Trong phiên giao dịch ngày 9/9, nhóm cổ phiếu hàng không và dịch vụ hàng không đồng loạt tăng tốc. Trong đó, HVN của Vietnam Airlines tăng hết biên độ lên 23.950 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp mã chứng khoán này đi lên, đồng thời thanh khoản tăng vọt lên hơn 2 triệu đơn vị cùng dư mua trần nửa triệu cổ phiếu khác.
Cổ phiếu của các hãng hàng không tư nhân như VJC (Vietjet Air) và VTR (Vietravel Airlines) cũng lần lượt tăng 3,5% và 7,3% trong phiên sáng nay. ACV của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, đơn vị vận hành 22 sân bay trong nước, cũng tăng 5,5% lên 83.000 đồng/cổ phiếu để xác lập vùng giá cao nhất từ đầu năm.
Nhóm doanh nghiệp dịch vụ hàng không như AST của Dịch vụ Hàng không Taseco, SAS của Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, SGN của Phục vụ mặt đất Sài Gòn... đều diễn biến rất tích cực với biên độ tăng giá khoảng 2-7%.
Cổ phiếu hàng không, bán lẻ bứt phá phiên 9/9. Bảng giá: SSI |
Ngày 8/9, thông tin từ Cục Hàng không cho biết cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch khai thác các đường bay thường lệ trong giai đoạn dịch bệnh.
Còn theo kế hoạch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành du lịch dự kiến sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Ngoài nhóm hàng không thì cổ phiếu bán lẻ cũng khởi sắc khi hoạt buôn bán dần được khởi động. Trong đó MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động tăng gần hết biên độ lên 118.900 đồng/cổ phiếu. PNJ của Vàng bạc Phú Nhuận tăng 5% đạt 90.500 đồng/cổ phiếu. Hay như MSN của Masan Group, FRT của FPT Retail hay DGW của Digiworld cũng đạt mức tăng 2-3%.
Cổ phiếu bán lẻ đi lên sau khi UBND TP Hồ Chí Minh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.
Nhóm bán lẻ, ngân hàng, hàng không đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Nguồn: VNDirect. |
Chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng mạnh hơn 10 điểm (0,78%) lên gần 1.344 điểm. Toàn sàn có 274 mã tăng giá (18 mã tăng trần), cao gấp đôi so với 134 mã giảm giá, và còn 40 mã đi ngang tại mức giá tham chiếu.
Diễn biến tương đồng trên sàn HNX khi chỉ số đại diện sàn này tăng hơn 3 điểm (0,91%) lên trên 350 điểm. Chỉ số đại diện sàn UPCoM cũng biến động tăng 0,5% lên gần 95 điểm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến tích cực để đóng góp vào đà tăng chỉ số. Riêng VN30-Index tăng gần 14 điểm (0,95%) với 21/30 mã tăng giá. Trong đó GVR, MWG và MSN đóng góp nhiều điểm số nhất cho mức tăng của VN-Index.
Ngoài hàng không và bán lẻ sôi động, nhiều nhóm cổ phiếu khác cũng có mức tăng giá đáng kể. Nhóm thép, cảng biển, vật liệu xây dựng hay bất động sản cũng thu hút dòng tiền với nhiều mã tăng mạnh giúp lan tỏa đà tăng toàn thị trường.
Tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn hôm nay giảm gần 2% về mức 23.655 tỷ đồng, tương đương với gần 849 triệu cổ phiếu được giao dịch. Giá trị giao dịch tính riêng trên sàn HOSE là 19.583 tỷ, tăng 3 tỷ đồng so với phiên liền trước.
Khối ngoại vẫn tiếp tục xu thế bán ròng khi nhóm này mua vào tổng cộng gần 1.199 tỷ đồng trong khi lại bán ra hơn 1.714 tỷ, tương đương với giá trị bán ròng gần 516 tỷ đồng.