Món ăn sinh chất cực độc khiến nhiều người ở Quảng Nam nhập viện

Chủ nhật - 19/03/2023 22:19
Tỉnh Quảng Nam trong vòng 2 tuần gần đây ghi nhận 10 ca ngộ độc, trong đó, các bệnh nhân đều thuộc một gia đình và có ăn cùng một món với nhau.
Món ăn sinh chất cực độc khiến nhiều người ở Quảng Nam nhập viện

Theo kết quả sơ bộ ban đầu về điều tra, giám sát và xử lý 2 vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, những người trong chùm ca bệnh này cùng ăn cá chép muối ủ chua và nhiều món khác tại bữa ăn.

Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Pasteur Nha Trang cho thấy mẫu 50 g cá chép ủ chua chứa Clostridium type E.

Vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra protein độc tố thần kinh, chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết. Những người bị nhiễm độc sẽ có triệu chứng tăng dần từ khó thở, sụp mí mắt, liệt toàn thân đến liệt cơ hô hấp.

Các món ăn được chế biến thế nào?

Trong vụ ngộ độc thực phẩm tại xã Phước Đức, huyện Phước Sơn, 4 trường hợp được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam ngày 13/3 sau bữa ăn tiệc cúng tại nhà bà H.T.N. ở thôn 2, xã Phước Đức, huyện Phước Sơn.

Theo lời khai của những người có mặt tại bữa tiệc, các món có trong bữa ăn bao gồm thịt heo kho cá khô, cá chép làm chua (gia đình tự làm), canh cải nấu bí đỏ, mít luộc xào, cơm, canh rau lủi.

Trong đó, 4 người bị ngộ độc thực phẩm trên đều ăn món cá chép làm chua vào trưa ngày 6/3.

Cá chép được gia đình mua của người bán dạo trên địa bàn. Cá khô được dùng để chế biến thức ăn trong mâm cúng được mua tại một tạp hóa trong thôn. Nguồn nước sử dụng để chế biến thức ăn là nước tự chảy.

ngo doc o quang nam anh 1

Nhiều người ngộ độc tại Quảng Nam do ăn cá chép muối ủ chua đựng trong hũ thủy tinh đậy kín. Ảnh minh họa: The Polonist.

Danh sách những người ăn tại nhà bà Nhương từ ngày 6/3 đến ngày 7/3 gồm 11 người, trong đó 4 người bị ngộ độc. Một phụ nữ 40 tuổi đã tử vong.

Đến ngày 17/3, Sở Y tế Quảng Nam tiếp tục ghi nhận 4 trường hợp cùng gia đình ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn. Tất cả cùng xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau họng, người mệt, buồn nôn, nôn, không đại tiện được.

Theo lời khai của những người cùng ăn, bữa cơm của họ hôm 16/3 có cá chua (cá chép) gia đình tự làm, cơm, chim nướng. Trong đó 4 người bị ngộ độc thực phẩm trên đều ăn món cá chép làm chua (bé trai 8 tuổi không ăn món này).

Ngoài ra, đoàn điều tra Sở Y tế Quảng Nam cũng có ghi nhận thêm một trường hợp khác là phụ nữ 37 tuổi, dân tộc Giẻ Triêng, sống tại xã Phước Chánh cũng đang điều trị tại bệnh viện. Dù không ăn chung những bữa ăn trên, người này có dùng món cá chép làm chua do gia đình tự làm vào ngày 14/3.

Với đầy đủ các tiêu chuẩn về lâm sàng và dịch tễ, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đưa ra chẩn đoán đối với các chùm ca bệnh trên là ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua.

Đồ ăn được bảo quản kín dễ gây độc tố

Qua khai thác dịch tễ ban đầu, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết trong quá trình chế biến loại thức ăn này, người dân đã cho cá vào hộp thủy tinh đóng kín, sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn. Điều này tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển.

Hơn một ngày sau khi dùng món này, những người ăn đều có triệu chứng rối loạn tiêu hóa kèm yếu tứ chi tăng dần. Trường hợp nặng đều dẫn tới suy hô hấp do liệt cơ, phải thở máy.

Ba người nặng nhất đã được truyền thuốc hiếm để trung hòa độc tố và được theo dõi sát diễn tiến.

Nhiều người có thói quen bảo quản thức ăn muối chua, lên men trong hộp vặn chặt nắp hoặc hút chân không. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cách bảo quản đồ ăn trong hộp vặn chặt nắp có thể tạo ra môi trường yếm khí, thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi.

Thực phẩm nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum nếu được bảo quản trong môi trường này có thể sinh ra chất độc đối với người sử dụng.

ngo doc o quang nam anh 2

Thực phẩm tự sản xuất trong gia đình, nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tự hút chân không càng gây nguy hiểm. Ảnh: Unsplash.

Trao đổi với Zing trước đó, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết Clostridium botulinum là vi khuẩn yếm khí (sống trong môi trường không có không khí).

Chúng có khả năng tự tạo ra bào tử lẫn trong đất, cát. Khi có điều kiện thuận lợi (môi trường yếm khí), các bào tử này sẽ tái hoạt động, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, khuyến cáo các loại thực phẩm không được thanh trùng, tự sản xuất trong gia đình, nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tự hút chân không càng gây nguy hiểm do Clostridium botulinum hay vi sinh vật yếm khí phát triển sẽ gây độc tố.

Do vậy, gia đình nên bảo quản thực phẩm như thịt, cá, pate, xúc xích... ở nhiệt độ thấp bình thường, sử dụng trong thời gian ngắn, không nên hút chân không.

Bác sĩ Trần Văn Phúc, khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), nhấn mạnh botulinum là chất độc nguy hiểm nhất thế giới. Với liều 0,004 μg/kg, nó sẽ giết chết một người trưởng thành. Mỗi kg botulinum đủ giết chết một tỷ người.

Sau khi phát hiện 3 chùm ca ngộ độc, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa ra khuyến cáo cho toàn người dân tại địa phương, đặc biệt không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua.

Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.

Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.

Bộ Y tế yêu cầu tập trung cứu chữa bệnh nhân ngộ độc ở Quảng Nam

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Bệnh viện Chợ Rẫy và Sở Y tế Quảng Nam về việc cứu chữa các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp