Dự án hệ thống tưới sau hồ Sông Chò 1: Sẽ "giải hạn" cho Ninh Hòa và Khánh Vĩnh

Thứ năm - 23/02/2023 15:38
Sau khi hồ chứa nước Sông Chò 1 (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) đi vào vận hành, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng một hệ thống đường ống để đưa nước tới những vùng sản xuất nông nghiệp của thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Sau khi hồ chứa nước Sông Chò 1 (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) đi vào vận hành, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng một hệ thống đường ống để đưa nước tới những vùng sản xuất nông nghiệp của thị xã Ninh Hòa và huyện Khánh Vĩnh. Điều này sẽ tạo điều kiện hình thành nên những vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng và hiệu quả.


Điều chỉnh phù hợp


Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, hồ chứa nước Sông Chò 1 dự kiến tích nước vào cuối năm 2023 sẽ là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh với dung tích hơn 109 triệu m3. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng một hệ thống thủy lợi hiện đại, khép kín ở phần hạ lưu hồ. Theo kế hoạch ban đầu, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư hồ chứa nước, ngân sách tỉnh sẽ đầu tư hệ thống thủy lợi phía sau hồ. Năm 2017, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống tưới sau hồ Sông Chò 1. Tuy nhiên, năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án dẫn nước từ hồ Sông Chò 1 bằng đường ống cấp cho hồ Suối Dầu và hồ Cam Ranh. Do đó, tỉnh thay đổi nhiệm vụ dự án, đó là xây dựng hệ thống thủy lợi đưa nước về Khánh Vĩnh và Ninh Hòa.

 

Lòng hồ chứa nước Suối Trầu ở Ninh Hòa thường xuyên khô cạn, thành nơi chăn thả trâu bò.

Lòng hồ chứa nước Suối Trầu ở Ninh Hòa thường xuyên khô cạn, thành nơi chăn thả trâu bò.


Theo đó, đường ống đưa nước về Khánh Vĩnh đảm bảo tưới chủ động cho khoảng 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp, cũng như các mục đích sử dụng nước khác như: sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp… cho các xã Khánh Bình, Khánh Hiệp và Khánh Đông. Đường ống dẫn nước về vùng tưới Ninh Hòa sẽ dẫn nước về suối Nhà Chay (thượng lưu đập Đồng Tròn) và thượng lưu của hồ Suối Trầu, đảm bảo tưới cho 2.500ha cây trồng ở các xã: Ninh Quang, Ninh Bình, Ninh Lộc, Ninh Xuân, Ninh Tân và Ninh Hưng.


Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, hệ thống đưa nước về vùng Khánh Vĩnh sẽ bao gồm 8,42km kênh chính và hơn 13km kênh nhánh cấp 1 bằng bê tông cốt thép; hơn 20km đường ống chính, gần 8,2km ống cấp 1 và hơn 15km ống cấp 2 bằng chất liệu HDPE sẽ được xây dựng, lắp đặt. Phía Ninh Hòa, hệ thống đường ống bằng thép và HDPE dài khoảng 4,4km sẽ tiếp nước cho thượng lưu hồ Suối Trầu và suối Nhà Chay. Tổng mức đầu tư dự án này hơn 472 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2023-2026.


Cần tính toán phát triển vùng chuyên canh


Trong cuộc họp mới đây với các sở, ngành, địa phương liên quan về dự án hệ thống tưới sau hồ chứa nước Sông Chò 1, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất điều chỉnh của dự án, đồng thời lưu ý các địa phương về việc hình thành và phát triển các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi nhằm phát huy tối đa hiệu quả công trình.


Qua tìm hiểu của chúng tôi, hồ Suối Trầu ở Ninh Hòa với dung tích gần 10 triệu m3 là hồ chứa có diện tích rộng, nước dễ bay hơi vào mùa khô hạn. Đồng thời, hồ chứa này gần như không có nguồn sinh thủy, xung quanh chủ yếu là đồng bằng, chỉ cần nắng nóng một thời gian ngắn, hồ sẽ thiếu nước. Vào mùa nắng hạn, hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp hưởng lợi từ công trình này phải thay đổi lịch thời vụ hoặc tính toán ngưng sản xuất. Tương tự, đập dâng Đồng Tròn lấy nguồn nước từ suối Nhà Chay cũng nhạy cảm với điều kiện thời tiết khô hạn. 2 hệ thống này hiện mới chủ yếu phục vụ nước tưới cho khoảng 730ha lúa/vụ, nhưng nguồn nước thiếu ổn định, đơn vị quản lý, vận hành phải thường xuyên tính toán, cắt giảm diện tích tưới. Theo lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, ngoài việc phục vụ tưới lúa, việc đầu tư hệ thống dẫn nước tạo nguồn cho hồ Suối Trầu và đập dâng Đồng Tròn sẽ tạo điều kiện cho người dân vùng hưởng lợi chủ động về nước tưới, từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Tương tự, các xã Khánh Đông, Khánh Bình và Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh) là vùng trọng điểm về cây bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả khác như: cam, quýt. Nơi đây còn là thủ phủ của chăn nuôi quy mô lớn với các trang trại nuôi heo, bò lên tới hàng nghìn con mỗi trại. Việc chủ động nước sẽ là điều kiện tiên quyết để vùng đất này phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn nữa.


Theo ông Đinh Văn Thiệu, dự án phục vụ cho vùng khó khăn về nước tưới của Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, cần thiết phải đầu tư, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan cần tính toán xây dựng dự án phù hợp với quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, cơ sở hạ tầng; xây dựng chi tiết các phương án quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi này nhằm phát huy tối đa hiệu quả của công trình. Ông yêu cầu các đơn vị, địa phương hoàn tất đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trước ngày 10-3, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong kỳ họp vào tháng 3 tới.


Hồng Đăng
 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp