Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,52% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1-2023 tăng 4,89%.
So với tháng trước, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng (bưu chính viễn thông) giữ giá ổn định. Cụ thể, trong 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 1,39% (làm CPI chung tăng 0,13%). Tháng 1, giá xăng tăng 2,31%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 1,66%; thuốc hút tăng 0,71%; đồ uống không cồn tăng 0,49%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% (tác động làm CPI chung tăng 0,27%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%, tập trung ở giá nhóm đồ trang sức, dịch vụ cắt tóc, gội đầu, dịch vụ chăm sóc cá nhân. Ngoài ra, tháng 1 là mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,7%. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng kéo giá các mặt hàng này tăng 0,69%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62% do nhu cầu mua sắm quần áo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão tăng. Các nhóm tăng nhẹ là văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.
Ở chiều ngược lại, 2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng. Giá dịch vụ giáo dục và giá gas giảm đã kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 1-2023. Đây là nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
T.K