Phúc thẩm vụ đòi bồi thường oan sai hơn 4,4 tỷ đồng: Tòa giữ nguyên mức bồi thường hơn 1,6 tỷ đồng

Thứ bảy - 14/05/2022 02:38
Chiều 13-5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ yêu cầu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nguyên đơn là ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, đại diện theo ủy quyền của những người thừa kế của ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, trú xã Ninh Giang, nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), người bị làm oan trong vụ án cách đây 41 năm.. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Chiều 13-5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nguyên đơn là ông Huỳnh Chiếm Hoạnh, đại diện theo ủy quyền của những người thừa kế của ông Huỳnh Chiếm Phái (sinh năm 1931, trú xã Ninh Giang, nay là phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), người bị làm oan trong vụ án cách đây 41 năm, đã mất năm 2015. Bị đơn là Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Khánh Hòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định không có căn cứ chấp nhận kháng cáo, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng cho phía nguyên đơn.


Như Báo Khánh Hòa đã đưa tin, 41 năm trước, ngày 18-10-1981, sau khi họp tại nhà ông Huỳnh Chiếm Phái, ông N., Chủ tịch UBND xã Ninh Giang bị bắn chết trên đường về. Tháng 12-1981, ông Phái và ông Trần Bê (sinh năm 1957) bị tạm giam vì tình nghi giết người. Quá trình giam giữ, ông Phái bị bệnh nặng nên năm 1983 được về nhà. Ngày 25-9-1984, VKSND tỉnh Phú Khánh quyết định đình chỉ điều tra về tội giết người đối với ông Phái và ông Bê vì không đủ căn cứ buộc tội. Ông Bê được trả tự do cùng ngày.


Ngày 10-3, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm và tuyên buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường cho phía nguyên đơn tổng cộng 1.659.726.425 đồng.

Sau đó, VKSND tỉnh Khánh Hòa kháng cáo đối với phần bồi thường thiệt hại về tinh thần hơn 1,4 tỷ đồng và cho rằng, khoảng thời gian xác định thiệt hại về tinh thần của ông Phái phải tính từ ngày ông bị bắt, tạm giữ, tạm giam đến ngày chấp hành xong biện pháp ngăn chặn, tương đương số tiền được bồi thường hơn 136 triệu đồng. Tuy nhiên, tại biên bản thương lượng ngày 23-9-2020, VKSND tỉnh Khánh Hòa đồng ý bồi thường khoản này là hơn 222 triệu đồng. VKSND tỉnh Khánh Hòa đề nghị sửa bản án sơ thẩm, chỉ chấp nhận bồi thường khoản này hơn 222 triệu đồng.

Còn ông Hoạnh kháng cáo yêu cầu tính lại phần bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất và bồi thường thiệt hại vật chất do sức khỏe bị xâm  phạm, đề nghị buộc VKSND tỉnh Khánh Hòa bồi thường tổng cộng hơn 4,4 tỉ đồng.


TÂM MAI


 

 

Nguồn tin: baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp