Di nguyện cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức qua hồ sơ lưu trữ

Thứ sáu - 02/06/2023 22:14
Ngọn lửa và trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đẩy phong trào đấu tranh của Phật giáo lên cao, khơi dậy được sự đoàn kết một lòng của người Việt trong và ngoài nước.
Di nguyện cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức qua hồ sơ lưu trữ
Thich Quang Duc anh 1

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối đàn áp Phật giáo năm 1963. Ảnh: Malcolm Browne.

Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu trong phong trào đấu tranh của Phật giáo năm 1963 đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo đã gây xúc động mạnh mẽ dư luận trong và ngoài nước.

Ngọn lửa Quảng Đức

Hồ sơ lưu trữ số 2670 thuộc Phông Tòa Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần (hiện lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Đà Lạt, Lâm Đồng) cho biết di nguyện của Hòa thượng Thích Quảng Đức - vị pháp thiêu thân; sự vào cuộc của các hãng truyền thông lớn; cũng như việc xử lý cuộc khủng hoảng tôn giáo một cách thô bạo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ gia đình trị họ Ngô.

Theo đó, trong thời gian cầm quyền tại miền Nam Việt Nam (1955-1963), chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện nhiều chính sách bất bình đẳng về tôn giáo. Điều này đã khiến cho mâu thuẫn tôn giáo trở nên gay gắt trong xã hội.

Ngày 8/5/1963, các phật tử đã tập trung và diễu cờ Phật giáo, kỷ niệm Lễ Phật đản. Nhưng cuộc diễu hành đã nhanh chóng chuyển thành một cuộc biểu tình đòi bình đẳng tôn giáo. Đụng độ xảy ra giữa phật tử và chính quyền tại Đài phát thanh Huế, kéo theo đó là một vụ nổ súng 9 người chết khiến cho dư luận sục sôi.

Thich Quang Duc anh 2

5 nguyện vọng của Phật giáo (Hồ sơ số 2670, Phông Tòa Đại biểu tại Trung nguyên Trung phần). Nguồn: Trung tâm LTQG IV.

Ngày 10 tháng 5 năm 1963, các vị chức sắc đại diện Phật giáo đã đưa ra 5 nguyện vọng tối thiểu và chính đáng đề nghị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa chấp thuận, trong đó có việc đòi được tự do treo cờ tôn giáo của mình, được hưởng một chế độ đặc biệt như các Hội truyền giáo Thiên Chúa ghi trong Dụ số 10. Đồng thời, yêu cầu chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.

Tuy nhiên, những nguyện vọng này của Phật giáo không được chính quyền Ngô Đình Diệm đồng ý. Nhiều cuộc biểu tình, tuyệt thực… phản đối của tăng ni, phật tử diễn ra khắp tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam như Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang.

Và, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra. Sáng ngày 11/6/1963, giữa đường phố Sài Gòn, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã chọn cách tự thiêu để phản đối. Ông gửi gắm trong di nguyện: “Trước khi nhắm mắt về với Đức Phật, tôi được hân hạnh gửi lời đến Tổng thống Diệm, yêu cầu Tổng thống từ tâm quảng đại đối với đồng bào của Tổng thống và làm mạnh mẽ thêm chính sách bình đẳng tôn giáo”.

Những hình ảnh bi thương về vụ tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức nhanh chóng được các hãng thông tấn báo chí có mặt tại Sài Gòn khi đó đăng tải đã gây ra một sự xúc động mãnh liệt cho phật tử và dư luận trong và ngoài nước.

Biểu tượng của phong trào đấu tranh

Tuần báo Time, số ra ngày 21/6/1963 với bài báo Cuộc thử lửa viết: “Một chiếc xe dẫn đầu một đám rước của các Tăng, Ni áo vàng ở Sài Gòn đã thình lình làm nghẽn một giao điểm của một con đường những người ngồi trong xe nhắc mui xe lên, và những nhà sư đang tụng kinh cầu nguyện bắt đầu giàn ra thành vòng tròn 7, 8 lớp quanh chiếc xe.

Tay lần chuỗi hạt, Thượng tọa Thích Quảng Đức điềm tĩnh ngồi xếp bàn trên mặt nhựa, chính giữa vòng tròn. Một vị sư lấy ra một thùng đựng xăng dưới mui xe và đổ đầy vào mình vị Thượng tọa. Trên nét mặt nhăn nheo, hiện ra một sự điềm tĩnh. Khi ngọn lửa đang thiêu hủy thân thể, Ngài không thốt ra một tiếng kêu la nào và không một bắp thịt nào rung động cả. Một quan sát viên Âu Tây thốt lên: Ô, lạy Chúa, Ô lạy Chúa”.

Thich Quang Duc anh 3

Di nguyện cuối cùng của Hòa thượng Thích Quảng Đức (Hồ sơ số 2670, Phông Tòa Đại biểu tại Trung nguyên Trung phần). Nguồn: Trung tâm LTQG IV.

Tờ Le Monde đã công kích Chính quyền Ngô Đình Diệm bằng những lời lẽ kịch liệt “Biến cố ở Huế gây nên do sự đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền, đã là một dịp tốt để sự bất mãn của nhân dân bộc phát”, đồng thời khẳng định: “Trước hành động tự sát để đấu tranh, kẻ tàn bạo nhất cũng phải chùn bước”.

Ở một góc nhìn khác, báo Kiattisak dẫn lời ông Ngô Đình Diệm “lên tiếng kêu gọi dân chúng bình tĩnh để ông cố gắng tìm cách giải quyết một cách ổn thỏa vấn đề tranh chấp giữa Phật giáo và Chính phủ”.

Còn New York Times số ra ngày 5 tháng 7 năm 1963 thì đăng tải bài viết Quả tim của Quảng Đức, có nội dung: “Những cái cúi đầu xuống, những lòng bàn tay úp vào nhau trong lời cầu nguyện của hàng nghìn phật tử đã sắp hàng lặng lẽ quanh chùa Xá Lợi trong tuần qua để chứng kiến một sự kiện mà hầu hết tin rằng đó là một sự nhiệm màu… Trên bàn thờ, trong một cái bình thuỷ tinh bỏ vào trong một cái tủ là vật của sự tôn kính - một phần cơ thể đã bị đốt cháy với hàng chữ viết rằng QUẢ TIM BẤT DIỆT CỦA HOÀ THƯỢNG QUẢNG ĐỨC”.

Thich Quang Duc anh 4

Bức ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu của Malcolm Browne được nghệ sĩ Sanna Dullaway, người chuyên thực hiện các dự án phục hồi ảnh cũ, tô màu sắc.

Ngọn lửa và trái tim của Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đẩy phong trào đấu tranh của Phật giáo lên cao, khơi dậy được sự đoàn kết một lòng của người Việt trong và ngoài nước, vượt lên trên biên giới, vùng miền, tôn giáo.

Hình ảnh một nhà sư ngồi kiết già “hình như không có cảm giác gì khi ngọn lửa phừng phực quanh mình. Ngài ngồi thẳng không kêu rên một tiếng nào trong vòng hơn 4 phút trước khi từ giã cõi đời” đã trở thành biểu tượng bất diệt trong phong trào đấu tranh của Phật giáo nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung.

Bồi hồi khi xem tư liệu về ngày Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu

Triển lãm "Kết nên một đài sen" với hơn 100 hiện vật ấn phẩm báo chí, tư liệu tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân (1963-2023).

Nghiên cứu mới về Bồ tát Quán Âm ở Việt Nam

"Phật bà Bể Nam - Truyện Quán Âm Diệu Thiện" bước đầu làm rõ quá trình truyền bá, tiếp nhận và dung hợp hình tượng Quán Âm trong Phật giáo với tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp