Lần thứ 3 trong tháng này anh Trần Văn Tiến - chủ một quán phở ở Nha Trang - gọi điện cho chủ mặt bằng xin giảm giá thuê nhưng vẫn không được đồng ý.
“Ký hợp đồng thuê 5 năm, mới kinh doanh được 6 tháng thì dịch bùng phát ở Nha Trang. Ba tháng nay không làm ra đồng nào mà tiền mặt bằng vẫn phải trả, giờ chỉ mong chủ đất giảm cho một ít rồi thời gian tới xoay sở vốn bán lại”, anh Tiến nói.
Đầu năm 2021, anh Tiến quyết định bán nhà ngoài Hà Nội, đưa vợ con vào Nha Trang làm ăn. “Nghe chính quyền cho mở cửa trở lại mừng lắm, nhưng giai đoạn này chưa mở lại được vì không có người làm và thủ tục nhiều lắm”, anh Tiến cho biết.
Chi phí cao
Chủ quán phở Bắc cho biết quán có 3 nhân viên đã nghỉ 3 tháng nay. Giờ gọi họ đi làm lại phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19.
“Quán mở chắc ít khách vì chỉ được bán mang về, mà chi phí xét nghiệm cho nhân viên một lần cả triệu bạc cho 3 người. Chưa tính 2 vợ chồng mình cũng chưa được tiêm vaccine nên cũng phải làm test nhanh. Giờ có bán cũng không thể có lời nên bọn mình chưa tính chuyện mở cửa trở lại dịp này”, anh Tiến chia sẻ.
Nhiều chủ quán ăn ở Nha Trang vẫn chưa mở cửa dù chính quyền đã cho phép mở bán. Ảnh: An Bình. |
Dọc các con phố lớn ở Nha Trang như Trần Phú, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thị Minh Khai và Yersin, hầu như chưa có hàng quán nào mở bán. Một số chủ quán đã cho quét dọn mặt bằng, nhưng cho biết chưa mở cửa ngay.
Trong khi đó, tại một số đường phố nhỏ hơn ở Nha Trang, lác đác một vài quán mở cửa nhưng bán với số lượng hạn chế. “Hơn 2 tháng ngồi không nên mở lại bán cho có công chuyện. Ngày cũng chỉ được 20-30 người đặt hàng là cùng, chủ yếu bán khách quen”, bà Nguyễn Thị Mận - chủ một quán bún bò - nói.
Bà Mận đã tiêm 2 mũi vaccine nên có thể bán, nhưng bà cho rằng thủ tục mở lại quán khá phức tạp. “Khi mình đăng ký với UBND phường thì họ bảo chỉ cần đủ 2 mũi vaccine là được. Còn ai chưa được tiêm thì phải xét nghiệm nhanh Covid-19 và phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch", bà cho biết.
"Làm đủ thủ tục còn phải viết đơn cam kết chấp hành nhiều quy định khác nữa”, bà Mận nói thêm. Bà cho rằng dịch phức tạp, quy định phải chấp hành, nhưng sẽ không nhiều người hào hứng mở lại quán khi biết phải làm rất nhiều thủ tục đến vậy.
Chờ dịch được kiểm soát
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết từ 0h ngày 8/9, tỉnh cho phép cửa hàng kinh doanh sách vở, đồ dùng học tập, vật liệu xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ở "vùng xanh", "vùng vàng" được hoạt động trở lại (chỉ bán mang về).
Chủ cơ sở kinh doanh muốn mở cửa kinh doanh phải đăng ký với chính quyền địa phương và đáp ứng đủ các quy định phòng chống dịch như phải tiêm 2 mũi vaccine (mũi 2 ít nhất 14 ngày) hoặc phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.
Người bán hàng, làm việc tại các cửa hàng và cơ sở phải đeo khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, có dây giăng, vạch kẻ luồng ra/vào, có bàn trung gian giao/nhận hàng, có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ, đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi thứ 2 sau 14 ngày hoặc là người đã điều trị khỏi bệnh Covid-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Người kinh doanh cho biết họ sẽ chờ thêm thời gian, khi dịch được kiểm soát sẽ mở bán lại. Ảnh: An Bình. |
Theo một số chủ cơ sở ăn uống, riêng quy định chủ cơ sở phải tiêm đủ 2 mũi vaccine là một rào cản không nhỏ để mở hàng quán trở lại. “Một số bạn bè làm ăn của tôi đã được tiêm một mũi, còn tôi thì chưa", anh Tiến cho biết.
"Giờ có muốn mở lại cũng không đáp ứng các yêu cầu của chính quyền đưa ra. Còn nếu 3 ngày đi làm xét nghiệm Covid-19 một lần sẽ đội chi phí khi lượng khách chưa biết có đảm bảo doanh thu không”, anh Tiến lý giải.
Ngoài ra, việc còn giãn cách xã hội ở nhiều địa phương nên nguồn cung nguyên liệu phục vụ các quán ăn cũng hạn chế. Theo anh Hùng, quán anh lấy nguyên liệu thịt dê ngoài Nghệ An. Nhưng hiện địa phương này cũng đang giãn cách nên việc lấy hàng không thể đảm bảo thời gian giao trong một ngày.
“Hàng vào chậm chắc chắn phải bỏ vì thịt bị ôi, bốc mùi không thể chế biến cho khách được” anh Hùng nói. Anh cho biết sẽ đợi thêm một thời gian nữa, khi dịch được kiểm soát mới tính đến mở lại.
Cơ hội nào cho bất động sản ven biển sau dịch?Các chuyên gia cho rằng bất động sản ven biển vẫn là kênh đầu tư mà doanh nghiệp đổ vốn vào, nhất là những địa phương chưa được khai phá nhưng nắm lợi thế về quỹ đất, chính sách. |
Hàng quán Nha Trang vẫn đóng cửa sau nới lỏng giãn cáchĐi dọc các con phố lớn như Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thiện Thuật (TP Nha Trang), hàng trăm cửa hàng ăn uống, nước giải khát vẫn đóng cửa, treo bảng tạm nghỉ vì dịch. |
Mở chiến dịch tầm soát Covid-19 toàn TP Nha Trang"Những ngày gần đây Nha Trang phát hiện một số ca F0 trong cộng đồng, không xác định nguồn lây, dẫn tới nguy cơ dịch có thể phức tạp trong thời gian tới", Chủ tịch Khánh Hòa nói. |