Bốn tháng sau mở cửa, doanh nghiệp mới có thể đón khách quốc tế

Thứ tư - 16/03/2022 04:54
Bỏ quy định cách ly, miễn visa cho khách quốc tế ở 13 nước là những thông tin tích cực cho ngành du lịch. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng không phải cứ mở cửa khách sẽ đến ngay.
Bốn tháng sau mở cửa, doanh nghiệp mới có thể đón khách quốc tế
khach quoc te den Viet Nam anh 1

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, nói rằng ảnh hưởng của đại dịch khiến hầu hết doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ.

Theo ông, việc mở cửa du lịch là tín hiệu đáng mừng nhưng chắc chắn không có chuyện khách quốc tế sẽ đến Việt Nam ngay. Do vậy, ngoài việc tháo gỡ các vướng mắc về phòng, chống dịch thì Trung ương cũng nên có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Khó phục hồi ngay lập tức

“Các bộ, ngành và địa phương cần sớm xây dựng phương án hỗ trợ một phần chi phí phòng chống Covid-19 cho doanh nghiệp. Có thể xác định tỷ lệ % trên tổng chi phí dành riêng cho phòng, chống dịch như xét nghiệm y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn, vì đây đang trở thành một chi phí cố định cho doanh nghiệp”, ông Quỳnh nói.

Đồng quan điểm, ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, cho rằng việc du lịch mở cửa tất nhiên là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành du lịch nói chung và cho các doanh nghiệp lữ hành nói riêng.

khach quoc te den Viet Nam anh 2

Đà Nẵng thời gian qua chủ yếu đón khách nội địa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tuy vậy, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International nhận định những khó khăn trước mắt vẫn còn rất nhiều, báo hiệu việc khôi phục ngành du lịch là rất gian nan, cần rất nhiều thời gian và giải pháp hỗ trợ từ vĩ mô đến vi mô.

“Du lịch mở cửa sẽ mở đường cho những tour du lịch nước ngoài có thể khởi động trở lại. Tuy nhiên, tâm lý khách hàng hiện nay vẫn đang rất e ngại đi du lịch xa, đặc biệt tình huống lỡ may mắc phải Covid-19 ở nước bạn thì sẽ rất rắc rối. Do vậy khách hàng vẫn chưa thật sự mặn mà với các tour quốc tế ngoại trừ đi kết hợp thăm thân”, ông Thảo nói.

Tâm lý khách hàng hiện nay vẫn đang rất e ngại đi du lịch xa, đặc biệt tình huống lỡ may mắc phải Covid-19 ở nước bạn thì sẽ rất rắc rối.

Ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International

“Hiện, giá nhiên liệu toàn cầu tăng rất mạnh trên toàn thế giới do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, do vậy giá dịch vụ cũng tăng theo do ảnh hưởng chung, do vậy sẽ không thể có những gói giá kích cầu ‘shock’ để kích cầu lại nhu cầu du lịch vốn đang bị xuống thấp do tác động của dịch, nay lại bị thêm giá tiêu dùng đang tăng cao”, ông Thảo phân tích.

Khách sẽ không đến ngay sau mở cửa

Cũng theo Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, tình hình bất ổn về chính trị ở một số khu vực trên thế giới cũng đang tác động xấu đến ngành du lịch toàn cầu nói chung.

“Hiện, Trung Quốc vẫn đang áp dụng chính sách "Zero Covid", khách Nga giảm mạnh do đồng rúp mất giá, một số thị trường vẫn đóng băng nghe ngóng tình hình…., điều này tác động không nhỏ đến nhu cầu đi du lịch của người dân và gây khó khăn cho công ty lữ hành”, ông Thảo phân tích thêm.

Dịch kéo dài 3 năm, thị trường du lịch đóng cửa đã làm các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành quốc tế lẫn nội địa kiệt quệ. Đơn cử như ở Nha Trang - Khánh Hòa, hiện có tới 80% công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đóng cửa, tạm ngưng kinh doanh vì quá khó khăn.

Ông Lê Kim Nhựt, Giám đốc Công ty CP giải trí Nha Trang trẻ, cho biết việc mở cửa đón khách du lịch là điều quá mừng đối với tất cả doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Tuy nhiên, theo ông Nhựt, việc có tiêu chí, hướng dẫn cụ thể sẽ khiến các doanh nghiệp triển khai nhanh hơn và an tâm hơn trong công tác quảng bá, mở rộng thị trường đưa khách du lịch đến nghỉ dưỡng.

“Qua khảo sát, nhiều thị trường khách quốc tế rất muốn đến các thành phố biển của Việt Nam. Trong đó khách Nga vẫn chiếm tỷ lệ lớn, sau đó đến Hàn Quốc, Trung Quốc rồi đến các nước Đông Âu, châu Âu. Hiện, các đơn vị lữ hành đang nằm chờ động tĩnh của chính quyền mới dám quyết định triển khai vì một số địa phương dịch vẫn còn phức tạp”, ông Nhựt nói.

Giám đốc Công ty CP giải trí Nha Trang trẻ cũng mong muốn thời gian tới phía Trung ương và chính quyền địa phương có sự phối hợp để đón khách an toàn và có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp hợp lý để vượt qua giai đoạn khó khăn lúc đầu triển khai đón khách.

“Chắc chắn sẽ không có chuyện khách quốc tế đến ngay sau khi mở cửa du lịch đâu, mà cần thời gian dài nữa vì nhiều yếu tố”, ông Nhựt nói.

“Hiện, công ty mình đang tập trung tối đa cho nội địa như thuê charter máy bay, chạy series đoàn... Còn khách quốc tế thì đang tích cực triển khai nhưng nhanh nhất cũng phải 3-4 tháng nữa mới có thể đón đoàn đầu tiên”, ông Thảo khẳng định.

Doanh nghiệp du lịch cần tiếp sức

Trong khi đó, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng lo lắng khi mở cửa du lịch sẽ thiếu hụt lao động.

Theo ông Quỳnh, 2 năm qua ngành du lịch đóng băng nên phần lớn người lao động đã nghỉ việc hoặc tìm kiếm cơ hội khác. Khi ngành du lịch mở cửa lại, các doanh nghiệp sẽ thiếu hụt lao động chất lượng cao.

“Vấn đề nhân sự sẽ rất nóng khi ngành du lịch được hồi phục. Đơn cử như cụm khách sạn Ariyana Beach Resorts & Suites Đà Nẵng có 1.600 phòng. Khi mở cửa sẽ phải cần tới hơn 1.000 nhân viên, và việc tuyển dụng chắc chắn sẽ rất khó khăn”, ông Quỳnh dẫn chứng,

khach quoc te den Viet Nam anh 3

Phố biển Nha Trang vắng vẻ dù mở cửa du lịch từ tháng 10/2021. Ảnh: An Bình.

Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng kiến nghị Trung ương nên có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo cho cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp lưu trú thông qua các học viện.

“Nên có kinh phí hỗ trợ về tiền thuê nhà, tiền tàu xe cho những nhân viên ngoại tỉnh quay lại Đà Nẵng làm việc. Đây cũng là một cách thu hút được người lao động ngoại tỉnh, nhiều người đã từng lập nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng nhưng do khó khăn đã phải trở lại quê nhà, và đã chuyển sang làm một ngành nghề khác”, ông nói.

Còn ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang, cho biết hiện nhiều khách sạn, resort tại Khánh Hòa khó khăn khi tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị mở rộng hoạt động khi du lịch mở cửa hoàn toàn.

“Trước dịch, Hòn Tằm có hơn 600 nhân sự hoạt động để phục vụ du khách. Đầu năm 2022, doanh nghiệp tích cực tuyển dụng nhưng đến nay chỉ tuyển được khoảng 200 nhân sự hoạt động thường xuyên”, ông Nhựt cho hay.

Còn tính cả tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn khó khăn nhất, 80% lao động trực tiếp ngành du lịch (tương đương 40.000 lao động) của địa phương này phải nghỉ việc, chuyển việc. Phần lớn nhân sự bị ảnh hưởng nhiều nhất nằm ở phân khúc lưu trú, hướng dẫn viên và công ty lữ hành.

Nói thêm về những kiến nghị, ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khu vực kiêm Giám đốc khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, cho rằng tiếp tục đẩy mạnh mối quan hệ giữa Đà Nẵng với các tỉnh thành để trao đổi khách du lịch nội địa.

“Cần tiếp cận các tập đoàn lớn, có số lượng nhân viên đông và hệ sinh thái rộng để họ có thể có các chương trình liên kết bao gồm đào tạo và du lịch tới thành phố”, ông Duẫn nói.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, cho biết sắp tới bên cạnh đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, định hướng trong việc xây dựng sản phẩm đặc thù của du lịch Khánh Hòa, đơn vị sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng, chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển mới của ngành.

“Sở Du lịch đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở các lớp đào tạo về ngoại ngữ, nghiệp vụ quản lý khách sạn chất lượng cao, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch”, bà Thanh nói thêm.

Nha Trang, Phú Quốc ảm đạm ngày đầu mở cửa du lịch

Trong khi Nha Trang vắng vẻ, các khu du lịch chỉ lác đác một vài đoàn khách trong nước, thì ở Phú Quốc cũng không khả quan hơn. Khách sạn, resort vẫn đóng cửa chờ du lịch phục hồi.

Khách sạn 5 sao tại TP.HCM sẵn sàng đón khách quốc tế

Đại diện hệ thống khách sạn cao cấp tại TP.HCM bày tỏ sự lạc quan rằng lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng dần lên trong thời gian tới.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp