Trong quá trình triển khai thực hiện, Luật Quy hoạch năm 2017 còn nhiều bất cập đã ảnh hưởng đến tất cả các mặt kinh tế - xã hội. Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã rà soát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành nhằm kiến nghị Quốc hội kịp thời sửa đổi.
Ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch tỉnh
Ngay từ khi Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị quyết số 11 ngày 5-2-2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch ban hành, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Công tác lập quy hoạch tỉnh được triển khai thực hiện theo đúng quy trình thủ tục, đạt yêu cầu về mặt chất lượng. Tuy nhiên, thời gian hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch kéo dài do Trung ương chậm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch.
Báo cáo của UBND tỉnh nêu rõ: Theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm b, khoản 5, Nghị quyết 11 ngày 5-2-2018 thì “các địa phương tập trung nguồn lực tổ chức lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31-12-2020”. Tuy nhiên, việc Trung ương chậm ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh. Nhiều khái niệm, phương pháp, cách thức tiếp cận mới được đặt ra trong Luật Quy hoạch nhưng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện chưa quy định chi tiết. Do đó, trong quá trình thực hiện, địa phương phải mất nhiều thời gian tìm hiểu và lúng túng trong quá trình tổ chức lập quy hoạch.
Hiện nay, UBND TP. Nha Trang đang lập, điều chỉnh 15 đồ án quy hoạch phân khu, 10 đồ án quy hoạch chi tiết và 1 đồ án quy hoạch nông thôn mới (điều chỉnh thành quy hoạch đô thị). UBND huyện Cam Lâm đang lập đồ án vùng huyện Cam Lâm đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Cam Đức và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu đô thị Suối Tân; đồng thời lập đồ án Quy hoạch chi tiết chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thị trấn Cam Đức. Sở Xây dựng đang lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040. UBND TP. Cam Ranh đang thực hiện lập điều chỉnh 15 đồ án quy hoạch đô thị. |
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, 4, 5, Điều 10 Luật Quy hoạch năm 2017 thì Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các cơ chế, chính sách nêu trên vẫn chưa được Trung ương ban hành. Vì vậy, việc huy động nguồn lực, nhân lực của xã hội tài trợ, tham gia công tác lập quy hoạch chưa thể đẩy mạnh. Luật Quy hoạch quy định: Dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh là một nội dung thuộc nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh; thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh thuộc Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, việc thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh thuộc thẩm quyền của địa phương. Vấn đề này đã gây ra sự chậm trễ trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch tỉnh.
Những bất cập của Luật Quy hoạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ công tác lập quy hoạch tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 11. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 119 ngày 27-9-2021 của Chính phủ, yêu cầu quy hoạch tỉnh phải hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31-12-2022 nên tiến độ đang đạt yêu cầu.
Sẽ kiến nghị giải quyết những bất cập
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thân - đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017 quá phức tạp và còn nhiều bất cập. Sau khi luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, hiện nay có 66 luật và 7 pháp lệnh đang phải sửa đổi theo. Chính vì vậy, cần phải xem lại cách sửa luật và ban hành luật.
Ông Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, hiện nay, việc lập quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn còn nhiều tồn tại, chất lượng quy hoạch chưa đảm bảo, chưa bám sát thực tiễn phát triển, tầm nhìn còn ngắn hạn, chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất. Nguyên nhân là do Luật Quy hoạch năm 2017 chưa được hướng dẫn cụ thể, chưa có sự chuẩn bị kỹ về cơ sở pháp lý, công cụ dưới luật. Bên cạnh đó, nhiều quy định trong Luật Quy hoạch còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhiều luật khác ban hành trước đó. Đến nay, so với yêu cầu của Luật Quy hoạch, vẫn còn nhiều văn bản dưới luật chưa được điều chỉnh. Đoàn Đại biểu Quốc tỉnh tỉnh sẽ ghi nhận các bất cập, tiếp thu ý kiến của UBND tỉnh, HĐND tỉnh, các sở, ngành và địa phương để tổng hợp, kiến nghị Quốc hội trong kỳ họp sắp tới nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết bất cập, tạo điều kiện cho tỉnh trong việc lập các quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội.
VĂN KỲ