Trước diễn biến gia tăng các trường hợp trẻ mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn, mặc dù đến nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào, chiều 8/5, Bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới.
Bộ cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với địa phương phân tích trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những ca bệnh bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng, chống tại Việt Nam.
Trước đó, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP.HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Các đơn vị trên cũng được yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus. Trong đó, các đơn vị cần tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và trường hợp có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của cụm nhỏ các hạt adenovirus. Ảnh: G. William Gary/CDC. |
Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh này xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên, có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt.
Đa số trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E). WHO và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu cho biết hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra và tiếp tục được điều tra. Tuy nhiên, các trường hợp mắc xảy ra tại những nơi lưu hành cao virus Adeno.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt bệnh viện chuyên khoa nhi tăng cường phát hiện những trường hợp trẻ bị viêm gan cấp.
Các bệnh viện cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR, kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như virus Adeno và những tác nhân khác (nếu có).
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện, cho biết đơn vị này đã ghi nhận một số trường hợp có tổn thương gan song nằm trong nhóm liên quan trẻ mắc Hội chứng viêm đa hệ thống (hội chứng MIS-C) sau mắc Covid-19, chưa ghi nhận bệnh nhân có tổn thương gan riêng lẻ hay tổn thương gan liên quan virus Adeno.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng khoa Khám bệnh cơ sở Kim Chung (Đông Anh), cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn, nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp,...
WHO thống kê đến ngày 7/5, có khoảng 278 trẻ mắc viêm gan cấp tính bí ẩn ở 20 nước, 9 trường hợp tử vong.
Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhânĐại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết đã nắm được các số liệu liên quan bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ từ CDC Mỹ và WHO. |