Hành trình chuyển viện cứu sống bé sinh non 25 tuần

Thứ ba - 30/05/2023 04:06
Bé Messi - con trai chị Dương Liễu Hạ Vy (1990, Nha Trang, Khánh Hòa) - vừa trải qua cuộc chiến sinh tồn kéo dài gần 4 tháng kể từ khi chào đời ở tuần thai thứ 25.
Hành trình chuyển viện cứu sống bé sinh non 25 tuần
BVDK Tam Anh,  tre sinh non anh 1

Đặt tên con là Messi - người “anh hùng sân cỏ”, với hàng trăm cuộc đấu chuyển bại thành thắng, gia đình mong cầu anh hùng bé nhỏ trong lồng ấp cũng kiên cường chiến thắng tử thần.

Cơ hội duy nhất để sống

Ngày 1/2, gia đình chị Dương Liễu Hạ Vy căng thẳng khi đưa thai phụ nhập viện tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng có cơn gò chuyển dạ, rỉ ối. Sinh cực non ở tuần thai 25, khi thai nhi khoảng 700 gram và cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện, cơ hội sống của em bé rất mong manh.

Mong ngóng bao ngày để đón cháu đầu lòng, bà Nguyễn Thị Liễu khẩn cầu bác sĩ cho phép con dâu chuyển viện vào TP.HCM để tìm cơ hội sống cho cháu nội. Đáp ứng mong muốn này, bác sĩ cân nhắc các phương án đảm bảo an toàn, bởi chị Vy có thể chuyển dạ, sinh con trên đường chuyển viện. Sau 2 tiếng lưu viện, xe cấp cứu cùng đội ngũ bác sĩ khởi hành đưa thai phụ vượt hơn 400 km đến TP.HCM.

Tiếp nhận thai phụ, bác sĩ tại TP.HCM đánh giá chị Vy cạn ối, phải tiêm thuốc giục sinh. Bé Messi chào đời vào đêm 2/2 khi tuổi thai 25 tuần 2 ngày, nặng 800 gram, cử động yếu, thở co ngực lõm, tím tái, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy, bơm surfactant.

Thời gian đầu, Messi đáp ứng tốt, cân nặng tăng lên 1,5 kg. Tuy nhiên, 5 tuần sau sinh, bé đối mặt hàng loạt vấn đề của trẻ sinh non như viêm phổi, thở lõm ngực, nhiều đàm nhớt, không tăng cân. Dù sử dụng đủ loại kháng sinh liều cao, hai đợt thuốc cải thiện chức năng phổi với mỗi đợt kéo dài 11 ngày, sức khỏe của Messi vẫn không mấy khả quan.

BVDK Tam Anh,  tre sinh non anh 2

Messi đuối sức, thở thoi thóp vì viêm phổi mạn tính, xẹp phổi phải.

Mesi phải đặt lại nội khí quản, thở máy. Việc đặt ống thở lần hai có thể dẫn tới nguy cơ trẻ không thể cai máy thở, sống phụ thuộc vào máy. Gia đình chị Vy trải qua những chuỗi ngày thấp thỏm, chỉ được nhìn con từ xa qua cửa kính. Không ít lần bác sĩ báo gia đình phải chuẩn bị tinh thần, bởi bé chỉ còn 10% hy vọng sống.

Messi yếu dần, oxy phải sử dụng 100% nhưng chỉ số Sp02 thấp, người tím tái, liên tục có cơn ngưng thở. “Nếu thằng bé có vấn đề gì, con không sống được”, chị Vy suy sụp, khóc với mẹ chồng.

Trắng đêm suy nghĩ, bà Liễu quyết định xin chuyển viện để tìm cơ hội cứu cháu nội. Vài nơi từ chối bà Liễu vì nguy cơ tử vong trên đường chuyển viện. Đọc bài báo về vị chuyên gia đưa phác đồ “phút vàng sau sinh” về Việt Nam cứu trẻ sinh cực non, bà quyết định gõ cửa phòng khám TS.BS Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP.HCM.

“Xin bác sĩ cứu cháu tôi, tôi tin cháu còn cơ hội sống”, bà Liễu khẩn cầu.

Trầm ngâm trước xấp hồ sơ bệnh án dày cộm của Messi, bác sĩ Phượng thấu hiểu sự khó khăn, bất lực của bác sĩ đang điều trị cho bé khi bệnh tình chuyển biến nặng. Dù là chuyên gia trong lĩnh vực hồi sức trẻ sinh non, từng tiếp nhận nhiều trường hợp khó, bác sĩ Phượng vẫn nhận định Messi là một trong ca bệnh khó nhất vì sinh cực non, nhiễm trùng sơ sinh nặng, sự sống lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở.

“Bé có thể mất bất cứ lúc nào trên đường chuyển viện. Nhưng còn nước còn tát, chúng tôi tự nhủ sẽ tìm mọi cách để cứu cháu”, bác sĩ Phượng nhớ lại.

Ngày 30/3, ê kíp hồi sức sơ sinh đưa xe cấp cứu đón Messi về chăm sóc, với đầy đủ phương tiện như lồng ấp chuyển viện, máy thở, hệ thống hút đàm, giữ ấm… giúp bé ổn định suốt quãng đường di chuyển. Bác sĩ và điều dưỡng túc trực, sẵn sàng áp dụng kỹ thuật hồi sức trên xe cứu thương nếu có bất trắc.

Tại Trung tâm Hồi sức sơ sinh (NICU), Messi được điều trị thở máy rung tần số cao. Đây là phương pháp tiên tiến, chỉ có ở thế hệ máy thở hiện đại nhất, áp dụng cho trường hợp bé thất bại với thở máy thông thường.

“Nhờ áp dụng chế độ thở phù hợp, chúng tôi giảm dần mức sử dụng oxy của bé, từ 100% xuống 60%”, bác sĩ Phượng vui mừng khi bé trai chuyển biến tích cực trong phòng hồi sức.

Dù tín hiệu khả quan, tiên lượng sống của Messi vẫn mỏng manh. Các y bác sĩ tập trung theo dõi từng nhịp tim, nhịp thở, tập massage, chăm sóc dinh dưỡng, vận động cho bé.

Đứng trước tình trạng bé sinh non yếu ớt không đáp ứng kháng sinh điều trị, bác sĩ Phượng thực hiện xét nghiệm cấy máu nhưng không tìm thấy vi trùng, vi khuẩn trong đường thở. Tình huống này khiến bác sĩ đặt nghi vấn bé nhiễm một loại siêu vi, phối hợp bệnh cảnh lâm sàng gây trở nặng.

Kết quả không nằm ngoài phỏng đoán, bác sĩ Phượng phát hiện virus cytomegalo (CMV) trong máu gây viêm phổi nặng, khiến bệnh nhi không đáp ứng thuốc kháng sinh thông thường. Messi được điều trị thuốc đặc hiệu, kháng virus hiệu quả, sức khỏe khá lên từng ngày.

Sau đó, Messi được tầm soát sức khỏe tổng quát, kiểm tra não và tim cho kết quả bình thường. Riêng bệnh võng mạc do sinh non cũng được điều trị ổn định.

“Chào đời quá non và yếu ớt, nhiều lúc tưởng chừng sự sống ngừng lại, nhưng Messi vẫn vượt qua mọi thử thách. Cháu tiến dần về vạch xuất phát, cân nặng bằng bé sinh đủ tháng”, bác sĩ Phượng tự hào.

Ngày 11/5, Messi với cân nặng 2,9 kg được cai thở oxy, rời phòng hồi sức NICU và chuyển sang khu điều trị nội trú nằm cùng mẹ.

Kỳ tích về bé Messi kiên cường

Khi ôm con, chăm bẵm từng miếng ăn giấc ngủ , chị Vy trào nước mắt. Bà Liễu cũng vui mừng đến mất ngủ sau một ngày gần cháu nội. Với bà, hai lần mạnh dạn xin cho con dâu và cháu trai chuyển viện là quyết định đúng đắn nhất cuộc đời.

“Gia đình tôi cảm ơn bệnh viện đã chạy chữa cho cháu. Y bác sĩ không quản ngại khó khăn, bất kỳ thuốc và phương pháp nào tốt nhất đều áp dụng, nhờ đó bé được cứu sống. Hành trình này như kỳ tích”, bà Liễu trải lòng.

BVDK Tam Anh,  tre sinh non anh 3

Bà Liễu hạnh phúc với quyết định hai lần xin chuyển viện để cứu cháu nội.

Theo báo cáo của Viện Quốc gia về Sức khỏe trẻ em và Phát triển con người Mỹ (NICHD), trẻ sinh non dưới 24 tuần tuổi có ít cơ hội sống sót. Trẻ sinh non sau 24 tuần tuổi có tỷ lệ sống cao hơn, bé sinh ở tuần thứ 26 có cơ hội sống sót khoảng 78%. Trẻ sinh non sau 28 tuần tuổi có khả năng sống sót 80-90%.

Tại Việt Nam, UNICEF ước tính mỗi năm có khoảng 103.500 trẻ sinh non và 17.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh. Tử vong sơ sinh vẫn chiếm đến 2/3 trong tổng số tử vong trẻ dưới 1 tuổi.

TS.BS Cam Ngọc Phượng cho biết nhờ cập nhật, áp dụng phác đồ tiên tiến và đầu tư xây dựng Trung tâm Hồi sức sơ sinh mạnh, tỷ lệ sống sót và phát triển khỏe mạnh ở trẻ sinh cực non được cải thiện đáng kể. Máy thở, lồng ấp hiện đại, khu chăm sóc đảm bảo vô trùng, phòng cách ly tiêu chuẩn… đảm bảo trẻ được hỗ trợ hô hấp, giữ ấm thân nhiệt non yếu và ngừa lây nhiễm chéo. Những em bé sinh non được bổ sung đầy đủ hợp chất vitamin, dinh dưỡng đầy đủ ngay sau sinh, nhằm tăng cường sức đề kháng. Trung tâm Sơ sinh được đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở vật chất hiện đại, kiểm soát nhiễm khuẩn nghiêm ngặt.

BS.TS Cam Ngọc Phượng cùng ê kíp nuôi sống và điều trị thành công nhiều trẻ sinh cực non, biến chứng nhiễm trùng sơ sinh nặng từ cơ sở khác chuyển về.

Tại BVĐK Tâm Anh, sự phối hợp liên chuyên khoa Sản - Sơ sinh - Tim bẩm sinh giúp sản phụ vượt cạn an toàn, con chào đời bình an, khỏe mạnh. 100% ca sinh có bác sĩ Trung tâm Sơ sinh túc trực, khám sàng lọc từ khi bé chào đời, theo dõi sức khỏe 24/24 khi trẻ lưu viện. Với ca sinh khó, mẹ chuyển dạ sinh non, em bé được chăm sóc đặc biệt 24/7, sản phụ không cần chuyển viện.

Theo BS Phượng, trường hợp sinh quá non, bệnh nặng được chuyển từ đơn vị khác về có biến chứng như Messi, thời gian điều trị kéo dài và khó khăn hơn. Tuy nhiên, nghị lực sống phi thường, tình yêu thương và niềm tin của gia đình, cộng thêm nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ tại trung tâm hồi chăm sóc 24/7 và trung tâm hồi sức BVĐK Tâm Anh TP.HCM đã viết nên “huyền thoại” Messi bé nhỏ nhưng kiên cường.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp