Các nhà thầu đang nỗ lực huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ dự án trồng cây xanh dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp (TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh). Dự kiến quý II-2023, dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Đường Võ Nguyên Giáp có chiều dài toàn tuyến 9,9km, được chia làm 2 đoạn: Đoạn từ đầu tuyến đến mố cầu sông Quán Trường dài hơn 1km, lộ giới 22,5m, mặt đường rộng 14,5m, vỉa hè mỗi bên 4m; đoạn từ cầu sông Quán Trường đến cuối tuyến lộ giới 60m, mặt đường mỗi bên 13,75m, vỉa hè mỗi bên 7m, đất dự phòng 18,5m. Tổng mức đầu tư dự án đường Võ Nguyên Giáp hơn 1.400 tỷ đồng.
Khi thiết kế công trình đường Võ Nguyên Giáp, chủ đầu tư dự án đề xuất để lại một phần diện tích đất ở giữa công trình làm đất dự phòng bởi kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, lưu lượng phương tiện dự báo tăng lên nhanh chóng. Về lâu dài, nếu lưu lượng phương tiện tăng cao, địa phương có thể dùng phần đất dự phòng để mở rộng đường, không phải mất công giải phóng mặt bằng thêm lần nữa.
Dự án đường Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 2-2018, giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, giảm tải cho đường 23-10; đồng thời, thúc đẩy sự phát triển về phía tây TP. Nha Trang. Đây cũng là tuyến đường giao cắt với Quốc lộ 1, cửa ngõ vào trung tâm TP. Nha Trang. Tuy nhiên, 3 năm qua, dải đất dự phòng ở giữa đường vẫn chưa được cải tạo cảnh quan, để cỏ mọc um tùm, mất mỹ quan đô thị.
Tháng 7-2021, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt dự án trồng cây xanh dải phân cách đường Võ Nguyên Giáp nhằm phủ xanh phần dải phân cách giữa, tạo môi trường sinh thái cho tuyến đường trục chính đi vào trung tâm thành phố. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 85 tỷ đồng.
Nhà thầu sẽ tổ chức thi công san nền, đất đắp cơ bản thấp hơn phần làn xe chạy 40 đến 75cm để tạo thoát nước; có thay đổi cục bộ tạo dốc thấp hoặc cao hơn mặt đường để tạo phối cảnh. Cây xanh được bố trí thành 3 tầng, cây cao ở giữa, thấp dần ra ngoài mép đường, dải 5,5m sát mép đường trồng cỏ hoặc cây hoa thấp. Các loại cây lựa chọn trồng là: Dầu rái, sao đen, gõ mật, giáng hương, me tây, sọ khỉ, phượng vàng, bằng lăng kiểng… Theo phương án thiết kế, dự án sẽ có cổng chào ở điểm đầu tuyến với điểm nhấn là các biểu tượng đặc trưng vùng đất Khánh Hòa.
Hiện nay, có 4 mũi thi công được các nhà thầu tổ chức triển khai dọc tuyến đường với hàng chục phương tiện máy móc như: máy xúc, ủi, trộn bê tông… cùng hàng chục công nhân đang lao động trên công trường. Các nhà thầu đã đào đắp được hơn 9.000m3; tổ chức đổ bê tông lót móng đá được hơn 308m3; ép cọc ống bê tông cốt thép dự ứng lực gần 490m; lắp đặt ống nhựa HDPE cấp điện được hơn 3.800m. Tiến độ thi công đổ đất nền trồng cây khối lượng đạt khoảng 60%. Kế hoạch giao vốn năm 2022 của UBND tỉnh cho dự án là 50 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được gần 23 tỷ đồng, đạt 45,8%.
Ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (chủ đầu tư) cho biết, sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án, ban đã tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu. Tháng 2-2022, dự án bắt đầu được triển khai. Hiện nay, các nhà thầu đang tổ chức san lấp, tạo mặt bằng chuẩn bị cho việc trồng cây xanh. Dự kiến trong quý II-2023, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác.
THÀNH NAM