn xa.
Ông Nguyễn Quang Duy - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T:
Mở ra nhiều cơ hội
Bước sang năm mới 2023, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất nhập khẩu D&T (DT Group) tiếp tục tập trung đầu tư các dòng sản phẩm yến sào, rong biển và các sản phẩm giá trị gia tăng từ rong biển nhằm giúp người dân vùng biển thoát nghèo và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, công ty hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm rong biển, đưa sản phẩm vươn tầm thế giới. Công ty mong muốn sẽ tạo nhiều việc làm hơn nữa cho lao động địa phương; giúp người dân đưa các ao đìa bỏ hoang vào nuôi rong nho biển để thoát nghèo, phát triển kinh tế biển bền vững.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, cá nhân tôi rất kỳ vọng kinh tế của tỉnh trong năm 2023 sẽ khởi sắc, mong muốn có nhiều sân chơi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với vị trí và vai trò của mình, Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế; phong trào khởi nghiệp được khuyến khích; quá trình hội nhập kinh tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện; phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Đặc biệt, đội ngũ doanh nhân có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên. Tất cả những điểm tích cực này là tiền đề để cộng đồng doanh nghiệp Khánh Hòa có bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Thách thức trong năm 2023 vẫn còn rất lớn, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Đây là năm rất quan trọng để doanh nghiệp vạch ra chiến lược và kế hoạch phấn đấu tăng trưởng trong tình hình thế giới có nhiều biến động. Trong bối cảnh ấy, cộng đồng doanh nghiệp Khánh Hòa cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo tỉnh để có thêm động lực phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong không khí xuân mới, chúng tôi tin tưởng rằng, năm 2023, kinh tế của Khánh Hòa sẽ tiếp tục tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát triển.
NHẬT MINH (Ghi)
Ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh:
Ưu tiên ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động
Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu tôm của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh nói riêng. Trong tình hình đó, Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh đã chủ động duy trì các thị trường truyền thống, như: Nhật, châu Âu, Mỹ; đồng thời nỗ lực tìm kiếm, phát triển thêm thị trường mới. Nhờ đó, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt hơn 63 triệu USD, tăng 4% so với năm 2021; duy trì ổn định việc làm cho hơn 1.000 lao động, với thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, dự báo lạm phát toàn cầu tiếp diễn, người tiêu dùng tiếp tục dè sẻn chi tiêu, thực phẩm giá rẻ lên ngôi càng thêm bất lợi cho sản phẩm tôm chế biến sâu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành tôm thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu rất xa, tôm Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng bởi tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ… Nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2023, thị trường xuất khẩu tôm mới hy vọng phục hồi, nhưng tốc độ cũng rất chậm. Do vậy, trong năm 2023, Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh chưa đặt mục tiêu tăng trưởng, chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì các bạn hàng truyền thống; tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm ổn định sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Với uy tín, mối quan hệ, cùng bề dày kinh nghiệm của mình, ngay từ cuối năm 2022, công ty đã có các cuộc tiếp xúc, trao đổi với đối tác nhằm đánh giá tình hình, xác định chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để đôi bên cùng đạt được lợi ích và mục tiêu kinh doanh trong năm tới.
HẢI LĂNG (Ghi)
Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư V.A.Ekaterinburg, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa:
Tiếp sức cho doanh nghiệp du lịch khởi sắc trở lại
Năm 2022, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động du lịch đã phục hồi trở lại. Toàn tỉnh đón hơn 2,5 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có khoảng 250 nghìn lượt khách quốc tế; doanh thu gần 13.500 tỷ đồng. Nhìn qua con số, có thể thấy du lịch tăng trưởng rất tốt so với năm 2021, tuy nhiên so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 thì số lượng khách và doanh thu vẫn còn thấp hơn rất nhiều, nhất là ở phân khúc khách quốc tế (năm 2019, toàn tỉnh đón hơn 7,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 3,56 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu du lịch đạt hơn 27.000 tỷ đồng). Hoạt động du lịch vẫn còn khó khăn, nhất là khi bóng ma Covid-19 vẫn treo lơ lửng trên đầu với các biến thể mới nảy sinh.
Tuy vậy, tôi vẫn kỳ vọng và tin tưởng sang năm Quý Mão 2023, hoạt động du lịch sẽ thực sự khởi sắc trở lại khi dịch bệnh đang được kiểm soát ngày một tốt hơn; các thị trường khách quốc tế truyền thống lớn của Khánh Hòa đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, để du lịch phục hồi mạnh mẽ và bền vững, Chính phủ và tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp du lịch như các gói cho vay để tái đầu tư sản phẩm du lịch, chỉ đạo các ngân hàng xem xét giảm lãi suất các gói vay cũ vì thời gian gần đây các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm mặt bằng thuê bãi biển, tính giá điện bằng giá sản xuất thay vì giá điện kinh doanh như hiện nay… Đồng thời, tỉnh cần kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương mở rộng diện miễn visa, kéo dài thời gian miễn visa cho khách quốc tế…; đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá đến với các thị trường khách tiềm năng để thu hút nhiều hơn khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng.
X.T (Ghi)
Bà Trần Thị Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hải Yến Nha Trang:
Đầu tư nhiều hơn cho chất lượng sản phẩm
Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Công ty TNHH Một thành viên Thương mại Hải Yến Nha Trang (The Hải Yến) đã nhanh chóng ổn định trở lại việc sản xuất, nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm mũi nhọn của công ty. Năm 2022 là năm công ty chuẩn bị kỹ lưỡng để chuyển mình cho mục tiêu xuất khẩu chính ngạch yến sào và các sản phẩm của The Hải Yến đến các thị trường quốc tế có yêu cầu cao, như: Mỹ, các nước châu Âu và đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Trong năm 2023, The Hải Yến cũng sẽ tiếp tục các chương trình hợp tác quốc tế với các đối tác đến từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… để phát triển nhiều sản phẩm dinh dưỡng chuyên sâu từ yến sào Nha Trang do công ty nuôi và khai thác với tiêu chuẩn cao. Thời gian qua, sản phẩm hợp tác quốc tế giữa The Hải Yến và đối tác Hàn Quốc - tinh chất yến sâm SAHA, nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường trong và ngoài nước. Đây là nền tảng để có thể nghiên cứu sáng tạo và phát triển nhiều sản phẩm chế biến sâu từ yến sào Nha Trang trong tương lai.
Ngoài mũi nhọn là yến sào, trong năm 2023, The Hải Yến sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm nông sản dinh dưỡng cao cấp, như: Đông trùng hạ thảo, các loại nấm có giá trị dinh dưỡng cao… tại trang trại riêng của The Hải Yến trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn vừa qua, các sản phẩm của trang trại nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Đây là động lực để The Hải Yến tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, để các sản phẩm của mình sẽ đến được nhiều thị trường, được khách hàng trong và ngoài nước biết tới, lựa chọn nhiều hơn trong thời gian đến.
Đ.LÂM (Ghi)
Ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh:
Hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển sản xuất, kinh doanh
Năm 2022, trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn, công ty vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan, ước đạt hơn 320 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu đạt 4,2 triệu USD. Đạt được điều này là nhờ công ty đã chủ động lên kế hoạch, dự báo được những khó khăn và tập trung chiến lược kinh doanh những mặt hàng xuất khẩu sang các nước, vùng lãnh thổ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia... Khi tình hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cuộc chiến Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng toàn cầu…, công ty đã nghiên cứu và phân tích nhu cầu hàng hóa thức ăn chăn nuôi của các nước nhằm đưa ra quyết sách và chiến lược kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, Chính phủ, UBND tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ rất thiết thực cho các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giúp đơn vị ổn định chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động.
Hiện nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, Chính phủ, UBND tỉnh cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ tiền lương, giảm và giãn các khoản đóng bảo hiểm, hỗ trợ lãi suất ngân hàng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, các ngành và các tỉnh, thành để tạo sự hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng và tăng cường chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, UBND tỉnh cần tạo điều kiện và hỗ trợ việc tổ chức các hội chợ, hội nghị quốc tế tại Khánh Hòa; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi; đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần phát triển đồng bộ các loại thị trường: Tài chính, chứng khoán, khoa học, công nghệ, lao động để giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào, giải quyết các vấn đề đầu ra… Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị triển lãm, xúc tiến thương mại, du lịch, hiệp hội trong và ngoài nước...
VĂN GIANG (Ghi)