Theo thông tin từ Bộ Y tế trong ngày đầu tiên của năm 2022, cả nước đã ghi nhận 14.835 ca mắc Covid-19 mới sau 24 giờ qua. Trong đó, 13 trường hợp nhập cảnh và 14.822 ca được ghi nhận tại 62 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cũng xác nhận Việt Nam hiện ghi nhận tổng cộng 20 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron. Đồng thời, các địa phương cũng đang phải ráo riết lên kế hoạch chuẩn bị ứng phó với Covid-19 khi dịp Tết Nguyên đán tới gần.
Biểu đồ ca mắc tại Hà Nội tiếp tục đi ngang
Thống kê của Sở Y tế Hà Nội chiều ngày 1/1 cho thấy thành phố vừa ghi nhận thêm 1.741 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó, các bệnh nhân được ghi nhận tại cộng đồng (611), khu cách ly (1.022), khu phong tỏa (108).
Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận là 50.680 ca, trong đó, số trường hợp ngoài cộng đồng là 17.023 ca. Số ca mắc đã được cách ly là 33.657.
Trong khoảng cuối tháng 12, biểu đồ thể hiện số ca nhiễm mới tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu đi ngang, ở ngưỡng 1.800-1.900 trường hợp mỗi ngày. Dù không tăng thêm, thành phố vẫn đứng đầu cả nước về số người dương tính với nCoV.
Số ca nhiễm theo ngày tại Hà Nội. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội. |
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, đến nay, 100% người dân trên 18 tuổi tại Hà Nội đã được bao phủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19.
Ở lần cập nhật cấp độ dịch gần nhất vào ngày 31/12, Hà Nội vẫn ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình, màu vàng).
Thành phố có 2 huyện ở cấp độ 1 (màu xanh); 18 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và 10 quận, huyện ở cấp độ 3 (nguy cơ cao, màu cam - tăng 2 khu vực so với cách đây một tuần). Phân loại theo cấp xã, phường, Hà Nội có 190 đơn vị ở cấp độ 1; 278 địa bàn ở cấp độ 2 và 111 xã, phường ở cấp độ 3.
Những khu vực có số ca mắc tăng nhanh trong 2 tuần qua là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Gia Lâm, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm…
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật gần nhất cho thấy Hà Nội hiện có 17.764 F0 tự theo dõi tại nhà, 4.141 ca ở khu cách ly và 4.626 trường hợp nhiễm nCoV phải điều trị tại bệnh viện.
Trong số này, 2.686 người diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.603 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 337 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch, 277 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 18 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 11 người thở máy không xâm lấn, 29 ca thở máy xâm lấn và 2 bệnh nhân phải lọc máu.
Mới đây, lãnh đạo UBND Hà Nội đã yêu cầu quận, huyện, thị xã căn cứ vào cấp độ dịch để áp dụng biện pháp hành chính phù hợp. Chính quyền địa phương tăng tối đa công suất thu dung điều trị F0 tại xã, phường, tại nhà khi đủ điều kiện; rà soát lại trang thiết bị y tế tại trạm y tế lưu động, như oxy, thuốc, thiết bị đo SpO2, xem xét cần thiết thì có thể bố trí phòng cấp cứu.
Đơn vị toàn thành phố thường trực 24/24 đảm bảo xử lý nhanh, kịp thời tình huống; giám sát chặt người về từ vùng có dịch, tăng cường rà soát phát hiện biến chủng mới Omicron.
Ngành y tế củng cố hệ thống y tế cơ sở, tăng cường thành lập trạm y tế lưu động, đặc biệt trong khu công nghiệp, phường đông dân cư; huy động cơ sở y tế ngoài công lập, lực lượng y bác sĩ nghỉ hưu, sinh viên ngành y khi cần thiết.
Dịch tại TP.HCM diễn biến tích cực
Trong ngày đầu năm 2022, TP.HCM tiếp tục duy trì số ca mắc mới ở mức trung bình với 569 người. Đây là ngày thứ 13 liên tiếp thành phố ghi nhận số ca nhiễm nCoV dưới ngưỡng 1.000 trường hợp.
Tối 31/12, UBND TP.HCM cập nhật kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đó, dịch tại TP.HCM duy trì cấp độ 2. Trong số 22 địa bàn cấp quận/huyện, 16 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 6 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) và không có địa phương nào ở cấp độ 3.
16 địa phương có dịch ở cấp độ 1 gồm: Quận 3, 5, 6, 7, 8, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, TP Thủ Đức. Sáu địa phương ở cấp độ 2 là quận 1, 4, 10, 11, Bình Thạnh, Tân Phú.
Đối với 312 phường, xã, thị trấn, 192 đơn vị đạt cấp 1; 116 nơi đạt cấp 2 và 4 đơn vị cấp 3.
Như vậy, địa bàn duy nhất ở TP.HCM tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận Tân Phú (từ cấp 1 lên cấp 2); 8 huyện giảm cấp độ dịch là quận 5, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Bình Chánh (từ cấp 2 xuống cấp 1).
Đến nay, TP.HCM đã bao phủ được 2 mũi vaccine Covid-19 cho 99,15% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Thành phố cũng đã tiêm tổng cộng 1.218.812 mũi 3 vaccine cho các nhóm nguy cơ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mới đây đã yêu cầu Sở Y tế tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các ca mới phát sinh và xử lý theo kịch bản được xây dựng. Các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng cần nhắc nhở xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý người nhập cảnh theo quy định mới.
TP.HCM tập trung cao độ cho việc tiêm vaccine, phấn đấu hoàn thành mũi 3 cho người trên 18 tuổi trong tháng 1/2022, đặc biệt chú ý người trên 50 tuổi, người có bệnh nền.
Gắn với việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, ngành y tế phải đảm bảo thuốc điều trị, đặc biệt là oxy. “Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu oxy phục vụ F0 khi cần, kể cả F0 cách ly, điều trị tại nhà”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Số ca mắc tại Vĩnh Long tăng đột biến, Tây Ninh vẫn là điểm nóng
Trong ngày 1/1, Vĩnh Long ghi nhận thêm tới 1.223 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp địa phương này có số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 trường hợp.
Địa phương này đã vươn lên vị trí thứ 3 cả nước về số ca mắc Covid-19 trung bình trong tuần qua với khoảng 928 trường hợp dương tính mỗi ngày.
Số ca mắc Covid-19 tại Vĩnh Long trong 7 ngày qua | ||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | ||||||||
Nhãn | 26/12/2021 | 27/12/2021 | 28/12/2021 | 29/12/2021 | 30/12/2021 | 31/12/2021 | 1/1 | |
Số ca mắc Covid-19 | ca | 889 | 892 | 911 | 917 | 586 | 1080 | 1223 |
Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, địa phương này đã bao phủ 2 mũi vaccine cho 107,02% (bao gồm những người từ tỉnh, thành phố khác tới).
Tỉnh đang điều trị cho tổng cộng 13.245 bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện trên địa bàn. Trong đó, 10.588 ca diễn biến nhẹ và không triệu chứng, 2.355 trường hợp ở mức độ trung bình và 302 người ở tình trạng nặng, nguy kịch.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 năm 2021-2022 cho 95% dân số từ 18 tuổi trở lên của tỉnh Vĩnh Long.
Theo đó, mục tiêu chung của kế hoạch là phòng, chống dịch chủ động bằng việc tiêm nhắc mũi 3 vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng, đảm bảo 95% dân số từ 18 tuổi trở lên cư trú tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long đều được tiêm nhắc mũi 3 cuối năm 2021 và năm 2022 hoàn toàn miễn phí.
Tỉnh Tây Ninh trong ngày 1/1 ghi nhận 947 ca nhiễm nCoV và xếp thứ 2 cả nước. Số ca mắc hàng ngày tại địa phương này vẫn duy trì ở ngưỡng 900-1.000 trường hợp trong nhiều ngày qua và chưa có xu hướng giảm. Tây Ninh cũng liên tục nằm trong nhóm có số ca mắc nhiều nhất toàn quốc trong khoảng một tháng qua.
10 địa phương có số lượng F0 cao nhất trong 7 ngày qua | |||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế | |||||||||||
Nhãn | Hà Nội | Cà Mau | Vĩnh Long | Tây Ninh | Khánh Hòa | TP.HCM | Đồng Tháp | Bình Định | Bạc Liêu | Trà Vinh | |
Trung bình số F0 trong 7 ngày | ca | 1867 | 953 | 928 | 913 | 787 | 614 | 607 | 566 | 538 | 536 |
Đến nay, Tây Ninh đã đạt tỷ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm một mũi vaccine Covid-19 lên tới 97,71%. Tỷ lệ này của tỉnh với mũi 2 cũng đạt 91,27%.
Trước tình hình dịch phức tạp, UBND tỉnh kêu gọi người dân và toàn xã hội không chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K và tích cực tiêm chủng vaccine phòng Covid-19; tăng cường khai báo y tế điện tử, quét mã QR tại các địa điểm.
Các địa phương tập trung giám sát người nhập cảnh
Bộ Y tế thống kê đến nay, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 20 trường hợp mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Cụ thể, Hà Nội là địa phương đầu tiên phát hiện ca nhiễm biến chủng này với một hành khách trở về từ Anh, cách ly ngay sau khi nhập cảnh Sân bay Nội Bài.
Sau đó không lâu, 14/15 mẫu dương tính với biến chủng Omicron tại Quảng Nam cũng đã được Viện Pasteur Nha Trang thực hiện và công bố. Mới nhất, TP.HCM cũng đã ghi nhận 5 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron. Các trường hợp này đều là người từ nước ngoài được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Trong bối cảnh này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức vừa ký văn bản khẩn về quy trình giám sát quản lý, cách ly y tế đối với người nhập cảnh qua cửa khẩu Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phải tuân thủ quy trình giám sát mới. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Cụ thể, nơi lưu trú gồm nhà ở, khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, trụ sở của cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh... phải đảm bảo điều kiện cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp nơi lưu trú (nhà ở) không đáp ứng các điều kiện thì cách ly tập trung theo quy định.
Trước đó, tại Hà Nội, UBND thành phố đã thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải về việc dừng cách ly tập trung tất cả hành khách đến từ hoặc đi qua quốc gia có người nhiễm biến chủng Omicron.
UBND Hà Nội vẫn tuân thủ tinh thần chỉ đạo chung. Sau khi Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn ứng phó với biến chủng Omicron, thành phố có văn bản 310 yêu cầu cách ly người về từ các nước có Omicron.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn, thành phố cũng ra văn bản mới phù hợp với tinh thần chung là không cách ly người từ nước có Omicron nữa.
Thêm 14.822 ca mắc Covid-19, Hà Nội và Vĩnh Long cao nhất cả nướcHà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới dẫn đầu cả nước với 1.748 F0, xếp sau là Vĩnh Long (1.223), Tây Ninh (947), Khánh Hòa (785). |