Thời gian qua, huyện Cam Lâm đã tích cực triển khai hiệu quả việc hỗ trợ vay vốn, qua đó đã giúp nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
Người đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Cát được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm. |
Đổi thay cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi
Chúng tôi có mặt tại gia đình chị Cao Thị Ngạnh (thôn Suối Lau 3, xã Suối Cát) những ngày đầu tháng 12, chị Ngạnh không dấu được niềm vui khi hiện nay cuộc sống gia đình đã đủ đầy, yên tâm nuôi 2 con ăn học. Chị Ngạnh chia sẻ, thời điểm năm 2020, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã Suối Cát. Gia đình chị đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cam Lâm cho vay số tiền 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Qua các chương trình hỗ trợ người nghèo của huyện, gia đình chị cũng được tặng 2 con bò. Từ số tiền được vay, gia đình chị đã đầu tư làm vườn xoài và trong 3 năm qua cho thu hoạch trung bình 27 triệu đồng/vụ. “Có tiền từ thu hoạch xoài, gia đình tôi một phần trả nợ ngân hàng, một phần tiếp tục đầu tư sản xuất. Đến năm 2024, gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo; dự kiến đến tháng 7-2025, gia đình sẽ trả hết nợ vay số tiền 50 triệu đồng’, chị Ngạnh vui mừng chia sẻ. Cũng nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, tháng 12, gia đình anh Cao Phiên (thôn Suối Lau 1) cũng đã vay được 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện Cam Lâm. Anh Phiên chia sẻ, với số tiền này, gia đình anh sẽ đầu từ mua phân bón, cây giống để phát triển kinh tế, trồng xoài trên diện tích 4ha.
Gia đình chị Cao Thị Ngạnh đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm. |
Bà Cao Thị Liễu - Chủ tịch UBND xã Suối Cát cho biết, NHCSXH huyện Cam Lâm đã hỗ trợ cho người dân địa phương, tạo việc làm phát triển kinh tế ổn định đời sống. Đối với xã Suối Cát có 3 thôn có người ĐBDTTS là thôn Suối Lau 1, 2, 3 hiện nay có 8 tổ và 372 hộ vay. Người dân vay chủ yếu để giải quyết việc làm, phát triển mô hình sản xuất; các mô hình đảm bảo không nợ quá hạn. Nhờ đó, năm 2024 xã Suối Cát đã giảm được 52 hộ nghèo, hiện nay xã còn 8 hộ nghèo trong đó có 4 hộ ĐBDTTS Raglai. Đối với các hộ vay, UBND xã cũng chỉ đạo cho các tổ, hội thường xuyên theo dõi, giúp đỡ hộ vay, sử dụng số tiền vay đúng mục đích. Trong quá trình sản xuất, cán bộ, nông dân của xã theo dõi các mô hình hướng dẫn cho người dân quá trình chăm sóc, nuôi trồng con giống, cây giống, phát triển mô hình mới; góp phần ổn định đời sống người dân. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ các mô hình vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm để đạt hiệu quả cao hơn.
Tiếp tục đồng hành cùng người dân
Bà Châu Thị Diệu Trâm - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Cam Lâm cho biết: Trong thời gian qua, hoạt động của NHCSXH huyện Cam Lâm luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của NHCSXH tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo địa phương cũng như sự phối hợp của các tổ chức xã hội khác. Qua đó, NHCSXH huyện Cam Lâm phát triển về cả quy mô lẫn chất lượng. Tính đến nay, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện Cam Lâm đang quản lý là trên 622 tỷ đồng, tăng 44 tỷ đồng so với cùng kỳ tháng 12-2023. Chất lượng tín dụng kiểm soát rất tốt, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,11% so với tổng dư nợ; giảm tỷ lệ nợ quá hạn là 0,01% so với cùng kỳ.
Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh số cho vay của ngân hàng là 169 tỷ đồng, trong đó doanh số cho vay người ĐBDTTS là 13 tỷ đồng, tương đường 8% tổng số cho vay… Chất lượng tín dụng cho vay người ĐBDTTS luôn đảm bảo, trong tổng số 715 triệu nợ quá hạn không có số nợ của người ĐBDTTS cho thấy ý thức vay vốn trả nợ của bà con rất tốt. Trong thời gian đến, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy đảng, địa phương thực hiện quy trình công tác cho vay, đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, đặc biệt là người ĐBDTTS đủ điều kiện sẽ được tiếp cận vốn vay.
Lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm cho biết, 11 tháng năm 2024, trên địa bàn huyện có 299 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ 613,934 tỷ đồng. Trong đó, cho vay hộ nghèo 10,725 tỷ đồng, hộ cận nghèo 117,349 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo 58,263 tỷ đồng, học sinh sinh viên 7,238 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường 176,408 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 18,686 tỷ đồng, giải quyết việc làm 216,247 tỷ đồng, cho vay nhà ở phòng tránh lũ lụt 0,155 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội 6,355 tỷ đồng, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi 0,792 tỷ đồng, cho vay học sinh - sinh viên mua máy tính thiết bị học tập trực tuyến 0,356 tỷ đồng, cho vay người chấp hành xong án phạt tù 1,040 tỷ đồng, cho vay nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ 0,320 tỷ đồng. Nợ quá hạn 0,677 tỷ đồng, chiếm 0,11% trên tổng dư nợ. Doanh số cho vay là 148,126 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 111,460 tỷ đồng.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, khách hàng vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, không có tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn.
THÁI THỊNH