Người dân mong lắp đặt thêm trụ ATM

Thứ hai - 20/02/2023 18:35
Qua các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, người dân ở các xã thuộc 3 huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh và Cam Lâm đã kiến nghị ngành Ngân hàng lắp đặt thêm trụ ATM để thuận lợi cho việc giao dịch ở vùng nông thôn. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Người dân mong lắp đặt thêm trụ ATM

Qua các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các cấp, người dân ở các xã thuộc 3 huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh và Cam Lâm đã kiến nghị ngành Ngân hàng lắp đặt thêm trụ ATM để thuận lợi cho việc giao dịch ở vùng nông thôn.


Kiến nghị lắp đặt thêm trụ ATM


Là chủ của cơ sở sản xuất, kinh doanh gạo, ông Nguyễn Xuân Trường (thôn Láng Nhớt, xã Diên Tân, Diên Khánh) thường giao dịch với khách hàng thông qua hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, khi thu mua gạo của người dân, trả công cho người lao động, ông vẫn phải sử dụng tiền mặt. Do đó, khoảng một tuần một lần, ông phải đi gần 10km đến trụ ATM ở xã Diên Phước để rút tiền. Ông Trường cho biết: “Vào những ngày cuối tuần hoặc dịp cao điểm lễ, Tết, người dân đi rút tiền rất đông. Nhiều lúc chờ quá lâu, tôi phải chạy đến thị trấn Diên Khánh để rút tiền”. Theo lãnh đạo xã Diên Xuân (Diên Khánh), qua các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, người dân cũng nhiều lần kiến nghị ngân hàng xem xét lắp đặt thêm trụ ATM. Vì hiện nay, số lượng người dân đi làm công nhân và bộ phận cán bộ, viên chức nhà nước đều trả lương qua tài khoản. Trong khi trên địa bàn xã không có trụ ATM nên người dân phải đến xã Diên Phước để rút tiền, khá bất tiện.  

 

Người dân rút tiền tại trụ ATM ở thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Thế Tài

Người dân rút tiền tại trụ ATM ở thị trấn Khánh Vĩnh. Ảnh: Thế Tài


Ngoài cử tri của Diên Khánh, tại các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp, cử tri Khánh Vĩnh (cụm cánh Bắc và cụm cánh Tây), các xã phía tây Cam Lâm cũng kiến nghị việc lắp đặt điểm ATM để phục vụ nhu cầu của người dân.


Cần đảm bảo an ninh và tính hiệu quả


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khánh Hòa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 38 chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) và 4 quỹ tín dụng nhân dân, trong đó có 34/38 chi nhánh TCTD đã trang bị 318 máy ATM và 3.640 máy POS. Khi xem xét quyết định lắp đặt máy ATM, các TCTD căn cứ vào nhiều tiêu chí về hiệu quả kinh tế; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ATM, như: chi phí đầu tư 1 trụ máy ATM khá lớn (khoảng 1 tỷ đồng), nhu cầu giao dịch của khách hàng; số lượng khách hàng trả lương qua tài khoản; số lượng thẻ lưu hành trên địa bàn; số lượng khách hàng đến giao dịch tại máy ATM; tình hình an ninh, an toàn tại nơi lắp đặt; chiến lược kinh doanh, hiệu quả kinh doanh khi lắp đặt máy… Đồng thời, việc đề xuất lắp đặt máy phải được phê duyệt của hội sở chính (các chi nhánh TCTD không tự quyết định). Theo khảo sát, số lượng thẻ lưu hành trên địa bàn các huyện và số lượng khách hàng đến giao dịch tại máy ATM dao động từ 170 đến 270 lượt giao dịch/máy/ngày. Do đó, mật độ phân bổ ATM của các chi nhánh TCTD tại 3 huyện: Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm như hiện nay cơ bản phù hợp. Địa bàn xã Diên Xuân; các xã thuộc cụm cánh Bắc, cụm cánh Tây của Khánh Vĩnh và các xã phía tây Cam Lâm lại cách khá xa trung tâm nên rất khó khăn cho công tác giám sát an ninh, an toàn hoạt động máy ATM và tiếp quỹ ATM.


Ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, NHNN không có thẩm quyền can thiệp trực tiếp vào việc lắp đặt ATM của các TCTD; việc lắp đặt, vị trí đặt máy ATM do các TCTD quyết định và tự chịu trách nhiệm. NHNN Khánh Hòa đã chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên lắp đặt thêm ATM tại các nơi cử tri kiến nghị khi ngân hàng hội đủ điều kiện; đồng thời mở rộng mạng lưới thanh toán tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm mở rộng khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, trong quý III/2022, Agribank chi nhánh Khánh Hòa đã lắp đặt thêm 1 máy ATM tại thị trấn Khánh Vĩnh nâng tổng số máy ATM đặt tại địa bàn Khánh Vĩnh lên 2 máy; Diên Khánh hiện có 17 máy ATM; huyện Cam Lâm có 15 máy ATM để phục vụ nhu cầu giao dịch của khách hàng.


Thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã liên tục triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán với nhiều tiện ích cho người dân. Ngoài hình thức thanh toán thẻ qua POS, các dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại đang ngày càng đáp ứng đa dạng nhu cầu giao dịch của khách hàng, như: E-Mobile Banking, Internet Banking, Mã thanh toán VietQR, liên kết tài khoản với nhiều loại ví điện tử (như: MoMo, VNpay, Moca…). Khách hàng có thể dễ dàng chuyển khoản và nhận tiền qua tài khoản một cách nhanh chóng, được hưởng nhiều ưu đãi khi thanh toán qua các phần mềm và các ví điện tử này. Đặc biệt, thời gian qua đã triển khai dịch vụ Mobile Money - đây là dịch vụ thanh toán nhỏ lẻ, tiện lợi dành cho khách hàng khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không cần có tài khoản ngân hàng mà chỉ cần có sóng điện thoại.

 

Ông ĐỖ TRỌNG THẢO - Phó Giám đốc Phụ trách NHNN Chi nhánh Khánh Hòa: Ngành ngân hàng Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người dân tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tích cực sử dụng các dịch vụ thanh toán ngân hàng hiện đại nhằm giảm tải lượng giao dịch rút tiền tại các máy ATM. Qua đó, góp phần tiếp tục hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo chủ trương của Chính phủ.


MAI HOÀNG

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp