Sau khi đại dịch Covid-19 được khống chế một bước, sự mạnh dạn của Chính phủ khi quyết định mở cửa lại thị trường quốc tế từ 15/3 giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia mở cửa sớm so với khu vực Đông Nam Á.
Dù vậy, thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy trong tháng mở cửa, Việt Nam đón 15.000 lượt khách quốc tế và đón 80.000 trong tháng 4. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đón 102.358 lượt, trong khi mục tiêu đặt ra là đón 5 triệu khách trong năm.
“Yên tâm, mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế sẽ đạt được, nhưng phải từ từ”, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tự tin nói với Zing.
Phụ thuộc các nước, không phải “thích là được”
Theo Bộ trưởng Văn hóa, lượng khách quốc tế vào Việt Nam những tháng đầu năm chưa đạt kỳ vọng bởi nhiều yếu tố khách quan như tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, các thị trường lớn truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chưa sẵn sàng hoặc mở cửa dè dặt…
Dẫn chứng Hàn Quốc là thị trường du lịch mà Việt Nam chú ý, Bộ trưởng Văn hóa cho biết nước này bắt đầu mở cửa nhưng còn thận trọng. Trước đây, Hàn Quốc đưa ra chính sách yêu cầu người nhập cảnh cách ly 15 ngày nhưng mới đây giảm xuống còn 7 ngày.
Cũng là một thị trường du lịch lớn của Việt Nam, Nhật Bản thể hiện tính thận trọng khi giảm dần thời gian cách ly từ 15 ngày xuống 7 ngày, và mới đây nhất còn 3 ngày.
"Việc mở cửa du lịch cũng phải từ từ, nhưng có thể yên tâm mục tiêu 5 triệu khách sẽ đạt được"
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của Việt Nam lại đang theo đuổi chính sách Zero Covid nên việc khách Trung Quốc đi du lịch là rất khó.
“Đó là những yếu tố khách quan từ bên ngoài. Khi các nước mở cửa thì khách của họ mới sẵn sàng đến với chúng ta, không phải chúng ta muốn là được”, ông Hùng nói và cho biết những gì Việt Nam cần nỗ lực là tạo điều kiện, cơ chế tốt nhất để thu hút khách; đưa ra gói sản phẩm du lịch và giới thiệu, quảng bá những điểm đến hấp dẫn nhất cho khách quốc tế.
“Việc mở cửa du lịch cũng phải từ từ, nhưng có thể yên tâm mục tiêu 5 triệu khách sẽ đạt được”, người đứng đầu ngành văn hóa, thể thao, du lịch khẳng định.
Nhiều khách du lịch ở những thị trường lớn của Việt Nam e ngại đi du lịch khi đất nước họ chưa mở cửa sau đại dịch. Ảnh: LUX Group. |
Trả lời về cơ sở cho sự tự tin này, ông Hùng cho biết qua khảo sát, sau khi các nước khống chế được dịch thì nhu cầu du lịch ở những thị trường này đều tăng.
Bộ Văn hóa cũng xây dựng một số văn phòng lữ hành ở các nước để nắm tình hình và nhu cầu du lịch tại đó, để đơn vị lữ hành giữa Việt Nam và các nước có thể phối hợp, liên kết làm du lịch. Đó là mục tiêu hướng đến của chính sách du lịch toàn cầu hóa.
Không cần đếm khách
Nhắc lại thời điểm mở cửa du lịch, Bộ trưởng Văn hóa nhìn nhận đó là một quyết định không đơn giản, vì “mở chậm thì mất cơ hội, mở sớm mà dịch vào thì biết làm sao?”. Bởi vậy, quyết định khi đó được Chính phủ cân nhắc, phân tích kỹ dựa trên tiềm lực và luận cứ khoa học chứ không chỉ là ý chí chính trị.
"Không cần tính số lượng khách mà cần tính hiệu quả, thu nhập xem mỗi khách quốc tế đến Việt Nam tiêu bao nhiêu tiền, mang lại những giá trị gì"
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Sự mạnh dạn này cũng được thể hiện ở quyết định tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam trong bối cảnh dịch còn khó lường, còn các cơ quan quản lý phải “liệu cơm gắp mắm” khi Nghị quyết của Quốc hội chỉ cấp 750 tỷ cho việc tổ chức sự kiện thể thao này. Đó là con số mà theo ông Hùng, “không là gì so với sự kiện quốc tế”. Để làm tốt, các cơ quan phải nỗ lực huy động, tranh thủ các nguồn lực xã hội.
“Phải nỗ lực vì đây không chỉ là sự kiện thể thao. Qua SEA Games cho thấy lượng khách quốc tế đã bắt đầu đến Việt Nam", ông Hùng nói.
Vị Bộ trưởng thông tin riêng số khách quốc tế của SEA Games đến Việt Nam vừa qua là hơn 10.000 người (gồm thành phần chính thức theo đoàn như huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài; chưa tính đội ngũ đi theo phục vụ).
Cũng theo ông Hùng, qua nghiên cứu quy luật cho thấy một quốc gia tổ chức sự kiện quốc tế thì thường 3 năm sau đó, lượng khách quốc tế đến thường có chiều hướng tăng.
“Nhưng giờ, hướng tiếp cận của chúng tôi đã thay đổi, đó là không cần tính số lượng khách mà tính hiệu quả, thu nhập, xem mỗi khách quốc tế đến Việt Nam tiêu bao nhiêu tiền, mang lại những giá trị gì", ông Hùng nhấn mạnh.
Ông phân tích một khách quốc tế vào Việt Nam thường đi khoảng 7-15 ngày, chi khoảng 1.100 USD. Vì vậy, chúng ta phải làm sao tạo môi trường hấp dẫn để khai thác được những giá trị này.
Nha Trang là điểm đến chịu ảnh hưởng lớn từ việc mất khách Nga. Ảnh: An Bình. |
Với cơ hội là cao điểm du lịch hè đang đến gần, Bộ trưởng Văn hóa kỳ vọng thu hút được nhiều khách quốc tế, song cũng chỉ ra thực tế du lịch hè chủ yếu tập trung ở vùng biển tại địa phương như Nha Trang, Bình Thuận. Lâu nay, lượng khách chủ yếu của các địa phương này là Nga và Trung Quốc thì Trung Quốc đang “Zero Covid”, còn Nga đang xảy ra xung đột với Ukraine nên “cũng có cái khó”.
Từ góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Hùng cho biết Bộ Văn hóa vừa qua có gói 100 tỷ để làm trung tâm điều hành thông minh, phục vụ cho chuyển đổi số trong phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tập trung cùng những địa phương trọng điểm du lịch để kết nối, đối giữa đầu ra - đầu vào, nhu cầu - điểm đến và tính toán cùng địa phương làm sản phẩm du lịch thích ứng với tâm lý của hành khách sau đại dịch. Bộ trưởng Văn hóa tin tưởng sự phục hồi của “ngành kinh tế không khói” sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.