Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Cần rốt ráo khắc phục tồn tại

Thứ tư - 22/02/2023 16:37
Ngày 22-2, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị tổng kết, đánh giá công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đánh giá những tồn tại cần khắc phục nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công: Cần rốt ráo khắc phục tồn tại

Ngày 22-2, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị tổng kết, đánh giá công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đánh giá những tồn tại cần khắc phục nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu kết luận.
Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu tại hội nghị.


Giải ngân đạt 91,6%


Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 3.919 tỷ đồng vốn đầu tư công; UBND tỉnh đã phân bổ vốn thực tế hơn 3.564 tỷ đồng. Đến ngày 31-1-2023 (thời gian kết thúc năm giải ngân vốn), so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt 83,3%; so với kế hoạch vốn được UBND tỉnh giao thực tế đạt 91,6%.

 

So với năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn của năm 2022 thấp hơn 5,5% (năm 2021 đạt 97,1%). Theo đó, có 27 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung toàn tỉnh. Đặc biệt, 7 đơn vị, gồm: Sở Nội vụ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng và công trình giao thông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Trường Sa và Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa đạt tỷ lệ giải ngân 100%. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn tới 14 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân chung, trong đó có 2 đơn vị giải ngân chưa tới 10%.


Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chưa cao là do lập Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm nên một số dự án phải tạm dừng triển khai; nguồn tiền thu sử dụng đất ở một số địa phương không đạt, ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn. Đối với các dự án sử dụng vốn ODA, vốn Trung ương thì việc cấp phát vốn bị chậm. Về nguyên nhân chủ quan, một số dự án được bố trí kế hoạch vốn lớn trong năm 2022, nhưng vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân. Bên cạnh đó, mặc dù chính quyền các cấp đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo đối với công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh, song công tác kiểm đếm, thẩm định và phê duyệt đơn giá, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án vẫn còn chậm, kéo dài thời gian nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

 

Thi công Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.

Thi công Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.


Khắc phục những tồn tại, tháo gỡ vướng mắc


Để tạo thuận lợi cho việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương kiến nghị UBND tỉnh cần tháo gỡ kịp thời các vướng mắc. Trong đó, tỉnh cần sớm bố trí vốn để triển khai các dự án; quan tâm hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, cần có sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các địa phương để sớm bàn giao mặt bằng phục vụ dự án. “Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh có 8 dự án hoàn thành giải ngân 100% vốn, nhưng chỉ riêng Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Nha Trang vướng giải phóng mặt bằng, giải ngân không theo dự kiến đã khiến cho tỷ lệ giải ngân của đơn vị bị kéo xuống thấp. Nếu năm 2023, vấn đề này không được tháo gỡ thì chủ đầu tư rất khó khăn trong việc hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn” - ông Hồ Tấn Quang - Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển tỉnh cho hay.


Ông Văn Ngọc Hường - Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh kiến nghị: “Năm 2023, kiến nghị Trung ương và tỉnh giải ngân vốn ngay từ đầu năm, nhất là vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Vốn cho các chương trình này thường phân bổ giữa năm, thậm chí gần cuối năm đã gây rất nhiều khó khăn cho địa phương. Bởi khi địa phương nhận được vốn thời gian quá gấp, lúc đó lại vào mùa mưa không thuận lợi để thực hiện các dự án”.


Ông Lê Hữu Hoàng kết luận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các nghị quyết của Trung ương về phát triển tỉnh Khánh Hòa. Ông yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh tham mưu cho tỉnh các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện đầu tư công năm 2023. Các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường phối với các địa phương thực hiện thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất nhanh nhất để Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh có thể phê duyệt sớm. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa rà soát các quy định của các bộ, ngành Trung ương về việc thanh toán khối lượng qua kho bạc, kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhằm tháo gỡ các vướng mắc.

 

Ông LÊ HỮU HOÀNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Năm 2023, tỉnh cần khắc phục thủ tục phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đối với công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần khắc phục tình trạng chưa chủ động trong thực hiện kiểm đếm, tái định cư. Các địa phương, đơn vị cũng cần đẩy nhanh tiến độ trình hồ sơ phê duyệt các dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau khi có khối lượng xây dựng phải đẩy nhanh việc thanh, quyết toán, không để dồn vào cuối năm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung.

_______________________________________


Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 6.814 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hơn 3.617 tỷ đồng, vốn từ nguồn bội chi hơn 1.219 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ gần 1.725 tỷ đồng, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài gần 253 tỷ đồng. Theo đó, cấp tỉnh sẽ quản lý hơn 5.882 tỷ đồng, cấp huyện quản lý 932 tỷ đồng.


ĐÌNH LÂM




 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp