Dịp nghỉ lễ 10/3 Âm lịch sắp tới, Quỳnh Anh (28 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và bạn trai chủ đích chọn lưu trú tại resort sát biển ở Mũi Né (Bình Thuận). Bên trong khu nghỉ có đầy đủ dịch vụ vui chơi, thư giãn và ăn uống nên hai người sẽ không cần phải đi ra ngoài.
“Công việc của hai đứa khá bận rộn nên mấy ngày lễ, chúng mình chỉ mong được nghỉ ngơi, thư giãn chứ không có nhu cầu phải quần áo là lượt đi check-in khắp nơi. Hơn nữa, resort đẹp và tiện nghi nên cũng không cần phải đi đâu xa”, cô nói với Zing.
Đây không phải lần đầu tiên Quỳnh Anh và nửa kia đi du lịch chỉ để thay đổi chỗ ngủ, nghỉ ngơi trong vài ngày.
Muốn chill hơn “sống ảo”
Vào tháng 2, Quỳnh Anh và bạn trai có chuyến đi 3 ngày 2 đêm tới Hội An (Quảng Nam). Họ thuê khách sạn ở gần biển An Bàng, có bãi tắm, sân vườn và cách phổ cổ chỉ 15-20 phút di chuyển bằng xe máy.
Quỳnh Anh ưu tiên nghỉ ngơi, thư giãn thay vì check-in “sống ảo”. |
Đó là lần thứ hai Quỳnh Anh đến Hội An. Các điểm tham quan đã ghé thăm trong đợt trước nên chuyến đi này, cô cùng người yêu chỉ quanh quẩn sáng ra vườn đọc sách, trưa về ngủ, chiều qua phố cổ Hội An ăn uống, đi dạo.
Khi còn là sinh viên, Quỳnh Anh thường xuyên đi phượt, ngồi xe máy vài trăm cây số không biết mệt. Sau khi ra trường, mỗi năm, cô đi du lịch nước ngoài vài chuyến và luôn hào hứng khám phá các điểm đến.
Tuy nhiên, sau 2 năm dịch Covid-19, Quỳnh Anh gần như chỉ ở Hà Nội. Nhiều sự kiện xảy ra khiến bản thân cô có cái nhìn khác về mọi thứ.
Hiện tại, với Quỳnh Anh, du lịch là dịp nghỉ ngơi, thư giãn, đến nơi có không khí trong lành để hít thở. Cô vẫn hào hứng đi du lịch nhưng không còn là những chuyến phượt “hành xác” hay cố đi bằng được nhiều địa điểm nhất có thể.
“Mình không có nhu cầu check-in để có ảnh đẹp khoe mạng xã hội nên tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc chuẩn bị váy áo, phụ kiện. Mình cũng tránh đi đến các địa điểm đông đúc mà ưu tiên nơi có sân bay, thuận tiện di chuyển. Thỉnh thoảng vào cuối tuần, mình book resort ngoại thành Hà Nội để đến đó spa thư giãn, đạp xe, đọc sách”, cô nói.
Trước kia, bạn trai Quỳnh Anh cũng thích đi khám phá khắp nơi trong chuyến du lịch. Hậu dịch, anh chỉ thích tới điểm đến, ngồi chill trong resort, khách sạn để thư giãn tinh thần.
“Muốn chill hơn là sống ảo” cũng là tiêu chí của Phương Thảo (27 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội) trong chuyến du lịch Nha Trang (Khánh Hòa) một mình hồi giữa tháng 3. Khi đó, cô vừa chuyển đổi công việc nên ngẫu hứng đi.
“Sáng mình xem thấy vé máy bay rẻ, chỉ khoảng 1 triệu đồng khứ hồi nên book luôn. Sau đó, mình mới chọn khách sạn và chuẩn bị đồ. Đến chiều, mình đã có mặt ở Nha Trang. Cảm giác vừa háo hức, vừa hồi hộp vì đây là lần đầu tiên mình đi xa một mình”, cô nói.
Trong chuyến du lịch Nha Trang, Phương Thảo chỉ ra ngắm biển một lúc, còn lại cô chủ yếu ở phòng nghỉ ngơi và đi ăn hải sản. |
Tối đầu tiên, Thảo đi dạo và ăn uống gần nơi lưu trú. Những ngày sau, cô gần như chỉ ở trong phòng nghỉ ngơi.
“Thời tiết nắng nóng nên mình ít ra ngoài. Mình cũng tham khảo tour ra đảo nhưng đi một mình chi phí thuê phương tiện rất đắt đỏ. Mình có bạn ở Nha Trang nhưng không hẹn trước nên bạn đã đi Đà Lạt. Tuy nhiên, mình không thấy buồn vì chuyến này xác định đi để ‘refresh’ tinh thần trước khi nhận công việc mới”, Thảo cho hay.
Kế hoạch đảo lộn vì thời tiết
Trước chuyến du lịch TP Huế cùng người yêu vào đầu tháng 4, Ngọc Trâm (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) chi 2,5 triệu đồng sắm váy áo để chụp ảnh tại các địa điểm nổi tiếng. Cô cũng bỏ 1,3 triệu đồng thuê homestay ở vị trí trung tâm để tiện đi chơi.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Trâm chỉ có thể tham quan một điểm, còn lại phải ở trong nhà quá nửa thời gian của chuyến đi do trời mưa.
“Hai đứa thuê xe máy 150.000 đồng/ngày nhưng chỉ đi chơi được một ngày rưỡi, còn lại rất khó di chuyển. Điểm check-in duy nhất là Đại Nội Huế vì ở đó có mái che. Các lăng tẩm khác đều ngoài trời nên chúng mình không đi được”, cô kể.
Cả chuyến đi, Trâm cùng nửa kia đi được 2-3 điểm ăn, chơi vì mưa to, hàng quán đóng cửa nhiều. Hôm đầu, hai người bỏ tiền đi taxi nhưng cách này đắt đỏ, đội chi phí lên nhiều nên những hôm sau, họ cố đi xe máy ăn gần nhà hoặc order đồ về.
Ngọc Trâm và nửa kia không thể ghé thăm các điểm đến như dự định vì trời mưa. Họ chủ yếu đi ăn gần nhà hoặc order về. |
Trâm cũng không hào hứng chụp ảnh vì không thể mặc đẹp.
“Lần đầu đi chơi mà phải ở trong nhà quá nhiều thời gian. Mình thấy vừa tốn tiền, vừa tốn công sức mà không trải nghiệm được gì ở địa phương. Điều này không khác gì bỏ 3-4 triệu đồng chỉ để đổi sang một chỗ ngủ khác”, cô than thở.
Sau chuyến đi, Trâm tính đi Huế lần nữa để bù đắp nhưng nhìn giá vé máy bay và tình trạng hết phòng homestay phù hợp giá cả nên đành gác lại.
“Càng sát dịp 30/4-1/5, giá vé máy bay càng tăng chóng mặt. Chỉ một tuần trước, mình đặt vé khứ hồi 1,7 triệu đồng/người mà giờ giá đội lên thành 2-3 triệu đồng/chiều. Hơn nữa, đi vào đợt lễ quá đông đúc, mình cũng lo dịch nên chỉ chọn thời điểm vắng và nơi có ít người. Có lẽ, tới cuối tháng 5, mình mới dám đi chuyến khác để bù lại”, cô cho hay.
Ở khách sạn 5 sao, ăn quán vỉa hè khi đi Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội AnLựa chọn khách sạn đẹp, sang trọng để lưu trú, nhiều bạn trẻ lại thích ngồi quán vỉa hè, thưởng thức các món ăn đường phố, đặc sản địa phương khi đến các điểm du lịch nổi tiếng. |