Chi 147.000 tỷ đồng, áp dụng cơ chế đặc thù xây cao tốc Bắc - Nam

Thứ ba - 11/01/2022 06:27
Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư công, áp dụng một số cơ chế đặc thù.
Chi 147.000 tỷ đồng, áp dụng cơ chế đặc thù xây cao tốc Bắc - Nam

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chiều 11/1 với 469/474 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm 93,99% tổng số đại biểu Quốc hội).

Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có chiều dài 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Nhượng quyền thu phí sau khi hoàn thành

Quốc hội thông qua tổng mức đầu tư của dự án là gần 147.000 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước.

Trong đó, giai đoạn 2021-2025 bố trí gần 120.000 tỷ đồng cân đối từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn ngân sách Nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

xay Cao toc Bac - Nam bang tien ngan sach anh 1

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Hồng Phong.

Nghị quyết nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Để dự án triển khai kịp tiến độ, Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về chỉ định thầu một số gói thầu của dự án. Nội dung này đã được thể hiện trong nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội cho phép Thủ tướng xem xét, quyết định việc chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp của các dự án quan trọng quốc gia, các dự án hạ tầng quan trọng có quy mô lớn, cấp bách về hạ tầng giao thông thuộc chương trình, bao gồm cả dự án xây dựng công trình đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tăng cường thanh tra, kiểm toán để tránh thất thoát

Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu một số ý kiến băn khoăn về chênh lệch tổng suất đầu tư của dự án giữa con số Bộ GTVT đưa ra (hơn 175 tỷ đồng/km) và Kiểm toán Nhà nước (gần 153 tỷ đồng/km).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích tại bước báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư để ước tính chi phí đầu tư xây dựng dự án. Việc tính toán chính xác tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình sẽ được tiếp tục thực hiện trong các bước tiếp theo (bước dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật), trên cơ sở điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, khối lượng xây dựng, đơn giá, định mức tại thời điểm thực hiện.

Thực tế, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017-2020 tại bước nghiên cứu tiền khả thi sơ bộ có tổng mức đầu tư là gần 119.000 tỷ đồng, đến bước nghiên cứu khả thi tổng mức đầu tư là hơn 102.000 tỷ đồng. Theo báo cáo của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đã được xác định cơ bản phù hợp theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất... xây dựng chi tiết, chuẩn xác về các giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, tính toán khối lượng, đơn giá chi tiết để lập dự toán xây dựng công trình, làm cơ sở để xây dựng giá gói thầu lựa chọn nhà thầu thi công.

Đồng thời, để quản lý chặt chẽ về nguồn vốn, bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán để tránh gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư.

6 cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ với 463/469 đại biểu tán thành (chiếm 92,79% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nghị quyết gồm 6 cơ chế, chính sách lớn về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Quốc hội cho phép Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Bên cạnh đó, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương. Ngoài ra, ngân sách Cần Thơ cũng được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chi khác.

Bộ trưởng cam kết làm cao tốc Bắc - Nam thận trọng và tiết kiệm nhất

ĐBQH băn khoăn suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam cao so với các dự án tương tự, song Bộ trưởng GTVT khẳng định mức này đã được tính toán có cơ sở. Ông hứa sẽ làm thận trọng, tiết kiệm.

'Hiến kế' đấu thầu 4 trạm thu phí để thu hồi vốn cho cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Tài chính góp ý sau khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành có thể tính toán cho đấu thầu 4 trạm thu phí, thu trong 5-7 năm thay vì phương án 15 năm như dự tính ban đầu.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp