Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhằm thay đổi nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số (DTTS).
Huyện Cam Lâm có 1.670 người là đồng bào DTTS với 7.241 khẩu tập trung chủ yếu ở các xã Cam Phước Tây, Sơn Tân và Suối Cát. Thực hiện Tiểu Dự án 2 thuộc Dự án 9 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện đã có những kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm tình hình tại cơ sở, tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật thông qua các buổi họp thôn, hội nghị tuyên truyền, vận động, tiếp xúc, đối thoại. Phối hợp kịp thời trong giải quyết những vấn đề tại cơ sở, phát hiện và tổ chức tuyên truyền, vận động kịp thời đến các gia đình có dấu hiệu tảo hôn kết hợp với xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và quy ước của thôn bản.
Tuyên truyền về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn xã Sơn Tân, huyện Cam Lâm. |
Theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Cam Lâm trong năm 2023 và 2024, Phòng Dân tộc huyện đã phối hợp với các xã thuộc vùng đồng bào DTTS tổ chức 15 lớp tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hơn 1.000 người dân thuộc các nhóm đối tượng là các bậc cha mẹ học sinh, thanh niên, người có uy tín, các cấp ủy Đảng, chính quyền vùng đồng bào DTTS. Trong năm 2024, thực hiện tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống huyện đã phát 600 tờ rơi, lắp đặt 12 pano tuyên truyền ở các thôn, xã vùng đồng bào DTTS với các khẩu hiệu như: Không dựng vợ gả chồng khi con trai chưa đủ 20 tuổi, con gái chưa đủ 18 tuổi; trẻ đang độ tuổi đến trường phải được học tập, vui chơi; không kết hôn cận huyết thống với những người có dòng máu trực hệ, có dòng họ trong phạm vi 3 đời; hôn nhân cận huyết làm suy thoái giống nòi; hôn nhân cận huyết ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế gia đình, là rào cản cho sự phát triển đời sống xã hội… Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng đã tổ chức 3 đêm truyền thông sân khấu hóa với chủ đề “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết” tại các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã thuộc vùng đồng bào DTTS.
Tại các trường học trên địa bàn huyện, các buổi tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được thực hiện thiết thực, hiệu quả thông qua các cuộc thi đã giúp các em có kiến thức thiết thực với đời sống để học sinh có thể bảo vệ mình trước vấn nạn này, từ đó các em có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực truyền thông nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống với bạn bè và người thân.
Phần thi kiến thức tại về Hội thi tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho các em học sinh ở Trường THCS Trần Quang Khải, xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm. |
Em Phạm Ngọc Bảo Vy - học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Cam Lâm cho biết: “Qua mỗi buổi tuyên truyền đã giúp chúng em thấy được tác hại của tảo hôn, giúp chúng em có kiến thức về tuyên truyền với người thân, bà con bản làng mình và chăm chỉ, chịu khó học tập để góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn…”.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm cho biết: Toàn xã có 333 hộ với 1210 khẩu là đồng bào DTTS tập trung ở thôn Văn Sơn. Đời sống chủ yếu làm nương, rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước với đồng bào DTTS những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS có những chuyển biến tích cực, đời sống của bà con được nâng lên. Những năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được các ngành và chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, cán bộ làm công tác dân số trong việc tuyên truyền, vận động người dân.
Ông Nguyễn Trọng Khương - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm cho biết, những năm qua, công tác truyền thông vận động về tác hại, hậu quả của tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết được quan tâm thực hiện; tuy nhiên, hiệu quả chưa cao, hình thức tuyên truyền chưa thật sự đa dạng, phong phú nên chưa thu hút sự tập trung, chú ý của người dân; một số địa phương vùng đồng bào DTTS chưa chủ động phổ biến giáo dục pháp luật, việc tuyên truyền còn mang tính phong trào; công tác xử lý vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình chưa triển khai nghiêm; trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn hạn chế, nên giai đoạn 2020 đến 2024 vẫn còn trường hợp tảo hôn trên địa bàn huyện. Thời gian tới phòng sẽ tập trung triển khai thực hiện tốt kế hoạch của UBND huyện về giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn miền núi; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng, các trường học; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, trong các hoạt động giao lưu văn hóa, hoạt động hòa giải ở cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền, đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong các trường học. Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khương, thời gian qua, công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho người đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã góp phần thay đổi nhận thức, hành động của bà con nhân dân để hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, đẩy lùi hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đối với đồng bào DTTS tại vùng đồng bào DTTS tại huyện Cam Lâm.
MÃ PHƯƠNG