Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintucnhatrang.com, cảm ơn !

4 tháng Việt Nam đếm khách quốc tế vì rào cản visa

Thứ hai - 25/07/2022 08:14
Đối lập với sự bùng nổ của du lịch nội địa, du lịch inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam) vẫn chưa thực sự khởi sắc.
4 tháng Việt Nam đếm khách quốc tế vì rào cản visa

"Tôi chỉ đón được vài đoàn nhỏ lẻ, hầu như không đáng kể. Ngành du lịch Việt Nam cần đủ khách để khởi động lại chuỗi cung ứng dịch vụ nhưng khách muốn vào Việt Nam lại không được cấp visa. Tôi đã chờ hơn 4 tháng nhưng không có gì thay đổi", ông T., giám đốc một đơn vị lữ hành chuyên mảng inbound chia sẻ với Zing.

Du lịch inbound ảm đạm

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 602.000 lượt, giảm 92,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, sau nửa năm, Việt Nam mới đạt hơn 1/10 kế hoạch 5 triệu lượt khách quốc tế đã đề ra. Từ giờ tới cuối năm, việc hoàn thành mục tiêu này gần như không tưởng.

Câu chuyện từ 15/3 đến nay vẫn xoay quanh vấn đề thị thực. Chính sách thị thực ngặt nghèo đang "bóp chết" hy vọng đón khách quốc tế của các đơn vị inbound.

du lich viet nam anh 1

Du lịch nội địa "lên như diều" còn du lịch inbound thì ngược lại. Ảnh: Trương Phú Quốc.

Trao đổi với Zing, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, nhấn mạnh du lịch nội địa đang phục hồi nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng. Khách nội địa bị kìm nén quá lâu khiến nhu cầu bùng nổ. Tuy nhiên, du lịch nội địa không thể thay thế du lịch quốc tế và ngược lại.

"Chúng tôi có 30% khách quốc tế cho các du thuyền Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa) và Lan Hạ (Hải Phòng). Khách quốc tế đến còn rất chậm và vẫn đếm từng người. Khách chúng tôi phần lớn đến từ Tây Âu, Australia và Đông Nam Á. Với khách Tây Âu như Tây Ban Nha, Pháp, đang đúng mùa du lịch nên tăng trưởng tốt", ông Phạm Hà chia sẻ.

du lich viet nam anh 2

Ông T. thất vọng với những lần phải tự mình từ chối các đoàn khách vì vấn đề visa. Ảnh: T.

Với vị thế là doanh nghiệp nhỏ, công ty của ông T. còn rơi vào cảnh thê thảm hơn. Đại diện đơn vị này chia sẻ từ 15/3 đến nay, số khách mình đón được chỉ trên dưới chục người. Việc đón khách lay lắt như vậy khiến ông T. đắn đo chuyện gắn bó với nghề.

Khi nhìn du lịch nội địa bùng nổ, ông T. lại lắc đầu ngao ngán. Trong tháng 3-4, số khách ông T. có là con số 0 tròn trĩnh. Đến tháng 5, ông nhận được email từ đoàn khách Sri Lanka nhưng cũng đành từ chối vì vấn đề visa.

"Mọi thứ vẫn cứ ì ạch. Tôi không hiểu vì sao đến giờ chính sách visa vẫn chặt như thế. Ai làm du lịch nội địa còn vui chứ tôi chẳng cười nổi", ông T. cay đắng nói.

Bài toán chờ lời giải

Theo thống kê từ công ty lữ hành Fiditour, sau 3 tháng mở cửa đón khách quốc tế, đa số khách tới là những nhóm nhỏ hoặc người đi công tác, kết hợp du lịch. Các thị trường khách lớn như Nga, Trung Quốc vẫn chưa trở lại do các vấn đề chính trị hoặc chính sách liên quan tới Covid-19.

Ông Phạm Hà cũng nhận xét nhóm khách chủ yếu lúc này đến từ Tây Âu, Hàn Quốc và nội khối ASEAN do việc đi lại dễ dàng. Các thị trường như Singapore, Malaysia hay Thái Lan đang có những tín hiệu tích cực. Số khách tới Việt Nam chưa quá cao nhưng cũng đáng khích lệ.

"Các rào cản của chúng ta vẫn còn. Chính sách visa thiếu thân thiện là vấn đề lớn", ông Hà cho biết.

Chia sẻ với Zing, nhiều đơn vị lữ hành cho biết họ không hiểu tại sao Việt Nam chần chừ trong việc đổi mới chính sách visa. Trong thời điểm các nước đua nhau để đón khách quốc tế, chính sách visa khó khăn chẳng khác tự lấy dây buộc mình.

du lich viet nam anh 3

Thái Lan đang làm tốt trong việc thu hút khách quốc tế và đó là điều Việt Nam cần học hỏi. Ảnh: Foundasia.

Bên cạnh vấn đề visa, câu chuyện nhận diện thương hiệu, định vị quốc gia du lịch cũng là bài toán cần được giải quyết nhanh.

Theo nhiều đơn vị lữ hành trong mảng inbound lẫn outbound (đưa khách Việt Nam đi nước ngoài), Thái Lan là nước đang dẫn đầu khu vực trong việc đón khách quốc tế. Dù về thực tế, họ không có nhiều cảnh đẹp như Việt Nam, chính sách visa và cách truyền thông của nước bạn lại tạo ra khác biệt.

Ví dụ, Thái Lan đang quảng bá du lịch với chiến lược SMILE (tạm dịch: nụ cười). Thông điệp này bao gồm các giá trị: S (sustainbility - bền vững), M (manpower - nâng cao kỹ năng của người lao động), I (inclusive economy - nền kinh tế bao trùm, mọi thành phần đều được đưa vào ngành du lịch), L (localisation - bản địa hóa, du lịch cộng đồng) và E (ecosystems - du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường).

Về vấn đề tiếp thị du lịch ra thị trường quốc tế, động thái của Việt Nam còn mờ nhạt.

Website vietnam.travel là trang chính thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giới thiệu về du lịch Việt Nam. Lượng khách quốc tế truy cập trang này luôn đạt mức cao.

Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ website đang hoạt động hiệu quả. Thống kê từ tháng 3, lượt xem của website quảng bá du lịch Việt Nam là 287.300 lượt, chỉ cao hơn một chút so với Hong Kong và thấp hơn nhiều so với 3 quốc gia còn lại.

Tỷ lệ bỏ trang của website từ Việt Nam cũng cao gần nhất (70,5%). Trong khi đó, lượng người theo dõi mạng xã hội chính thức của Du lịch Việt Nam lại thấp nhất trong số 5 điểm đến.

Khi được hỏi có phải Việt Nam đang "say" trong sự phục hồi của du lịch nội địa mà ngó lơ du lịch inbound, ông Phạm Hà cho biết: "Không thể thấy du lịch nội địa phục hồi mạnh là hài lòng. Hai nhóm khách này không thể thay thế được nhau. Do đó, chúng ta cần những chiến lược bền vững để thu hút nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Cần giúp họ đến dễ hơn và tiêu nhiều hơn".

Tour đi Bermuda cam kết hoàn tiền nếu khách mất tích

Một công ty du lịch của Mỹ tuyên bố sẽ hoàn tiền 100% nếu du khách mất tích trong chuyến đi đến vùng tam giác quỷ Bermuda.

Thái Lan tiếp tục đóng cửa vịnh Maya để phục hồi hệ sinh thái

Đầu năm nay, vịnh Maya (Krabi) vừa đón du khách trở lại sau hơn 3 năm đóng cửa để phục hồi hệ sinh thái. Tuy nhiên, khu vực này sẽ tiếp tục đóng cửa từ ngày 1/8 đến 30/9.

Món bánh mì kẹp xúc xích cho đầu tuần

Chỉ với 15 phút thực hiện, bạn dễ dàng có phần hotdog hấp dẫn để nạp năng lượng cho ngày làm việc.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp