Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Chủ nhật - 28/11/2021 18:10
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá hình thức chăn nuôi tại Khánh Hòa có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn khá nhỏ; khâu giết mổ gia súc, gia cầm cần được quan tâm hơn.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phùng Đức Tiến đánh giá hình thức chăn nuôi tại Khánh Hòa có sự thay đổi tích cực. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi còn khá nhỏ; khâu giết mổ gia súc, gia cầm cần được quan tâm hơn.


Chăn nuôi quy mô trang trại chiếm 80%


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh khá ổn định, một số ổ dịch nhỏ xuất hiện trên đàn vật nuôi nhưng đã được khống chế kịp thời, không để lây lan diện rộng. Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 64.000 con trâu bò, 350.000 con heo, 2,58 triệu con gia cầm. Quy mô chăn nuôi này đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và một phần cung cấp ngoài tỉnh.

 

Đoàn công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại Khánh Hòa.

Đoàn công tác kiểm tra tình hình chăn nuôi heo tại Khánh Hòa.


Đáng chú ý, trong những năm qua, hình thức chăn nuôi đã có sự chuyển dịch theo hướng rất tích cực. Toàn tỉnh hiện có 410 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, 31 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 250 trang trại quy mô vừa và 129 trang trại quy mô nhỏ. So với chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi theo quy mô trang trại đòi hỏi khắt khe hơn về các điều kiện an toàn chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường…


Bên cạnh sự chuyển dịch hình thức chăn nuôi, việc phát triển, cải tạo giống vật nuôi tại Khánh Hòa cũng là một trong những điểm sáng được đoàn công tác Bộ NN-PTNT đánh giá cao. Đến nay, Khánh Hòa có hơn 65% đàn bò đã được lai Zebu; 100% heo đực giống, heo nái giống tại các trang trại chăn nuôi là các giống cao sản như: Duroc, Yorshire, Landrace… Hàng năm, cung ứng trên 350.000 con giống thương phẩm cho thị trường. Với chăn nuôi gà, ngoài các giống gà công nghiệp hướng thịt và hướng trứng ở trang trại chăn nuôi công nghiệp, Khánh Hòa còn có giống gà địa phương (gà Ri Ninh Hòa), chủ yếu được phân phối thông qua Công ty TNHH Giống gia cầm Phùng Dầu Sơn với hơn 5 triệu con giống mỗi năm cung cấp cho thị trường.


Cần chiến lược dài hơi


Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, dân số Khánh Hòa hiện tại khoảng 1,4 triệu người, với quy mô chăn nuôi như hiện nay cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tới đây, Khánh Hòa được định hướng phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương với quy mô dân số hơn 2 triệu người, việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho quy mô dân số này, trong đó có phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là vấn đề cần được tính toán ngay từ bây giờ. Hình thức chăn nuôi tại Khánh Hòa có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ quy mô nông hộ sang trang trại, nhưng tổng đàn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng cũng như đòi hỏi thực tế trong tương lai gần. Tới đây, Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Khánh Hòa tập trung triển khai chiến lược chăn nuôi của tỉnh dựa trên cơ sở Quyết định 1520 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm chủ động trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân. Mặt khác, đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa có khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt chuẩn theo quy định, trong khi nhiệm vụ này đã được đặt ra cho các ngành, địa phương từ rất nhiều năm trước…


Tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu các ý kiến, đề nghị của đoàn công tác trong việc phát triển chăn nuôi; quyết tâm đầu tư khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trong thời gian tới để vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh...


Hồng Đăng

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp