Vừa quyết định cho 2 tàu cá công suất 900CV nằm bờ, ngư dân Nguyễn Văn Tính - ngụ TP Nha Trang, Khánh Hòa - cho biết buộc phải quyết định vì giá bán cá không đủ chi phí một chuyến đi biển.
“Hai tàu của tôi đều đánh bắt xa bờ nên ảnh hưởng nặng nề khi giá xăng dầu tăng cao. Hai chuyến biển vừa qua tôi lỗ gần 200 triệu, giờ không biết lấy tiền đâu để trả nợ”, anh Tính buồn bã nói.
Mỗi chuyến đi lỗ cả trăm triệu
Theo ông Tính, dù đang là mùa đánh bắt hải sản, không chỉ ông mà hầu hết ngư dân đánh bắt xa bờ không dám cho tàu ra khơi, vì biết chắc sẽ lỗ vốn.
“Khi xăng dầu chưa tăng mỗi chuyến đi chúng tôi phải bỏ ra 40-50 triệu tiền nhiên liệu. Nay phải bỏ gấp đôi số đó, chưa kể giá thực phẩm cũng tăng theo xăng dầu, trong khi giá bán cá đang ở mức thấp, nên cứ ra khơi là xác định lỗ vốn”, ông Tính cho biết thêm.
Hàng trăm tàu cá bỏ biển vì không kham nổi giá xăng dầu. Ảnh: An Bình. |
Còn ngư dân Đặng Tấn Hùng - chủ tàu câu cá ngừ KH 95256 TS - cho biết năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh nên tàu ông chỉ đi được 4 chuyến biển nhưng lỗ 150.000 triệu đồng. Chuyến biển khởi hành ngày 20/2, ông Hùng mua hơn 3.700 lít dầu với giá hơn 21.000 đồng/lít, cao hơn hồi trước Tết gần 4.000 đồng/lít.
“Chi phí một chuyến biển khoảng 90 triệu đồng thì nay đã gần 130 triệu đồng. Các mặt hàng khác cũng tăng như đá bào trước Tết là 25.000 đồng/cây thì nay đã lên 27.000 đồng/cây. Mỗi chuyến trung bình dùng hơn 350 cây đá tương đương mất thêm 7 triệu đồng. Chưa kể giá gas, thực phẩm, ngư cụ cũng tăng theo. Nếu giá cá không tăng và không đạt sản lượng chắc chắn đi biển sẽ lỗ nặng”, ông Hùng nói.
Vừa kết thúc chuyến biển hơn 10 ngày, ngư dân Bùi Văn Miên - ngụ phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - cho biết riêng tiền dầu đã hết gần 100 triệu đồng (gần 5.000 lít).
“Chuyến biển này bán cá được hơn 250 triệu đồng, trừ tiền dầu, ăn uống, phí tổn hết khoảng 150 triệu đồng, còn dư 100 triệu đồng chia cho bạn thuyền mỗi người được hơn 2,5 triệu đồng. Đây là mức rất thấp so với hồi trước khi giá xăng dầu tăng”, ông Miên cho biết.
Cũng theo ông Miên giá dầu tăng nhưng sản lượng đánh bắt ngày một ít dần và giá cá không tăng nên việc tìm lao động đi biển rất khó, chủ tàu dễ thua lỗ. “Giá xăng không hạ, chắc chắn không ai dám ra khơi”, ông Miên nói thêm.
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết địa phương có khoảng 2.000 tàu đánh bắt xa bờ (tàu trên 15 m). Sau khi giá xăng dầu liên tục đạt đỉnh, hiện có khoảng 50% tàu nằm bờ, ngư dân bỏ biển rất nhiều.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ - TP Nha Trang - cho biết xăng dầu tăng giá nên nhiều tàu cá nằm tại cảng, không vươn khơi.
“Hiện, cảng Hòn Rớ đang có hơn 200 tàu nằm bờ. Một số tàu đang đánh bắt xa bờ chưa cập cảng nhưng với giá xăng dầu hiện nay nhiều khả năng xong chuyến biển này họ sẽ nằm bờ vì nguy cơ lỗ rất cao”, ông Hiếu nói.
Doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu
Tàu cá nằm bờ, sản lượng đánh bắt hải sản giảm sút nghiêm trọng khiến doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm cá ngừ lo lắng khi nguồn nguyên liệu đang thiếu. Chủ các doanh nghiệp cho biết khan hiếm nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và cam kết đơn hàng đã ký với đối tác.
Ông Nguyễn Văn Dư, thành viên Ban giám đốc Tập đoàn Hải Vương - công ty xuất khẩu sản phẩm cá ngừ lớn nhất Việt Nam - cho biết nguyên liệu ngành cá ngừ đang thiếu.
Nhiều doanh nghiệp chuyên về cá ngừ đang lo lắng thiếu nguyên liệu khi tàu cá không ra khơi. Ảnh: An Bình. |
Theo ông Dư, hiện các đơn hàng đi Nga và một số nước Đông Âu đang “đóng băng”. Trong khi giá nguyên liệu trên thế giới đang lên nhưng nguồn cung cấp trong nước lại giảm.
“Sản lượng đánh bắt thấp, cộng thêm việc nhiều tàu bỏ biển khiến nguyên liệu khan hiếm”, ông Dư nói và cho biết giá cá đang phụ thuộc vào thị trường, nếu tăng giá thu mua để kích nguồn cung từ ngư dân, doanh nghiệp sẽ chịu lỗ.
Theo các ngư dân, nếu muốn bám biển, ngoài Quyết định 48 hỗ trợ giá dầu (một năm 4 chuyến biển) thì cơ quan chức năng cần bình ổn giá xăng dầu. Ngoài ra, cần có thêm một số chính sách hỗ trợ người dân vươn khơi bám biển như tiếp tục hỗ trợ thêm hoặc miễn phí tiền bảo hiểm tàu, giảm lãi suất tối đa để mua máy móc, ngư cụ.
Về việc này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho biết việc bình ổn giá xăng dầu thì đang đợi chính sách chung của Trung ương. “Về phía địa phương vẫn khuyến khích bà con bám biển, tổ chức theo tổ đội, chuỗi cung ứng để tăng hiệu quả khai thác. Trong các chuyến đi, cần nắm thông tin ngư trường để đi biển cho hiệu quả”, ông Huy nói.
Còn ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Phú Yên, cho rằng giá xăng dầu tăng khiến chi phí đi biển của ngư dân tăng cao. Trong khi sản lượng đánh bắt giảm sút, việc tìm nhân công đi biển cũng khó khăn hơn.
“Đối với ngành thủy sản, nhất là ngư dân khai thác trực tiếp hiện có Quyết định 48 hỗ trợ giá dầu. Để giúp ngư dân, các địa phương phải giải quyết sớm các hồ sơ theo quy định để hỗ trợ ngư nhân sớm nhận được tiền hỗ trợ từ Quyết định 48. Như vậy bà con mới an tâm bám biển, giảm thiệt hại khi giá xăng dầu tăng cao như hiện nay”, ông Minh nói.
Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng, TP Nha Trang, khẳng định trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao như hiện nay các tàu đánh bắt xa bờ đa phần đều nợ tiền dầu hơn 100 triệu đồng/tàu/chuyến.
“Nếu tiền hỗ trợ theo quyết định 48 về sớm thì ngư dân cũng xoay sở được phần nào. Còn dồn lại, trả chậm thì sẽ phát sinh thêm lãi và nợ, khó chồng khó cho ngư dân”, ông Phúc nói.
Lâm Đồng muốn bổ sung thêm 4 dự án điện gióBốn dự án điện gió có công suất hơn 170 MWh/năm với mức đầu tư dự toán 7.600 tỷ đồng. Bốn dự án này sẽ ảnh hưởng đến hơn 4.500 ha rừng phòng hộ. |
Lo ngại khách Nga hủy tour đến Việt NamĐồng rúp mất giá, khách hủy tour đã ảnh hưởng đến kế hoạch của các doanh nghiệp. Nhiều đơn vị lữ hành vẫn “ngóng” từng ngày quy định đón khách, dù thời điểm mở cửa du lịch cận kề. |
Doanh nghiệp du lịch ‘chạy nước rút’ trước thời điểm mở cửa lạiNhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án đang gấp rút hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để đón đầu giai đoạn Chính phủ cho mở cửa du lịch hoàn toàn. |