UBND TP. Nha Trang đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ, phục hồi rạn san hô nói riêng, hệ sinh thái vịnh Nha Trang nói chung.
Bảo vệ rạn san hô khu vực Hòn Chồng
Chị Đàm Ngọc Lan (phường Vĩnh Hải) cho biết, do rạn san hô tại khu vực biển Hòn Chồng ở gần bờ nên nhiều người dân và du khách trong lúc vui đùa dưới biển đã giẫm phải; một số người thiếu ý thức còn bẻ cả san hô để mang về nhà. Từ thực trạng này, mới đây, UBND thành phố đã có văn bản thống nhất triển khai Kế hoạch của Ban Quản lý (BQL) Vịnh Nha Trang về phối hợp tuyên truyền, tuần tra bảo vệ môi trường biển, rạn san hô khu vực Hòn Chồng.
Những ngày qua, BQL Vịnh Nha Trang phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao, Đội Thanh niên xung kích TP. Nha Trang, UBND phường Vĩnh Hải tổ chức các buổi tuyên truyền cho người dân, du khách ở khu vực bãi biển Hòn Chồng về các quy định, chế tài xử phạt hiện hành đối với những hành vi xâm hại đến môi trường biển và rạn san hô. Ông Phạm Văn Thưởng - Phó Trưởng phòng Bảo tồn, BQL Vịnh Nha Trang cho biết, BQL đã thành lập tổ công tác phối hợp với các đơn vị được phân công tổ chức tuyên truyền và tuần tra, xử lý đối với những hành vi xâm hại đến môi trường biển và rạn san hô theo thẩm quyền. Việc tuyên truyền thực hiện bằng hình thức phát thanh trên loa xe lưu động, sử dụng loa cầm tay nhắc nhở người dân và du khách không giẫm đạp, bẻ, di chuyển san hô ra khỏi khu vực; không chèo thuyền, neo đậu tàu thuyền ảnh hưởng trực tiếp đến rạn san hô; không bắt ốc, cá và khai thác các loài thủy sản khác… Thời gian thực hiện kéo dài đến tháng 7-2023. Thời gian tới, UBND thành phố sẽ thực hiện lắp đặt giàn phao phân vùng khu vực tắm biển, camera giám sát để bảo vệ rạn san hô khu vực biển Hòn Chồng, Hòn Mun.
Nhiều giải pháp bảo vệ
Theo báo cáo của UBND thành phố, thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc và BQL Vịnh Nha Trang thực hiện tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang. Cụ thể, tạm dừng hoạt động bơi, lặn biển, tàu và thúng đáy kính trong vùng nước đảo Hòn Mun từ ngày 27-6-2022 đến khi có thông báo mới. Cùng với đó, UBND thành phố đã chỉ đạo BQL Vịnh Nha Trang phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga khảo sát đánh giá hiện trạng các hệ sinh thái rạn san hô ở Hòn Mun và các khu vực trong vịnh Nha Trang đang có khả năng phục hồi cao. Từ đó, triển khai phân vùng bảo vệ tại các nơi nhạy cảm dễ bị tác động, điển hình như rạn san hô khu vực Hòn Chồng - Vĩnh Phước, Bãi Tiên - Vĩnh Hòa. Kết quả khảo sát tháng 7 và tháng 8-2022 cho thấy, rạn san hô khu vực phía bắc Hòn Mun có độ phủ từ 30 đến 50%; rạn san hô khu vực tây nam Hòn Mun (khu vực bị suy thoái) đang trong quá trình phục hồi; rạn san hô khu vực phía bắc Hòn Chồng đang phát triển khá tốt với độ phủ 70%; rạn san hô khu vực kè đá ven bờ Bãi Tiên đang có dấu hiệu phục hồi.
Hiện nay, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rạn san hô khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang, như: Khảo sát, phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong khu bảo tồn biển và vùng biển lân cận; tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô khu vực Hòn Mun, vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực cho BQL Vịnh Nha Trang và Đội công tác liên ngành trên vịnh Nha Trang; quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa trong khu bảo tồn biển hướng tới phát triển kinh tế biển xanh tại vịnh Nha Trang; tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh Nha Trang…
THÁI THỊNH