Theo số liệu của Tổng cục Thống kê ngày 29/12/2022, tỷ suất sinh của Việt Nam năm 2022 là 2,01 con/phụ nữ. Trong đó, TP.HCM chỉ đạt 1,39 con/phụ nữ, không đạt mức sinh thay thế.
Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết độ tuổi sinh con tốt nhất của phụ nữ là khoảng 18-35 tuổi.
Ngày nay, bên cạnh điều kiện kinh tế, xu hướng kết hôn muộn hay nhu cầu không sinh đẻ, việc phụ nữ tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội cũng được xem là nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm.
Trong chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 được phê duyệt ngày 28/4/2020, nam, nữ thanh niên được khuyến khích kết hôn trước tuổi 30 và sớm sinh con.
Các chuyên gia y tế nhận định lời khuyên này có căn cứ khoa học về mặt sinh lý và tâm lý. Theo đó, thời điểm có thai phù hợp nhất của phụ nữ là 20-30 tuổi. Sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay bị trục trặc, các biến chứng, tai biến sản khoa tăng rõ.
Sau 40 tuổi, khả năng mang thai càng khó hơn. Sau 45 tuổi, hiếm phụ nữ có thai và giữ được thai.
Chia sẻ với phóng viên, 4 người mẹ thừa nhận họ gặp không ít khó khăn về tâm lý, sức khỏe khi sinh nở ở độ tuổi 40-50. Nỗi lo này không dễ dàng biến mất ngay cả khi con chào đời khỏe mạnh.
Hoàng Thị Huyền (TP Quy Nhơn, Bình Định)
Sinh con lần 2 ở tuổi 44
Tôi hiện 58 tuổi, là chủ tịch một công ty cổ phần. Tôi làm mẹ bỉm sữa năm 44 tuổi và khởi nghiệp khi 49 tuổi.
Năm 1995, tôi sinh con gái đầu lòng ở tuổi 29. Cứ ngỡ em bé thứ 2 sẽ sớm đến, nhưng sau một lần sảy thai, vợ chồng tôi trông ngóng suốt 10 năm mà không có kết quả.
Đi bệnh viện thăm khám, bác sĩ chẩn đoán tôi bị hiếm muộn thứ phát. Hơn nữa, tôi đã 39 tuổi, cũng rất khó có thai. Dù vậy, suốt 3 năm sau đó, vợ chồng tôi vẫn dồn hết tiền làm lụng được để vào TP.HCM điều trị.
Khi tưởng chừng không còn hy vọng gì, tôi bất ngờ phát hiện mang bầu ở tuổi 44. Mọi người đều nói tôi mạo hiểm quá, có thai và sinh con ở độ tuổi này rất nguy hiểm, nguy cơ bệnh cao.
Trong khi đó, tôi vừa mừng vừa lo vì mong ước bấy lâu nay thành hiện thực, nhưng cũng lo sợ tuổi lớn khó giữ được con.
Ở những tháng đầu thai kỳ, tôi xin nghỉ việc không lương, chỉ ở nhà ăn và ngủ, đếm từng ngày trôi qua trong lo âu. Có lẽ do tuổi, ngay từ tháng thứ 3, tôi bị phù chân.
Tôi cũng có phần “khủng hoảng” khi mặt và cổ nổi chi chít mụn, ít khi dám nhìn vào gương. Nhưng cứ nghĩ chỉ cần con khỏe mạnh, tôi chấp nhận đánh đổi tất cả.
Khi gần bước sang tháng thứ 7 của thai kỳ, tôi xin nghỉ hẳn, căng thẳng chờ đợi ngày con ra đời.
Ở tuần 38, gia đình tôi quyết định mổ để đưa bé ra ngoài cho an toàn. Ngày tôi đi viện đẻ, cả nhà vui như trẩy hội, còn tôi thì hạnh phúc khi cuối cùng cũng được gặp con.
Tôi đau đớn hơn 2 tháng hậu sinh mới đỡ và có thể đi lại nhẹ nhàng. Tóc tôi bạc trắng cả đầu, yếu ớt, quá stress. Mẹ vào thăm mà cứ ôm tôi nức nở: “Có thêm đứa con mà con phải hy sinh nhiều quá”.
Quá trình nuôi con cũng đầy vất vả. Ba năm đầu, nhìn con ngày càng ốm yếu, tóc thì không có, vợ chồng tôi rất thương. Đến khi 6 tuổi, may mắn sao, bé tự nhiên mập mạp và khỏe mạnh.
Cũng vì suy nhược cơ thể, tôi xin nghỉ việc từ khi con một tuổi. Ở nhà chăm con kéo theo khó khăn về kinh tế, tôi gần như bị trầm cảm vì khoảng thời gian dài áp lực.
Chồng tôi an ủi vợ ở nhà “có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo”, nhưng tôi không nghĩ thế. Sau nhiều trăn trở, tôi đánh liều khởi nghiệp ở tuổi 49, khi con trai tròn 5 tuổi. May mắn là mọi thứ đều thuận lợi.
Ở tuổi gần 60, tôi vẫn làm được những điều mình muốn, thành công với mục tiêu cá nhân. Con cái cũng lớn khôn và khỏe mạnh. Đó là điều hạnh phúc nhất.
Nguyễn Trang Nhung (42 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội)
Sinh con lần 4 ở tuổi 40
Dùng thuốc tránh thai suốt nhiều năm, tôi kinh ngạc khi phát hiện mang bầu lần 4. Nhìn vào 2 vạch hiện rõ trước mắt, tôi vừa mừng vừa lo, nhưng lo nhiều hơn vì khi đó tôi đã 40 tuổi, từng sinh mổ 3 lần.
Khi đó, tôi ở nhà làm mẹ toàn thời gian, ông xã một mình đi làm lo kinh tế.
Lúc vợ báo tin, chồng tôi rất bất ngờ. Thu nhập của anh chỉ đủ nuôi các con ăn học, không dư được đồng nào.
Hiểu rằng chi phí mổ đẻ khá tốn kém, nhất là khi tôi không có bảo hiểm, hai vợ chồng động viên nhau tích cóp để có tiền lo cho con.
May mắn là tôi mang thai khá dễ và khỏe mạnh. Nhờ đó, tôi vẫn túc tắc bán hàng online và tự đi ship hàng cho khách đến tận ngày sinh.
Chi phí sinh mổ lần 4 là 30 triệu đồng ở bệnh viện công. Ngoài khoản này, tôi phần nào dễ thở hơn khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. Đến khi con một tuổi, chi tiêu cho bé mới nhích lên do cần bổ sung đồ ăn như sữa tươi, sữa chua, váng sữa, phô mai.
Sinh bé út cách bé thứ ba 6 năm khiến tôi bối rối vì không nghĩ mình sẽ có thêm con. Nhưng tôi không cần tập lại cách làm mẹ bỉm, chỉ cập nhật cách nuôi con sao cho khoa học.
Từ khi biết mẹ có em bé, các con tôi rất vui. Hai bé lớn cũng không ngại với bạn bè. Chồng tôi đột ngột qua đời khi con út mới 2 tháng tuổi. Đó là khoảng thời gian đầy thử thách với tôi.
Khi con lớn hơn một chút, tôi kiếm việc làm để có thu nhập. Nhờ ông bà nội trông con giúp, 2 chị lớn đi học về cũng biết phụ bế em, tôi phần nào yên tâm hơn khi vắng nhà. Đầu năm học tới, tôi sẽ gửi bé út đi học để con có bạn bè và được cô giáo rèn nề nếp.
Với tôi, có con khi còn trẻ sức khỏe tốt hơn rất nhiều, tâm lý cũng thoải mái hơn. Nhưng con cái là món quà, nếu quà tới, tôi sẽ nhận bằng tất cả tấm lòng.
Trần Thị Hồng Mai (43 tuổi, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk)
Sinh con lần 2 ở tuổi 42
Tôi lấy chồng khá sớm, nhưng mãi mà không có con.
Chúng tôi chạy chữa từ Nam ra Bắc, uống không biết bao nhiêu loại thuốc Đông y. Tôi không nhớ rõ bao nhiêu lần chọc trứng và chuyển phôi thất bại. Có lần, khi được họ hàng hỏi thăm con cái sao rồi, tôi không kìm được nước mắt.
Ròng rã 8 năm trời tìm con, vợ chồng tôi chào đón cặp sinh đôi gồm một trai, một gái. Nhiều người nói chăm hai đứa trẻ một lúc sẽ vất vả gấp 3 bình thường, nhưng vì mong đợi từ lâu, tôi không hề thấy mệt mỏi, nặng nhọc.
Những tưởng khi hai con đủ lớn để đi học mẫu giáo, tôi có thể quay lại công việc và tích góp tiền bạc bù lại các chi phí làm IUI, IVF (thụ tinh ống nghiệm), đi lại, ăn ở khi di chuyển xuống TP.HCM,… tôi ngỡ ngàng khi biết mình mang thai lần nữa, hoàn toàn tự nhiên!
Con đến với mình là trời cho, chồng tôi nói: “Có thì đẻ thôi”. Nhưng đến khi sinh con ra, tôi không ngờ lại khó khăn đến vậy.
Con gái út chào đời khi tôi 42 tuổi, hai vợ chồng hay đùa nhau "đầu đã hai màu tóc", chồng thậm chí còn lớn tuổi hơn.
Khi sinh hai bé đầu lòng, tôi có mẹ phụ chăm, còn lần sinh thứ hai, hai vợ chồng tự xoay xở.
Tôi chỉ thuê người giúp việc trong tháng đầu tiên khi sức còn yếu. Khi con đầy tháng, tôi tự mình làm mọi việc, từ dọn dẹp, nấu nướng đến chăm sóc con. Chồng tôi san sẻ việc nhà với vợ, anh còn đi làm thêm để trang trải kinh tế.
Hai bé sinh đôi đi học, bệnh vặt là chuyện thường, chưa kể việc trẻ nhỏ tranh giành, cãi nhau hàng ngày.
Lớn tuổi cũng khó ngủ hơn, con út thì còn ẵm bồng, tôi bắt đầu xuất hiện cơn đau đầu dữ dội.
Ban đầu, tôi tưởng đơn giản là bệnh tiền đình, nhưng đi khám và uống thuốc vẫn không hết. Tôi nhờ chồng ở nhà giữ con và một mình đi bệnh viện chụp MRI não.
Trong lúc ngồi đợi đến lượt vào phòng chụp, tôi tủi thân bật khóc và cứ thế ngồi chấm nước mắt cho đến khi có người quen đến nói chuyện.
Thật may mắn, kết quả trả lại hoàn toàn bình thường, tôi không có bệnh gì nghiêm trọng, chỉ là cần được ngủ nghỉ nhiều hơn. Qua thời điểm đó, tinh thần tôi khá hơn và lạc quan trở lại.
Ngẫm lại, tôi thấy mình thật sự may mắn vì có được sự yêu thương, hỗ trợ từ chồng và hai bên nội, ngoại.
Đại gia đình vẫn thường xuyên tụ họp, chuyện trò động viên tôi. Vừa rồi, cả nhà còn đi du lịch chung và cho các cháu về quê thăm ông bà. Chuyến đi giúp tôi giải tỏa được rất nhiều.
Tôi chưa có dự định cụ thể cho tương lai, nhưng không nghĩ mình sẽ quay lại với công việc kế toán như trước. Hiện tại, nhìn các con khỏe mạnh, ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày, tôi không còn gì mong đợi hơn.
Nguyễn Thị Thanh Thủy (41 tuổi, TP Nha Trang, Khánh Hòa)
Sinh con lần 2 ở tuổi 40
Tôi lập gia đình năm 30 tuổi. Dự định có con, vợ chồng tôi đi khám hiếm muộn ở nhiều nơi và được chẩn đoán khó mang thai tự nhiên.
Do vậy, chúng tôi không chần chừ nhờ đến biện pháp hỗ trợ IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung).
Sau vài lần nhờ đến Tây y không thành công, chúng tôi chuyển sang uống thuốc Đông y, thậm chí lên chùa cầu con. Ai chỉ cách nào chúng tôi đều thực hiện, nhưng không được như ý.
Đến lúc đó, tôi quyết định ngừng làm đủ mọi cách để có con và thả lỏng với quan niệm điều gì đến thì sẽ đến. Đến năm 34 tuổi, tôi mang thai và sinh bé trai đầu lòng hoàn toàn tự nhiên.
Khi tôi 40 tuổi, em bé thứ 2 ra đời. Lúc này, gia đình chuyển từ TP. HCM về quê sinh sống và làm việc được vài năm. Thay đổi môi trường sống khiến vợ chồng tôi có nhiều thời gian hơn cho con cái.
Là bác sĩ chuyên khoa mắt, tôi đi làm lại ở bệnh viện tư khi bé út mới 4 tháng tuổi. May mắn là công việc chỉ làm vào giờ hành chính, cố định 8 tiếng/ngày, kể cả thứ 7.
Bé lớn học cấp một vẫn cần nhiều chỉ dẫn, bé nhỏ thì còn bú mẹ, chúng tôi không có ông bà hai bên giúp đỡ, cũng không thuê người giúp việc. Vất vả là đương nhiên.
Chồng tôi tạm thời nghỉ việc ở nhà trông con nhỏ để hỗ trợ vợ đi làm. Thành phố nhỏ, mỗi buổi trưa tôi đều có thể về nhà để chăm sóc con. Tôi hiện vẫn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nên không cảm thấy tốn kém gì đặc biệt, chỉ có chi tiêu ăn uống cho gia đình là tăng lên.
Vợ chồng tôi dự định không đầu tư quá nhiều vào việc học hành của con mà gia đình theo sát bé. Ngoài học ở trên lớp, con tôi học online môn tiếng Anh với cô giáo để rèn luyện nghe nói và phát âm. Mỗi khi ở nhà, tôi trực tiếp hướng dẫn con.
Có lẽ do tính tôi “lạnh lùng” từ nhỏ, cộng thêm tính chất công việc bác sĩ, nên khi có con, cảm xúc của tôi vẫn bình ổn, không lúc nào quá vui hay quá buồn. Tôi tự mình sắp xếp mọi việc cho ổn thỏa nhất, không than phiền vì cũng không ai giúp được. Con cái tới với mình, mình sẽ chăm chút bằng tất cả khả năng mình có để không biến con thành gánh nặng.
Cha mẹ trẻ bớt chi tiêu, ít sắm đồ để dồn tiền cho conThương Phan (23 tuổi, TP.HCM) tự nhận mình từng tiêu xài khá hoang phí. Nhưng từ khi bé Bentley chào đời, cô hạn chế mua sắm cho mình mà chi tiền để con được dùng đồ tốt nhất. |
Bài hát lớn lên cùng con
Ký ức của nhà báo Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát bất hủ do bố bà, nhạc sĩ Phạm Tuyên, sáng tác như Trường cháu là trường Mầm non - bài hát nhạc sĩ Phạm Tuyên viết tặng trường con gái học; Cả tuần đều ngoan cũng là một khúc ca quen thuộc của nhiều thế hệ trẻ em Việt. Ngoài ra, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay… cũng đã trở thành ký ức chung của nhiều người Việt Nam.