Lấn sân mảng bất động sản ngay trước khi thị trường này rơi vào khủng hoảng (giai đoạn 2007-2008), Tập đoàn Tân Hoàng Minh là một trong số ít doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì được phân khúc sản phẩm siêu sang trong hơn một thập niên kinh doanh gần đây.
Ít ai biết rằng doanh nghiệp sở hữu hàng loạt dự án bất động sản hạng sang tại thủ đô lại có xuất phát điểm từ ngành vận tải taxi và người đứng sau sự chuyển mình của tập đoàn này chính là ông chủ Đỗ Anh Dũng.
Ông Dũng sinh ngày 30/7/1961 tại Hà Nội, đến nay, ông vẫn là một trong những doanh nhân nổi tiếng với vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Đường kinh doanh của ông chủ Tân Hoàng Minh
Tập đoàn này hiện là chủ đầu tư một loạt dự án bất động sản hạng sang ở thủ đô như D’. Palais de Louis (số 6 Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy); D'. Le Roi Soleil Quảng An (số 2 Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ); D’. El Dorado I và D’. El Dorado II (đường Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ); D’ Le Pont Hoàng Cầu (36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa)…
Giống nhiều doanh nhân nổi tiếng gốc Hà Nội, ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng xuất phát là công chức. Cụ thể, năm 1984, khi mới 23 tuổi, ông Dũng bắt đầu làm việc tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước Hà Nội. Khoảng 3 năm sau, ông chuyển đến công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước tại TP.HCM.
Đến năm 1989, ông đã là phó tổng giám đốc tại Liên hiệp xuất khẩu điện tử quang học ELOPI.
Bước ngoặt đầu tiên trong sự nghiệp kinh doanh của ông Đỗ Anh Dũng đến vào tháng 6/1993, khi quyết định thành lập Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Sau này, khi kể lại về quyết định thành lập doanh nghiệp, ông Dũng cho biết mình thành lập công ty vào thời kỳ đất nước kiến thiết và phát triển mạnh mẽ, cứ lao vào việc là kiếm ra tiền. Tuy nhiên, ông luôn khẳng định "đặt đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh vì lợi ích của khách hàng và xã hội lên đầu".
Ông Đỗ Anh Dũng gây chú ý khi tham gia phiên đấu giá đất Thủ Thiêm hồi cuối năm 2021 với giá trúng đấu 2,45 tỷ đồng/m2. |
Ở thời điểm mới thành lập, Tập đoàn Tân Hoàng Minh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, sản xuất và xuất khẩu mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ. Trong đó, năm 1995, ông Dũng định hướng doanh nghiệp theo lĩnh vực vận tải với việc xây dựng hệ thống taxi V20. Thương hiệu taxi này không lâu sau đã chiếm 20-25% thị phần vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang…
Đến năm 1998, vị doanh nhân họ Đỗ thành lập nhà máy sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ với thương hiệu RATEX. Những sản phẩm mây tre đan được xuất khẩu sang các nước châu Âu mang về cho Tân Hoàng Minh khoản lợi nhuận hàng chục triệu USD mỗi năm.
Đây cũng là bước đệm quan trọng cho bước ngoặt thứ hai trong sự nghiệp kinh doanh của ông Đỗ Anh Dũng vào năm 2006, khi chuyển hướng Tân Hoàng Minh lấn sân sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Đế chế bất động sản hạng sang
Từ khi bước chân vào lĩnh vực bất động sản, ông Dũng đã định hình doanh nghiệp mình chỉ tập trung phát triển các sản phẩm cao cấp.
Trong hơn một thập niên kinh doanh lĩnh vực này cùng với các tên tuổi doanh nghiệp lớn ở Hà Nội như Vingroup; T&T; BRG… ông Đỗ Anh Dũng cũng phải trải qua nhiều biến cố thị trường. Từ giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng năm 2007-2008, khủng hoảng thị trường tài chính năm 2011-2012, suốt giai đoạn này, Tân Hoàng Minh vẫn trung thành với việc xây dựng các dự án hạng sang.
Đến nay, các dự án mới nhất của Tân Hoàng Minh vẫn duy trì phân khúc bất động sản này.
Dự án D’. Palais de Louis của Tập đoàn Tân Hoàng Minh ra mắt từ năm 2009 đến nay vẫn là dự án có giá bán cao bậc nhất Hà Nội. Ảnh: Việt Linh. |
Tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Dũng vẫn đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 51,48% vốn. Với vốn điều hơn 10.000 tỷ đồng, số vốn góp vị doanh nhân này nắm giữ tại đây đã đạt trên 5.100 tỷ.
Thông qua tập đoàn này, ông Dũng cũng đang sở hữu hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt (vốn 1.600 tỷ); Công ty CP Cung Điện Mùa Đông; Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil; Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Thanh; Công ty CP Quản lý bất động sản ALG… Các doanh nghiệp này hiện đều có tổng tài sản hàng nghìn tỷ đồng và sở hữu các dự án bất động sản hạng sang tại Hà Nội.
Ngoài các dự án tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh cũng mới lấn sân sang thị trường bất động sản Phú Quốc với dự án phức hợp du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí tại Nam Phú Quốc. Đây là tổ hợp quần thể du lịch được xây dựng trên diện tích đất 34 ha tại Bãi Trường - bãi biển đẹp nhất Phú Quốc, tổng vốn đầu tư dự án vào khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, doanh nhân họ Đỗ này cũng đang nắm 15% cổ phần tại Công ty CP D.Pay có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Ông Dũng cũng sở hữu 80% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Thái Sơn; 80% vốn tại Công ty CP Quản lý bất động sản Ánh Sáng Việt; 34% vốn tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Tân Hoàng Minh; 25% vốn tại Công ty CP nhà D'Land…
Ước tính, giá trị tài sản của ông Dũng tại nhóm doanh nghiệp này lên tới 10.000 tỷ đồng.
Bên cạnh số tài sản, vốn đầu tư mà ông Dũng nắm giữ trực tiếp, lượng lớn vốn còn lại tại các doanh nghiệp kể trên cũng đều do những người thân trong gia đình và các công ty liên quan ông Dũng nắm giữ.
Bên cạnh ông Dũng, hiện cả 3 người con của ông đều đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại Tân Hoàng Minh.
Trong đó, con trai đầu - Đỗ Hoàng Minh (Denis Đỗ) - hiện là Giám đốc kinh doanh của Tân Hoàng Minh, chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất động sản ra thị trường. Người con thứ 2 - Đỗ Hoàng Việt - hiện là Phó tổng giám đốc, phụ trách mảng Trung tâm đấu thầu, Trung tâm tài chính kế toán tập đoàn.
Người con còn lại của vị doanh nhân này là Anh Sa, ái nữ duy nhất, hiện cũng đảm nhiệm vị trí quản lý cấp cao tại các công ty thành viên của Tân Hoàng Minh.
Tối 5/4, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an cho biết Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can Đỗ Anh Dũng (61 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) cùng 6 ngưòi khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gồm: Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt), Trần Hồng Sơn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil), Nguyễn Khoa Đức (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Cung điện Mùa Đông), Lê Văn Thịnh ( Phó tổng giám đốc Tân Hoàng Minh), Phùng Thế Tính (nguyên Giám đốc Tài chính kế toán Tân Hoàng Minh)
Trái chủ của Tân Hoàng Minh lấy lại tiền thế nào?Sau khi bị hủy bỏ giao dịch, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền cho trái chủ trong vòng 60 ngày. Tập đoàn này khẳng định sẽ trả tiền lại cho trái chủ theo quy định. |