Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Phát triển rộng khắp

Thứ tư - 04/01/2023 19:19
Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xuất hiện nhiều tấm gương nông dân nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Các cấp Hội Nông dân (HND) đã làm tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành với hội viên, nông dân. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi: Phát triển rộng khắp

Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xuất hiện nhiều tấm gương nông dân nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Các cấp Hội Nông dân (HND) đã làm tốt vai trò hỗ trợ, đồng hành với hội viên, nông dân.


Nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi


Với hơn 70ha đất trồng cây mía đường, xà cừ, keo lá tràm, sản xuất lúa, 4 chiếc xe tải lớn, 2 máy cày đại cung cấp dịch vụ nông nghiệp cho nông dân trong vùng, mỗi năm, ông Phan Kiến Nghĩa (xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa) thu nhập từ 1,5 đến 1,8 tỷ đồng. Có được kết quả đó, ngoài bản thân không ngừng học hỏi, nỗ lực lao động, sản xuất kinh doanh, ông còn được các cấp HND hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh các loại cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi kinh tế ổn định, gia đình ông đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội; mỗi năm giúp đỡ từ 5 đến 7 hộ nghèo bằng cách tạo việc làm có thu nhập ổn định, hỗ trợ cây, con giống để chăn nuôi, giúp đỡ vốn để mua công cụ sản xuất… Năm 2022, ông Phan Kiến Nghĩa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2022.

 

Hội Nông dân tỉnh trao sinh kế cho nông dân khó khăn ở Khánh Vĩnh.

Hội Nông dân tỉnh trao sinh kế cho nông dân khó khăn ở Khánh Vĩnh.


Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch HND tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có gần 65.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua phong trào đã xuất hiện nhiều gương nông dân, mô hình liên kết, hợp tác, chất lượng, quy mô hiệu quả sản xuất kinh doanh được nhân rộng. Chẳng hạn như mô hình trồng nấm đạt chuẩn VietGAP ở xã Ninh Hưng, vỗ béo bò ở xã Ninh Thọ, sản xuất snack nấm bào ngư của ông Nguyễn Hữu Lộc ở phường Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa); nuôi heo thương phẩm của ông Mang Thấn ở xã Cam Thịnh Tây, nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm công nghệ cao của ông Lê Văn Lương và trồng dưa lưới của ông Nguyễn Hoàng Hiệp ở phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh)...


Tạo điều kiện về vốn, trang bị kiến thức


Ông Lê Quốc Toàn - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, trong năm 2022, nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng trưởng hơn 8,2 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn quỹ này lên hơn 84,8 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đến nay, đã giải ngân cho 197 dự án với hơn 2.600 hộ vay. Nguồn vốn được sử dụng, quản lý đúng quy định, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi làm ăn có hiệu quả, không có nợ quá hạn phát sinh. Ngoài ra, các cấp hội tiếp tục phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên, nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh hơn 1.309 tỷ đồng, tăng hơn 119 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31-12-2021; dư nợ tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa gần 403 tỷ đồng. Các chỉ số về nợ quá hạn đều nằm trong giới hạn kiểm soát.


Đối với công tác đào tạo nghề, các cấp hội đã khảo sát nắm bắt nhu cầu của hội viên, nông dân, từ đó định hướng việc dạy nghề đúng với nhu cầu thực tế. Năm qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp HND tỉnh đã tổ chức đào tạo 15 lớp nghề về thú y, kỹ thuật trồng cây ăn quả, cây lương thực, trồng nấm, hoa và chăm sóc cây cảnh cho 478 hội viên. Ngoài ra, HND các cấp phối hợp với các ngành và đơn vị dạy nghề trong tỉnh tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. “Điều đáng mừng là sau học nghề, có hơn 85% học viên tự tạo việc làm bằng cách tự tổ chức sản xuất hoặc liên kết nông dân thành tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, thành lập hợp tác xã, tạo đầu ra ổn định, được tiếp cận nguồn vốn vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, các ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm bền vững” - ông Lê Quốc Toàn cho biết.


Không chỉ hỗ trợ về vốn và trang bị cho hội viên kiến thức, kỹ năng xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, trong năm 2022, có 110/125 cơ sở hội có tổ chức cung ứng dịch vụ giống, vật tư phục vụ sản xuất cho hội viên. Qua đó, đã cung ứng hơn 950 tấn phân bón, 150 thiết bị, máy móc nông nghiệp, thủy sản, hơn 15 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 550 tấn giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và nhiều loại vật tư nông nghiệp khác.


Bà Hà Hồng Hạnh cho biết, năm 2023, cùng với các nhiệm vụ thường xuyên, các cấp HND tiếp tục đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của mỗi hội viên, nông dân; phát động nhiều phong trào thi đua thiết thực nhằm chào mừng Đại hội HND các cấp; xây dựng thêm 27 tổ hợp tác, hợp tác xã; phấn đấu 100% huyện, thị, thành hội, cơ sở hội tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân có hiệu quả...


Hồng Đăng

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp