Với tình hình lưới điện Ninh Thuận - Khánh Hòa tách rời nhau gây khó khăn trong vận hành, cung cấp điện cho khu vực, một nhóm kỹ thuật của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (PCKH) đã đề xuất giải pháp lắp đặt hệ thống đo đếm, giao nhận điện năng tại khu vực giáp ranh.
Đề xuất lắp đặt hệ thống đo đếm giao nhận điện
Giải pháp “Thiết lập và thực hiện phương án lắp đặt hệ thống đo đếm giao nhận điện năng ranh giới giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận” của nhóm tác giả, do Thạc sĩ Tạ Quang Khánh đứng đầu đã đoạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Khánh Hòa lần thứ 9 (2020 - 2021) vừa qua.
Thạc sĩ Khánh cho biết, lưới điện của PCKH thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung, phía nam do Điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn quản lý. Khu vực này lưới điện hình tia, cụt, không có hỗ trợ kết nối liên lạc với các nguồn khác. Trong khi đó, điểm giáp ranh với lưới điện của Công ty Điện lực Ninh Thuận (PCNT) lại thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Nam quản lý. Hai hệ thống này vận hành tách rời nhau, không có liên lạc cho dù ở khu vực giáp ranh và tại những vị trí lưới điện giao chéo nhau.
Việc lưới điện nam Khánh Hòa (thuộc tuyến 474 NCR) vận hành độc lập không có hỗ trợ liên lạc cấp nguồn khi có sự cố trạm 110kV Nam Cam Ranh, hoặc có công tác mà gây mất điện tuyến 474 NCR thời gian dài hay cần truyền tải công suất từ tuyến 476 NH (PCNT) ra hướng Khánh Hòa và ngược lại thì không thể thực hiện được. Mặt khác, khi mất điện của tuyến 474 NCR đã gây mất công suất phụ tải khoảng 6MW với số lượng hơn 8.000 khách hàng. Đặc biệt, phía PCNT là tuyến 476 NH có bán kính cấp điện quá lớn (hơn 50km), phụ tải cuối tuyến xa nguồn nên điện áp không đảm bảo tiêu chuẩn, trong khi phía PCNT chưa có chủ trương đầu tư trạm biến áp 110kV mới ở khu vực các huyện: Thuận Bắc, Ninh Hải.
Với tình hình đó, nhóm tác giả đã đề xuất và được PCKH chấp nhận cho lập phương án đầu tư lắp đặt hệ thống đo đếm giao nhận sản lượng điện năng tại điểm giáp ranh giữa PCKH và PCNT, bao gồm: 1 hệ thống đo đếm giao nhận điện năng chính, 1 hệ thống đo đếm giao nhận điện năng dự phòng, cùng hệ thống các thiết bị đóng cắt, bảo vệ kèm theo...
Làm lợi hơn 1,3 tỷ đồng
Do liên quan đến ranh giới giữa Tổng Công ty Điện lực miền Trung và Tổng Công ty Điện lực miền Nam nên các trình tự phê duyệt mất nhiều thời gian (thời gian từ lúc đề xuất đến lúc hoàn thành mất gần 1 năm). Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các đơn vị liên quan phê duyệt, PCKH vẫn thực hiện các khâu khảo sát, lập phương án thi công và mua sắm trang thiết bị cho dự án. Hạng mục công trình này được đầu tư từ năm 2019, hoàn tất các thủ tục đóng điện, nghiệm thu đưa vào vận hành từ tháng 6-2020.
Từ khi thực hiện giải pháp này, lưới điện nam Khánh Hòa và bắc Ninh Thuận đã được thiết lập nguồn hỗ trợ chắc chắn, tin cậy và linh hoạt với công suất truyền tải qua điểm ranh giới khoảng 6MW. Mặt khác, việc quản lý, vận hành ổn định, thuận lợi, an toàn, góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho phía nam Khánh Hòa và khắc phục được các tồn tại trước đây.
Theo đánh giá của Thạc sĩ Khánh, việc kết nối lưới điện Khánh Hòa - Ninh Thuận đã tạo ra mạch vòng liên kết, bổ sung nguồn điện kịp thời, hỗ trợ cho nhau giữa 2 đơn vị; khắc phục, xử lý triệt để tình trạng đứt liên lạc, không có nguồn hỗ trợ cấp điện cho khách hàng đối với lưới điện khu vực nam Khánh Hòa và bắc Ninh Thuận; hạn chế tối đa thời gian mất điện, nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng đối với ngành Điện… Ước tính trị giá làm lợi hơn 1,3 tỷ đồng (2 phía). Hiện nay, sau khi kết nối, PCNT cũng đã cải tạo toàn bộ lưới điện tuyến 476 NH lên dây đồng bộ với dự án và lưới điện phía Khánh Hòa, đảm bảo khả năng truyền tải công suất tối đa...
V.L